Tham nhũng luôn là nội nạn của bất kỳ một thể chế chính trị nào, đó là giặc nội xâm làm suy yếu tiềm lực của quốc gia, dân tộc. Dưới triều Nguyễn, để ngăn ngừa nạn sâu dân mọt nước, các bậc “thiên tử” đã áp dụng chế độ “bổng dưỡng liêm”. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.
Dưỡng liêm là một khái niệm có nguồn gốc lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ chế độ “bổng dưỡng liêm” dưới thời Lý và sau này nhấn mạnh dưới triều Lê sơ. Dưỡng liêm là một từ Hán Việt, trong đó, dưỡng có nghĩa là nuôi dưỡng, còn liêm có nghĩa là trong sạch, không tham của cải. Dưỡng liêm là nuôi dưỡng, giữ được lòng thanh liêm, trong sạch.
Dưới triều Nguyễn, tiền dưỡng liêm được đặt ra vào năm Mậu Dần (1818) cuối đời vua Gia Long. Lúc đầu, lệ này được đặt ra chỉ dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ huyện (còn gọi là quan địa phương), còn các quan chức thuộc bộ máy trung ương ở kinh thành không nằm trong chế độ ưu đãi này. Vua Gia Long đã giải thích lý do vì sao lại như vậy, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 57, mặt khắc 2, ghi như sau: “Đến như phủ huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm, để tỏ đặc cách”.
Đến triều vua Minh Mạng, với quan điểm “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn tiếp tục duy trì tiền dưỡng liêm cho các quan ở phủ huyện và mở rộng ra cho các quan ở châu nữa. Khoản tiền dưỡng liêm mà các quan ở phủ, huyện, châu nhận được tương đối lớn, gần bằng với lương bổng họ thực nhận hằng tháng. Cụ thể tiền dưỡng liêm dưới triều vua Minh Mạng được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 208, mặt khắc 14, có ghi như sau: “Đổi định lại lệ tiền dưỡng liêm cho phủ, huyện, châu các hạt: Hạng tối yếu khuyết: Tri phủ, 60 quan, đồng Tri phủ 50 quan, Tri châu, Tri huyện đều 40 quan. Hạng yếu khuyết: Tri phủ 50 quan, đồng Tri phủ 40 quan, Tri châu, Tri huyện đều 40 quan. Hạng trung khuyết: Tri phủ 40 quan, đồng Tri phủ 30 quan, Tri châu, Tri huyện đều 30 quan. Hạng giản khuyết: Tri phủ 30 quan, đồng Tri phủ 25 quan, Tri châu, Tri huyện đều 20 quan. Gián hoặc có viên nào bị giáng phạt, chỉ chiết trừ tiền lương về phẩm trật, còn tiền dưỡng liêm vẫn cho lĩnh vào cuối kỳ 3 tháng”.
Bên cạnh tiền dưỡng liêm, các quan ở phủ, huyện, châu còn được nhận thêm gạo dưỡng liêm. Tiền, gạo dưỡng liêm được căn cứ theo bổng phẩm trật của từng người mà cấp. Và ở mỗi giai đoạn nhất định, vua Minh Mạng cũng cấp tiền và gạo dưỡng liêm khác nhau.
Đến triều vua Tự Đức, vua quyết đinh cho mở rộng đối tượng được hưởng chế độ dưỡng liêm. Theo vị vua thứ 4 của triều Nguyễn thì: “Các quan ở Kinh ngày đêm làm việc siêng chăm, mà ân bổng được tặng thêm so với tiền dưỡng liêm của các quan ngoài lại có phần hơi kém”. Vì vậy, vua xuống dụ: “Quan lại trị dân, lấy liêm, thiện làm đầu, bậc quân tử, lấy việc không tham làm quý. Nếu bảo là cơm, áo đủ thì biết vinh, nhục, đó là thường tình của kẻ tiểu nhân, chứ không phải là bàn đến tính hạnh của bậc sĩ phu và quân tử. Duy người làm tôi thờ vua, cố nhiên vẫn là trước nghĩ đến làm việc, rồi sau mới nghĩ đến hưởng lộc nhưng triều đình nuôi sĩ phu, tất phải đặt ra mực lương cho hậu để bắt phải giữ lòng liêm. Cho nên Kinh Thư có câu nói rằng: “Phàm người làm quan, phải cho lộc nhiều, rồi sau mới có thể bắt làm điều thiện được”. Hay như: “Liệu tặng thêm ân bổng cho các quan viên ở Kinh và cấp tiền dưỡng liêm cho các đốc, phủ, bố, án ở ngoài vì là muốn cho các quan trong ngoài đều có nhiều lương bổng để khuyến khích liêm khiết”.
Số tiền dưỡng liêm của các quan ở Kinh được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 17, mặt khắc 42, 43, quy định như sau: “Quan ở Kinh tòng nhị phẩm 70 quan, mà quan ngoài tuần phủ 75 quan; quan ở Kinh chánh tam phẩm 60 quan, tòng tam phẩm 50 quan, mà quan ngoài bố chính 70 quan, án sát 65 quan. Tổng đốc chiểu theo chánh nhị phẩm ở Kinh, tiền ân bổng 80 quan; tuần phủ 70 quan; bố chính 60 quan; án sát chiểu theo tòng tam phẩm ở Kinh ân bổng 50 quan; quản đạo 45 quan…”.
Cũng giống như triều vua Minh Mạng, ngoài tiền dưỡng liêm, vua Tự Đức cũng cấp thêm bổng dưỡng liêm, tuy nhiên không phải bằng gạo mà bằng bạc. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 3, mặt khắc 41, ghi chép: “Cấp tiền dưỡng liêm bằng bạc cho phái viên (Kinh phái) thu thuế quan: viên ngoại, 3 viên đều cấp cho mỗi viên 10 lạng bạc, chủ sự 7 viên mỗi viên đều 8 lạng, biên tu 2 viên, tư vụ 10 viên, mỗi viên đều 6 lạng”. Tuy nhiên, đến năm Tân Dậu (1861), vua Tự Đức cho rằng việc tiêu dùng cho việc quân tốn nhiều tiền nên tạm đình tiền ân bổng của quan ở Kinh và tiền dưỡng liêm cho quan phủ, huyện. Đợi khi nào xong việc đánh giặc sẽ cấp trở lại. Và kể từ triều vua Tự Đức trở về sau, do sự biến động của thời cuộc nên trong các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, không thấy ghi chép về chế độ dưỡng liêm dành cho các quan nữa.
Có thể nói, việc triều Nguyễn có cơ chế “dưỡng liêm” đãi ngộ dành cho trăm quan đã tạo sự khuyến khích “yên tâm công tác”, công tâm hết lòng vì công việc, từ đó phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng trong giới quan trường.