Vua Minh Mạng sinh ngày 23 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), là con thứ tư của vua Gia Long. Minh Mạng có tư chất thông minh, hiếu học, năng động và quyết đoán. Từ khi lên ngôi, ông đã ra coi chầu rất sớm, xem xét mọi việc trong triều và tự tay “châu phê” rồi mới cho thi hành.
Vua Minh Mạng muốn quan lại các cấp phải có năng lực, đức độ, giữ lòng trong sạch. Vì vậy, mà khi mới lên ngôi, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã thực thi nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn lòng tham ở các quan, thậm chí xử tử cả những người thân của mình, khi bị phạm tội như đối với bố vợ Hoàng Văn Lý.
Nói về Hoàng Công Lý, trước thời điểm bị tội thì chức vụ của họ Hoàng rất đáng nể. Dưới triều vua Gia Long, Hoàng Công Lý được vua trao giữ nhiều chức vụ trọng yếu như Vệ úy thị trung, Trấn thủ Bình Định, Tả Thống chế thị trung. Thậm chí, vào năm Mậu Dần (1818), vị vua đầu tiên của vương triều còn bổ ông làm Phó Tổng trấn Gia Định, chỉ đứng dưới quan Lê Văn Duyệt.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 58, mặt khắc 3, còn ghi về chức vụ Hoàng Văn Lý như sau: “Lấy Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Lê Văn Phong làm Phó Tổng trấn Bắc Thành, Tả thống chế Thị trung là Hoàng Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định”.
Mặc dù được giữ quyền cao chức trọng, đáng ra càng phải giữ mình để làm gương cho người khác, thì họ Hoàng lại được thế bành trướng, ngày càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 5, mặt khắc 9 cho biết: “Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi”.
Sau khi xem xét sự việc, vua Minh Mạng đã sai đình thần hội bàn “Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét thì tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm sự Bộ Hình là Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần ở thành mà xét hỏi”. Vậy là từ những lời tố cáo tội trạng của họ Hoàng, vua Minh Mạng ra lệnh tống giam Lý vào ngục để xét hỏi, thay vì đưa về kinh để vua trực tiếp xử lý.
Trong thời gian Hoàng Công Lý ở trong ngục, vua Minh Mạng tiếp tục cho truy xét, điều tra cẩn thận tội phạm của Công Lý lần nữa. Và tất cả những bằng chứng, tội lỗi của bố vợ mắc phải đều không thể dung tha, buộc vua Minh Mạng phải trừng trị. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 9, mặt khắc 3, 4, ghi: “Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân. Dụ rằng: “Gia Định là nơi đất rộng dân nhiều. Hoàng khảo ta mưu tính, thành lập quân lữ, khôi phục dư đồ, cái nền móng xây dựng cơ nghiệp thực là ở đấy. Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn phủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Hoàng Công Lý, lấy tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, vặn trái pháp luật, ăn lót kể đến muôn vàn, bắt người làm việc riêng mỗi lần đến hàng mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ các ngươi vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình. Lý làm Tả thống chế quân Thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh”.
Đối với vụ án Hoàng Công Lý, bản thân vua Minh Mạng cũng phải lao tâm khổ tứ và phiền lòng rất nhiều. Có nhiều lúc ở triều, khi gặp các đại thần, Thế tổ Nhân hoàng đế đã bày tỏ nỗi lòng của mình. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 6, mặt khắc 11, ghi chép về việc trao đổi giữa vua với Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng như sau: “Vua nói: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây, Hoàng Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”.
Trong vụ án Hoàng Công Lý, có một người tham gia xét xử nữa chính là Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Trong bài Dụ ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ hai (1821) ghi rõ: “Quan Tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn sau này. Lời nghị tội thật xác đáng. Vậy ngoài việc y lệnh thi hành ra, việc xin sung công cửa hàng”… “Vậy hãy bán cửa hàng đó, được bao nhiêu giao cho Tả dực thống chế Tôn Thất Dịch phân phát cho 5 vệ Tả dực sao cho công bằng, để cho binh lính túc vệ của ta đều được ban ơn”. Theo lời dụ, ta được biết quan Tổng trấn xử vụ Hoàng Công Lý, nhưng bởi đây là kẻ có quyền cao, đương làm Phó Tổng trấn, án liên quan đến sinh mệnh con người, nên vua Minh Mạng chính là người quyết định cuối cùng và theo đó, họ Hoàng bị tử hình.
Sau khi vụ án xử tử Hoàng Công Lý khép lại, vua Minh Mạng luôn lấy gương này để nhắc nhở thuộc quan. Tháng 3, năm Ất Tỵ (1821), Án trấn Trương Phúc Đặng vào chầu, lúc từ biệt về, vua dụ rằng: “Hạt ngươi dân khổ chưa hồi, việc làm kho thực là bất đắc dĩ. Ngươi làm trọng thần của nước, nên răn dạy thuộc viên không được tạ sự bóc lột. Chẳng thấy gương Hoàng Công Lý đấy sao?”. Hay như khi Tiến Bửu được bổ chức Phó Tổng trấn Gia Định thay Hoàng Công Lý. Khi vào bệ từ, vua Minh Mạng đã dụ Tiến Bửu rằng: “Người lão thành từng trải thì hẳn không đến nỗi như Công Lý. Nhưng nếu một mực rộng rãi thì tôi tớ làm bậy, tội đến chủ nhà, há nên chẳng tự răn sao?”.
Có thể nói, qua Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, cho thấy vua Minh Mạng đã rất nghiêm khắc khi đích thân ký án tử hình mà phạm tội chính là bố vợ của mình. Điều này cũng để lại nhiều luồng ý kiến khác nhau trong triều. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sau trọng án này, có rất nhiều quan lại phải khiếp sợ và nhụt chí khi mang manh nha tham nhũng.