Xã hội nào cũng vậy, có được vị quan biết giữ mình thanh liêm, trong sạch là rất hiếm và rất đáng trân trọng. Rất nhiều trong số họ tên tuổi được lưu danh sử sách, tiếng thơm để lại muôn đời. Nguyễn Văn Hiếu là một nhân vật như thế. Suốt cuộc đời làm quan, ông luôn dành được sự yêu mến, nể trọng của vua quan, dân chúng, thậm chí đến cả đạo tặc nể phục mà tránh xa.
Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1746 ở Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay là Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Theo gia phả họ Nguyễn Đình, ông là cháu 12 đời của tướng quân Nguyễn Xí, trụ cột của nghĩa quân Lam Sơn, khai quốc công thần của nhà Lê. Nguyễn Văn Hiếu là con trai của Chưởng y cấm vệ Nguyễn Văn Đán. Mặc dù xuất thân từ gia đình quan lại, nhưng gia đình lại rất nghèo, thuở nhỏ ông phải cắt cỏ thuê để kiếm sống qua ngày.
Năm Ất Tỵ (1785), ông gia nhập quân Đông Sơn dưới quyền của Võ Tánh, một thuộc tướng của Nguyễn Ánh. Nguyễn Văn Hiếu kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, đến khi vua Gia Long lên ngôi thì ông được cử làm Cai cơ, Phó vệ, trấn thủ Bình Định, sau điều ra làm trấn thủ Sơn Nam Hạ, kiêm lãnh Đê chính Bắc Thành…
Trong suốt quá trình làm quan, Nguyễn Văn Hiếu luôn giữ lòng thanh liêm, trong sạch. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 16, mặt khắc 12, 13, ghi chép về ông như sau: “Nguyễn Văn Hiếu là người thanh liêm quả quyết, lấy hay cho không cẩu thả, nghiêm cấm người nhà không được giao thiệp với người ngoài, hàng năm tết nhất đưa cho liền từ chối, nhà quan lơ thơ, lương bổng hằng năm được bao nhiêu, chỉ cung đủ hết năm, không cầu dư dật, phu nhân thường đem việc ấy ra nói, Hiếu cười nói rằng: Phu nhân không nhớ lúc còn cắt cỏ ư? Đổi áo để đi, vào ngày mới ăn, lấy nay so với xưa, gấp hai gấp năm như thế nào, lại muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư? Từ đó, phu nhân không dám nói đến lợi nữa. Hiếu tuy xuất thân là võ quan nhưng cử chỉ có phong độ nho tướng, các tân khoa cử nhân có đến yết kiến, Hiếu khoản đãi ân cần, nhân đó bảo rằng: Đèn sách 10 năm mới có ngày nay, rất mừng cho các bạn hiền, ngày khác được ra làm quan, nên như lúc nhà nghèo tân khổ mới được, cần chớ nên xa xỉ, điếm nhục thân danh, để cô phụ ý tốt kén chọn nhân tài của triều đình”.
Không chỉ nhận được sự yêu mến của đông đảo dân chúng, sự thanh liêm của Nguyễn Văn Hiếu còn ảnh hưởng đến cả đạo tặc, thậm chí những kẻ trộm cướp cũng rất mực kính nể ông. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 16, mặt khắc 13, có chép lại rằng: “Nguyễn Văn Hiếu làm quan có nhiều chính tính, nhân dân rất thân yêu, lại hay nghiêm trị lại dịch; lại dịch đều kính sợ. Trong hạt có nhiều trộm cướp, cướp bóc các nơi hương ấp, Hiếu đem bộ thuộc đi bắt, trộm cướp răn bảo nhau rằng: “Quan trấn nhân huệ, là Phật ra đời, bọn ta nên kính cẩn lánh đi”, đến đâu trộm cướp liền tránh xa”.
Dưới triều vua Minh Mạng, nghe tiếng dân chúng ca ngợi Nguyễn Văn Hiếu làm quan thanh liêm, vua đã ban thăng chức vượt cấp, đồng thời thưởng một ống nhòm mạ vàng, một thanh gươm mạ vàng và một khẩu súng có nạm chữ vàng. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 12, mặt khắc 16, ghi chép như sau: “Trấn thủ Sơn Nam hạ là Nguyễn Văn Hiếu làm quan có thành tích. Vua xuống dụ khen ngợi, thưởng cho một cấp trác dị và cho một ống kính thiên lý Tây mạ bạc, một thanh gươm chạm mạ vàng và một khẩu súng chữ vàng ở nội thảng”.
Trong cuộc đời làm quan, dù ở đâu và với chức vụ gì, Nguyễn Văn Hiếu vẫn luôn giữ lòng ngay thẳng, yêu thương dân hết mực. Bản thân vua Minh Mạng đã dành tình cảm đặc biệt và luôn đối đãi rất hậu với ông. Mỗi lần Nguyễn Văn Hiếu có ốm đau tuổi già, vua đều quan tâm, hỏi han thắm thiết. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 46, mặt khắc 4, ghi về cuộc đối thoại giữa vua và Văn Hiếu như sau: “Lại cho Thống chế Nguyễn Văn Hiếu lĩnh trấn thủ Nghệ An. Hiếu trước ở Nghệ An, vì ốm giải chức, đến bấy giờ vào chầu, vua yên ủi hỏi rằng: “Khanh tuổi già, nhân ra cõi ngoài bị ốm. Nay sức lực thế nào?”. Hiếu tâu rằng: “Bệnh thần dẫu chưa được thực khỏi, mà sức lực còn khoẻ”. Vua nói: “Khanh làm việc không có gì giỏi hơn người, nhưng làm quan liêm cần, đãi người hòa nhã thì không ai kịp. Vả khanh trước ở Sơn Nam vốn có tiếng là tuần lương, quan dân tin yêu. Kịp Trấn thủ Nghệ An bỗng có việc biên, mấy lần ra ngoài không từ khó nhọc. Những điều ấy Trẫm đã biết rõ. Nay các phủ Trấn Ninh, Trấn Tĩnh thuộc hạt Nghệ An đều mới vào bản đồ, dân man còn sợ hãi, mà Nguyễn Văn Quế làm việc mới được ít ngày, Trẫm thực không yên dạ. Khanh nên đi lần nữa, vì triều đình mà ngồi trấn, ngày nào tuổi đến bảy tám mươi, hoặc về Kinh chầu hầu hoặc về quê vui nhàn, muốn thế nào cũng được”.
Với tình cảm đặc biệt như vậy, vua Minh Mạng đã đem công chúa thứ 2 là Chương Gia gả cho con trai của Nguyễn Văn Hiếu tên là Nguyễn Văn Túc.
Năm Quý Tỵ (1833), Nguyễn Văn Hiếu mất, Thế tổ Nhân hoàng đế cho công chúa để tang cha chồng 1 năm. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 103, mặt khắc 9, ghi: “Vua dụ rằng: “Công chúa đã hạ giá rồi, phải nên về nhà chồng, kính hiếu cha mẹ chồng mới là hợp lễ. Ta là vua cả một nước, vẫn nghĩ sâu sắc rằng mình là gốc phong hóa, phải làm gương cho thiên hạ về việc dạy đạo hiếu để suy làm đạo trung”. Vua bèn đặc cách chuẩn cho công chúa để tang Nguyễn Văn Hiếu tròn một năm, duy khi vào triều yết kiến ở nội đình, thì đổi dùng đồ mặc thường, còn những lúc ca nhạc, yến tiệc, vui chơi, đều miễn không phải đến dự, theo ban thứ”. Như vậy, đủ thấy đối với công thần Nguyễn Văn Hiếu, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã dành sự yêu mến đến nhường nào.
Dưới triều vua Tự Đức, vào năm Tân Hợi (1851), bài vị của Nguyễn Văn Hiếu được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng Công thần tại kinh đô Phú Xuân – nơi dành cho các bậc công thần triều Nguyễn. Đến năm Mậu Ngọ (1858), được thờ ở Hiền Lương từ.
Có thể nói, Nguyễn Văn Hiếu là một trong những vị quan thanh liêm hiếm có trong lịch sử nước nhà. Ngày nay, ở quê hương Tiền Giang, người dân đã đặt một con đường mang tên ông để tưởng nhớ về một bậc công thần chính trực, vì nước yêu dân.