Để… thay đổi không khí, thay vì kể khổ như thường lệ mỗi khi đề cập đến xe buýt, trước tiên bài viết xin đề cập đến những mặt tiện lợi của phương tiện di chuyển công cộng này.
Vui cùng buýt
Hiện nay, chi phí đi lại chiếm bình quân trên 10% thu nhập của cá nhân, vì vậy việc cân nhắc lựa chọn phương thức di chuyển phù hợp để vừa tiết kiệm vừa hiệu quả là rất cần thiết.
Nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy, nếu đi taxi trên quãng đường dài 20km thì phải chi một khoản tiền cao gấp 12 lần so với xe buýt, còn nếu đi xe gắn máy sẽ tốn kém gần gấp đôi, đó là chưa kể các chi phí khác như tiền gửi xe, tiền bảo trì, sửa chữa xe.
Không chỉ tiết kiệm được chi phí, đi xe buýt còn có lợi cho sức khỏe bản thân. Một nghiên cứu khoa học ở Anh cho thấy, người điều khiển xe gắn máy hay xe hơi phải chịu áp lực căng thẳng do tập trung tinh thần cao độ, đặc biệt khi gặp tình trạng tắc đường dễ làm huyết áp tăng cao.
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 3.000 xe buýt các loại xuôi ngược trên 147 tuyến đường, phần lớn lấy điểm xuất phát là khu vực chợ Bến Thành, từ đó mà tỏa đi hầu như khắp các quận huyện. Có thể nói đó là điểm thuận lợi lớn nhất khi người dân có thể di chuyển đến mọi địa điểm trong thành phố với giá chỉ từ 4 đến 5 ngàn đồng cho mỗi chuyến xe.
Để có được mức giá thấp như hiện nay, TP.HCM đã có rất nhiều cố gắng hỗ trợ cho ngành vận chuyển công cộng này. Năm 2011, số tiền trợ giá cho xe buýt của TP.HCM khoảng 1.200 tỉ đồng, một kỷ lục nếu so sánh với những năm trước (năm 2005 khoảng 424 tỉ, năm 2006 là 486 tỉ, năm 2007 hơn 522 tỉ, năm 2008 đạt 610 tỉ, năm 2009 khoảng 676 tỉ và năm 2010 là 841 tỉ đồng).
Cứ tưởng với ba tiêu chí giá rẻ, thuận lợi và an toàn như trên, rõ ràng xe buýt xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu của người dân. Vậy mà cho tới nay hệ thống xe buýt TP.HCM cũng chỉ phục vụ chưa đến 2 triệu lượt người đi lại mỗi ngày.
Trong thực tế, việc chọn phương tiện này lại trở thành điều bất đắc dĩ với đa số người dân vì họ cảm thấy bị động hơn là chủ động, bị gò bó hơn là thoải mái, bực mình nhiều hơn hài lòng.
Những ai thường xuyên chọn xe buýt làm bạn đường? Phần lớn là người lao động, sinh viên học sinh, người già, những người không có phương tiện đi lại cá nhân, cũng như một số người mà việc đi lại không bị ràng buộc giờ giấc.
Khảo sát xã hội học do Tổng công ty Vận tải Hà Nội công bố cho thấy 65% hành khách không đi xe buýt vì lý do phải chờ lâu, 16% cho rằng do chất lượng phục vụ kém, 10% nói phải đi bộ xa, 5% vì ngại tệ nạn và 4% do sợ lái xe ẩu.
Còn nhớ mấy tháng trước đây, hồi mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khoe với giới báo chí rằng ông thường đi làm bằng xe buýt và khuyến khích nhân viên của Bộ mình sử dụng phương tiện này. Không biết trong lúc hào hứng với việc cổ động người dân đi xe buýt để góp phần giảm nạn kẹt xe ở các đô thị, ông bộ trưởng có biết được các thông tin nói trên không, chứ xe buýt khó có thể là sự lựa chọn của những người bộn bề công tác, đặc biệt là người phải họp hành liên miên để giải quyết trăm công ngàn việc như ngài bộ trưởng.
Buồn với buýt
Lâu nay, điều người đi xe buýt ca thán nhiều nhất thường tập trung vào cung cách phục vụ thiếu tôn trọng hành khách của tài xế và tiếp viên, cũng như nạn móc túi, rạch giỏ hoành hành trên xe buýt.
Một sinh viên kể lại trên blog của mình:
“Chiều 25-9-2011, tôi đi trên chuyến xe buýt số 30, biển số 53N – 6374. Khi nhân viên soát vé đến thì tôi đưa một vé tập sinh viên nhưng chị này không nhận với lý do phải kèm theo thẻ sinh viên. Tôi giải thích mình học năm thứ nhất nên thời gian đầu chưa có thẻ và đề nghị “trình” thêm giấy báo nhập học, thẻ nội trú, thẻ bảo hiểm y tế, thế nhưng chị vẫn không chịu. Tôi thắc mắc nếu như vậy chẳng lẽ những sinh viên năm 1 trong thời gian chưa có thẻ sẽ buộc phải trả tiền giá cao hơn suốt cả năm đầu hay sao thì chị mới đồng ý, rồi với giọng cộc lốc chị yêu cầu:
– Đưa hết mấy cái giấy đó đây, luôn cả chứng minh nhân dân nữa.
Hóa ra bên cạnh các giấy tờ đóng học phí, biên lai bảo hiểm y tế, lại còn phải kèm thêm… chứng minh nhân dân để nhà xe xác thực!
Trước mặt tôi có một chị bị say xe muốn ói và hỏi xin chị tiếp viên hai bịch nylon, thì chị lớn tiếng:
– Xin gì tới hai cái dữ zậy? Bị say xe mà còn đi đường dài làm chi!
Lúc quay đi chị còn không quên ra thêm nghiêm lệnh:
– Đợi tui đem bịch tới rồi mới được… ói nghe chưa”.
Có thể liệt kê ra 1.001 câu chuyện thuộc dạng này, nhưng để người đọc khỏi nhíu mày biết rồi, nói mãi nên người viết xin dừng tại đây.
Tình trạng tiếp viên, tài xế xe buýt bỏ rơi người khuyết tật tại các trạm, nhà chờ ở TP.HCM chẳng phải là chuyện hiếm. Theo thống kê của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, trên địa bàn thành phố chỉ có bốn tuyến xe buýt có hỗ trợ người khuyết tật đi xe lăn gồm tuyến số 10 (Bến xe Miền Tây – ĐHQG TP.HCM, tuyến số 6 (Bến xe Chợ Lớn – ĐH Nông Lâm), tuyến số 94 (Bến xe Chợ Lớn – Củ Chi) và tuyến số 1 (Sài Gòn – chợ Bình Tây). Nhưng không phải lúc nào hành khách ngồi xe lăn tại các nhà chờ cũng được chào đón, một số xe buýt viện cớ này cớ nọ để từ chối không sử dụng thiết bị nâng xe lăn cho người khuyết tật lên xe.
Tiên trách kỷ
Công bằng mà nói, không phải lái xe hay tiếp viên nào cũng ăn nói cộc lốc hay thiếu lịch sự với hành khách. Cũng có nhiều người vui vẻ xởi lởi, chịu khó nhắc nhở thanh niên nhường chỗ cho người lớn tuổi, hướng dẫn rành rẽ cho khách biết nơi cần chuyển sang tuyến xe khác để đi tiếp, hay giúp trẻ em và người già lên xuống xe.
Theo thiển ý, đây chính là những người sáng suốt vì ngoài việc tạo tiếng thơm cho ngành xe buýt, họ còn tự cứu mình khỏi mắc phải chứng cao huyết áp hay tim mạch về sau, trong hoàn cảnh đã phải làm việc căng thẳng mà lại còn thường xuyên cau có.
Về phía hành khách, có những việc tưởng chừng như đơn giản xem ra lại khó thực hiện. Không ít người ngồi trên xe buýt lại xử sự như đang ở chốn riêng tư hay đi phương tiện cá nhân. Họ thoải mái nói điện thoại oang oang, thản nhiên ăn uống rồi vứt rác trên xe, nhất là một số thanh thiếu niên, kể cả học sinh thường đùa giỡn ầm ĩ làm phiền mọi người chung quanh và khiến tài xế bị phân tâm.
Ngoài ra, nếu đặt mình vào vị trí của lái xe và tiếp viên thì có lẽ chúng ta dễ có được sự thông cảm hơn.
Hoạt động trong môi trường giao thông đô thị hỗn tạp luôn có sự ùn tắc mà cứ vài trăm mét phải dừng lại một lần, nên các tài xế xe buýt bị sức ép về giao thông lẫn tâm lý hơn nhiều so với các lái xe khác, kể cả xe khách đường dài. Chỉ nội việc phải điều khiển chiếc xe to đùng suốt ngày trên những con đường mật độ xe cộ dày đặc, thì liệu mấy ai cảm thấy thoải mái?
Hãy nghe nỗi niềm tâm sự của bác tài N.V.H trên tuyến xe số 36 chạy đường Bến Thành – Thới An có thâm niên hơn sáu năm:
“Cả ngày ngồi trước tay lái đối mặt với nạn kẹt xe như thế này, chưa kể phải trả lời hàng trăm câu hỏi, đôi khi ngớ ngẩn, của hành khách thì làm sao lúc nào cũng tươi cười được, cái đầu chưa nổ tung là may rồi! Đó là chưa kể đủ loại xe máy, xe hơi đâu có chịu nhường cho xe buýt. Họ cứ việc lấn tuyến, lạng lách giành đường có khi làm mình tức điên người. Ai tự hào ta đây lái xe giỏi, cứ ngồi vào ghế này thì mới biết lửa biết vàng. Chẳng phải dễ đâu!”.
Còn công việc của tiếp viên thì sao? Trên thực tế là rất vất vả và nhàm chán, nhưng thu nhập lại không cao và cơ hội thăng tiến hầu như là không.
Hằng, cô tiếp viên 27 tuổi trên tuyến xe 139 chạy đường Phú Xuân – Bến xe Miền Tây cho biết mỗi ngày 4 giờ sáng cô đã phải đến bãi đậu của công ty để kịp cùng tài xế làm thủ tục nhận xe. Chuyến xe cuối cùng về đến bến thường gần 8 giờ tối, lại phải đưa xe về bãi đậu của công ty để thanh toán tiền bán vé xong xuôi công việc cũng phải cả tiếng đồng hồ, đạp xe về đến nhà cũng đã 11 giờ đêm. Quần quật như vậy mà Hằng chỉ nhận được thù lao 13.000 đồng mỗi chuyến cả lượt xe đi và về, nếu mỗi ngày chạy được tám chuyến tính ra mỗi tháng khoảng trên dưới 3 triệu đồng, sau khi đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì còn lại chẳng bao nhiêu.
Nay thì tuyến xe này đã chuyển sang bán vé tự động, Hằng mất chỗ làm và phải đến các trung tâm tìm việc với hy vọng có được đồng lương khá hơn.
Bạn sẽ như thế nào khi phải làm việc mười mấy giờ liền trong môi trường hết sức xô bồ và không phải lúc nào cũng được tôn trọng với đồng lương ít ỏi? Báo chí thường đưa tin nhân viên nhà xe có những hành vi không tốt với hành khách, tuy nhiên, khó mà đếm xuể số lần nhân viên xe buýt bị đối xử khiếm nhã hay phải nín nhịn khi chứng kiến những điều trái tai gai mắt. Hàng triệu lượt hành khách xe buýt đi lại hằng ngày với đủ mọi thành phần mà đâu phải ai cũng trung thực và lịch sự ở mức tối thiểu.
Đối với lái xe, công việc có phần ổn định và thu nhập khá hơn, nhưng họ cũng phải chứng kiến tất cả những gì mà tiếp viên gặp phải.
Hậu trách… xe
Thỉnh thoảng báo chí đưa tin một cụ già té ngã khi xuống xe buýt vì tài xế không cho xe ngừng hẳn, hay một người tật nguyền bị hất hủi khi khó nhọc lê bước lên xe buýt.
Hành động lên xuống xe buýt lẽ ra rất đơn giản đối với hành khách, nhưng chỉ vì hầu hết các lái xe không chịu dừng hẳn khi ghé trạm nên bỗng hóa ra khó khăn, thậm chí là lo sợ đối với không ít người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi hoặc người bị khuyết tật ở chân…
Thật ra khắc phục điều này không khó nếu áp dụng các biện pháp kỹ thuật cơ khí buộc xe phải dừng hẳn mỗi khi ghé trạm. Cửa lên xuống xe buýt cần được thiết kế sao cho chỉ khi nào bánh xe dừng lại thì chức năng mở cửa mới được kích hoạt. Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Dương Hồng Thanh cho biết: “Về mặt kỹ thuật, đây là điều hoàn toàn khả thi và chúng tôi đang nghiêng nhiều về hướng lựa chọn này”.
Điều đáng phê phán nhất hiện nay là việc áp dụng thu vé tự động do chủ trương tiết kiệm chi phí của các công ty xe buýt. Nói bán vé tự động cho có vẻ văn minh hiện đại thế thôi, chứ thực chất là tài xế phải đảm nhiệm cùng lúc hai nhiệm vụ vừa lái xe vừa bán vé. Tức là họ phải theo dõi hành khách bỏ tiền vào chiếc hộp nhựa ở cửa lên, hướng dẫn khách nhận lại đúng loại vé, ai chưa trả tiền thì nhắc nhở (hoặc hù dọa “ăn gian sẽ bị phạt khi có kiểm soát”), ai đưa dư thì thối lại và cằn nhằn “bộ chưa đi xe buýt lần nào hả?”.
Ở những trạm khách lên quá đông, có bác tài nhẫn nại chờ thu xong tiền mới lăn bánh, nhưng cũng có người sợ trễ giờ quy định nên vừa cho xe chạy vừa la ơi ới yêu cầu khách tự động trả tiền, làm cho không gian xe buýt trở nên bát nháo.
Nhưng quan trọng hơn, đây là việc không thể chấp nhận được vì rõ ràng đã vi phạm đến an toàn lưu thông khi tài xế không thể tập trung vào việc lái xe mà bị phân tâm rất nhiều cho việc… bán vé (trong khi ở các nước, thậm chí nhiều xe buýt còn ghi dòng chữ “Không nói chuyện với lái xe trừ khi thật cần thiết”).
Đồng cảnh tương lân: đôi điều chia sẻ
Thật ra, hành khách một khi lựa chọn phương án chỉ tốn 5.000 đồng cho quãng đường 31 cây số thì đã mặc nhiên chấp nhận một dịch vụ tiền nào của nấy, chẳng mấy ai mơ tưởng sẽ được đối xử “ân cần, lịch sự” theo đúng quy định ghi rõ ràng trên tất cả các xe buýt. Đi đúng nơi về đúng chỗ mà không bị… mắng mỏ, càu nhàu đã là quý hóa lắm rồi.
Là một hành khách có thâm niên đi xe buýt, có thể nói người viết chưa hề bị bác tài hay tiếp viên có thái độ bất lịch sự, cũng chưa gặp tình huống nào khó xử trên xe buýt. Một phần có lẽ là do may mắn, nhưng phần lớn – theo đánh giá chủ quan – là nhờ quán triệt không chỉ các quy định tạm gọi là luật của xe buýt, mà quan trọng hơn là lệ khi sử dụng phương tiện này. Nhân đây cũng xin chia sẻ với những người đồng cảnh đôi điều.
Lần đầu tiên làm quen với buýt, tôi đứng chờ ngay tại trạm dừng và yên chí đã làm theo đúng luật. Kết quả là một, rồi hai chuyến xe thản nhiên lướt qua. Thế là học được cái lệ thứ nhất: nếu bạn không đưa tay cao để thay lời muốn nói “xin bác cho em đi với” thì đừng hy vọng xe dừng, cho dù điểm ấy chỉ có một tuyến xe buýt đi qua mà thôi.
(Đau nhất là có lần tôi thực hành đúng lệ đưa tay vẫy, bác tài cũng đã chớp đèn xi-nhan ra hiệu, ngay lúc ấy một bà cụ đứng kế bên hỏi thăm “xe này đi Chợ Lớn hả cô?”, tôi quay sang trả lời “không, bác phải sang bên kia đường”, thế mà bác tài nhìn thấy tôi lắc đầu bèn nhấn ga cho xe… chạy luôn!).
Chưa hết, một khi xe đã chuẩn bị dừng thì bạn cần phải sốt sắng đi… rà rà theo và nhanh chân bước lên xe, để tránh bị bác tài lên lớp về thái độ đủng đỉnh “cứ như đi taxi”.
Luật của xe buýt là “phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ”, nhưng nếu bạn giữ thói quen như đi taxi, nghĩa là thong thả mở xắc tay lấy cái ví, cẩn thận đóng xắc tay rồi mới mở ví tìm tiền lẻ, tìm không thấy bèn cất ví vào xắc tay, lại thư thả lục hết túi áo này đến túi quần nọ cho đến khi rút ra được 5.000 đồng, thì nhiều phần chắc là bạn sẽ phải đối diện với đôi mắt hình viên đạn của tiếp viên! Đấy chính là lệ thứ hai: nên chuẩn bị sẵn tiền (lẻ) làm sao để có thể mua vé càng nhanh càng tốt.
Theo luật, sắp đến trạm cần xuống thì phải báo cho tài xế hay tiếp viên, nhưng cần nhớ là khi còn cách trạm hơn trăm mét bạn phải đến đứng ngay cửa xe: nếu không tuân thủ lệ này thì có khả năng bạn sẽ được xuống xe ở… trạm sau!
Luật có ghi rõ: lên xe cửa trước – xuống xe cửa sau, vì vậy ai làm ngược lại thì có bị mắng mỏ cũng chẳng phải oan ức gì. Nhưng phải biết luật đó chỉ dành cho… hành khách mà thôi, còn các bác tài muốn cho khách lên xuống cửa nào là… quyền của họ. Ai ngây thơ không biết lệ này mà đưa luật ra bắt bẻ thì thua là cái chắc!
Đây là một vài kinh nghiệm xương máu để các bạn đồng cảnh ngộ lận lưng, hy vọng bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi đi xe buýt, thậm chí còn ca tụng xe buýt vì tất cả những lợi ích mà nó mang lại.
***
Chuyện vui buồn xe buýt thì còn rất nhiều mà một bài viết thế này khó lòng nói cho hết. Cách hay nhất để tìm cảm giác, nói theo ngôn ngữ thời thượng là bạn hãy “trải nghiệm với buýt” vài lần. Công bằng mà nói thì ngành xe buýt đang có nhiều cố gắng để cải tiến cung cách phục vụ như đưa vào sử dụng xe buýt chạy bằng gaz để hạn chế ô nhiễm môi trường, tổ chức lại các tuyến cho hợp lý hơn, xây dựng nếp sống văn minh trên một số tuyến…
Nhưng trong khi chờ đợi những đổi thay tích cực hơn thì chúng ta cứ phải chấp nhận nguyên tắc bất di bất dịch “tiền nào của nấy” để không cảm thấy vui buồn với phương tiện đi lại này.