Vua Minh Mạng có tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của vua Gia Long, sinh năm Tân Hợi (1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Ngay từ khi mới lên ngôi, để loại trừ tệ tham nhũng của quan lại, vua Minh Mạng đã có những biện pháp chấn chỉnh quyết liệt trong việc trị quan tham. Vị vua thứ 2 của triều Nguyễn thường đưa ra những hình phạt rất nặng đối với những ai có hành vi đục khoét của công.
Năm Quý Mùi (1823), Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ Nội vụ lấy trộm hơn một lạng vàng. Theo luật, tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây có ít nhiều công trạng nên Bộ Hình giảm xuống thành tội bắt đi đày viễn xứ.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 20, mặt khắc 12, 13 có chép về việc này như sau: “Thư lại Nội vụ phủ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn 1 lạng vàng. Bộ Hình nghĩ xử tội chém chuẩn làm tội đồ. Án tâu lên. Vua dụ rằng: “Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Dược thông đồng với thợ bạc là bọn Nguyễn Khoa Nguyên đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn ngụy cất ở kho, đều xử chém ngay. Nay, Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám công nhiên lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn đã không có pháp luật.
Chi bằng theo đúng tội danh mà định tội để răn người sau. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn ngươi sao?”.
Lại có trường hợp xảy ra vào tháng 11 năm Tân Mão (1831), cũng ở Nội Vụ phủ có Tư vụ tên là Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Khi sự gian dối ấy bị phát hiện, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã giáng dụ phạt tội.
- Xem thêm: Vua Minh Mạng xử tội tham của bố vợ
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 33 có chép: “Lũ Nguyễn Đức Tuyên, Tư vụ Nội vụ phủ lại ăn bớt nhựa thơm việc phát giác. Vua dụ rằng: Lại dịch các kho phần nhiều là kẻ tham lam hèn mạt, bớt xén, dối trá, chẳng thiếu cách gì. Xảy ra đến đâu, trừng phạt đến đấy, đã chiếu luật làm tội nặng, lại nhiều lần truyền dụ, dạy bảo hầu đến rát cổ bỏng họng. Cốt muốn cho kẻ gian đổi lòng, đổi dạ, trở thành lương thiện, thế mà không ngờ lòng người khác xưa, ngày thêm gian giảo? Năm nay có vụ án (ăn cắp) son ở Vũ khố, đã đem nhẹ làm thành nặng vì khinh pháp luật, lừa dối vua.
Kẻ phạm tội ấy đã bị xử tử, lại phải chặt một tay để treo ở cửa kho. Gần đây, lại xảy ra vụ án mất trộm sa, đoạn, và hổ phách, hiện đương sai tra xét rất khẩn cấp. Nay sai dâng nhựa thơm thì ra lũ Nguyễn Đức Tuyên đã ăn bớt từ trước, lại dám lấy mật trộn lẫn vào để ít hoá nhiều, định lừa gạt che giấu. Trước còn chối cãi, đến lúc cả kho xưng ra, mới chịu thổ lộ thực tình, thì những người tai nghe mắt thấy ai mà không ghét! Vả lại, vụ mất son chưa nguội, án sa đoạn, hổ phách còn nóng hổi chúng nó mù, điếc, sao lại mất hết lương tâm, cố ý phạm tội như thế.
Đáng lẽ cho trói đem giong ra chợ cửa đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xoá tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận, và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.
Cũng dưới triều vua Minh Mạng, có vụ án quan tham cũng được khắc trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 121, mặt khắc 26, 27 đó là vào năm 1834, khi giặc Xiêm tiến sát tỉnh Hà Tiên, Tuần phủ Trịnh Đường lấy giấu 1.000 quan tiền công ở kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Đến khi tỉnh lỵ đã thu phục, Trịnh Đường lại tâu man là tiền ở kho bị giặc lấy mất.
Đến đây, Tham tán Hồ Văn Khuê nhân Đặng Văn Nguyên phát giác, mới chỉ đích danh mà hặc. Tuần phủ Trịnh Đường tham ô tới một nghìn quan tiền nhưng lại nói dối là bị giặc lấy mất. Đến khi vụ việc bị phát hiện, vua Minh Mạng rất tức giận, tuyên dụ: “Trịnh Đường trước đây có lỗi, đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dùng. Gần đây, vì có nhiều việc, đã được cất nhắc vượt bậc, ủy cho chức Tuần phủ. Khi đi nhậm chức, ta đã khuyên bảo tận mặt và hậu cấp cho bạc lạng làm tiền dưỡng liêm. Đáng lẽ phải gắng sức để báo ơn mới phải, thế mà khi đến tỉnh, không tỏ được một sở trường gì, để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan, vội bỏ thành trì đất đai mà chạy. Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét! Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao viên tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên. Còn Đặng Văn Nguyên thì phải tiệt lưu để chờ đối chất”.
Vua Minh Mạng lập tức hạ lệnh giải Trịnh Đường về Kinh, lấy các chứng cớ, giao cho Bộ Hình nghiêm xét. Vừa lúc đó thì tờ sớ nhận tội của Đường cũng đến, nói: “Khi tỉnh lỵ thất thủ, mang số tiền ấy đi theo thuyền, tiêu hết hơn 400 quan, còn bao nhiêu, biền binh vứt xuống sông cả. Tập tấu trước nói giặc lấy đi mất, là nói sai sót, xin cam chịu tội”.
Vua bảo Bộ Hình rằng: “Tên Đường xâm lạm tiền công, lại bức bách biền binh khai man là vứt xuống sông. Đã bị người tham hặc, còn dám vin cớ đó mà cãi, sao nó gian dối đến thế!”. Khi thành án, Đường bị xử tội thắt cổ ngay. Sau đó, Đặng Văn Nguyên, tuân theo tờ chỉ trước, cũng bị giải về Kinh, giao Bộ Hình nghiêm xét, rồi xử vào tội trảm giam hậu”.
Có thể nói, với những biện pháp mạnh tay và cực kỳ nghiêm khắc trừng trị quan lại tham nhũng, vua Minh Mạng đã phần nào làm nhụt chí bọn “sâu mọt”, giúp đất nước phát triển cường thịnh. Đó cũng chính là bài học đáng suy ngẫm cho hậu thế.
- Xem thêm: Vị quan thanh liêm khiến đạo tặc nể phục