Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đã trắng tay sau một thời gian kinh doanh do gặp phải rất nhiều vấn đề, nguyên nhân không chỉ đến từ môi trường kinh doanh mà còn là vấn đề nội tại trong chính các doanh nghiệp.
Từ năm 2014 trở lại đây, cộng đồng startup Việt phát triển rất nhanh cả về số lượng và quy mô cũng như phát triển đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong năm 2017 đã có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới; trong khi con số này của năm 2016 là trên 110.000 doanh nghiệp.
Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm qua là trên 3,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gần 1,3 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đăng ký mới chủ yếu có quy mô rất nhỏ với trung bình khoảng 10 lao động; vẫn còn khá non trẻ và số lượng các startup thành công lớn (unicorn) chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi các unicorn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, đặc biệt là vai trò lan tỏa.
Tại sao nhiều startup chưa thành công?
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã trắng tay sau một thời gian kinh doanh do gặp phải rất nhiều vấn đề, không chỉ từ môi trường kinh doanh mà còn là vấn đề của chính các doanh nghiệp.
Chia sẻ Tại sự kiện “Navigate Hanoi” – sự kiện giao lưu kết nối khởi nghiệp sáng tạo vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Lê Thái Phong, khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngoại Thương cho rằng, thủ tục đăng ký kinh doanh còn khá phức tạp, tốn kém và mất thời gian là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam thất bại.
Cụ thể, doanh nghiệp phải mất tối thiểu là 50 USD và 7 ngày để đăng ký kinh doanh trong khi ở các nước khác chỉ cần tới 30 phút và chẳng tốn một đồng nào, ông Phong cho biết.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Phong, tuy trong cùng một môi trường kinh doanh nhưng lại có sự phân biệt rất rõ giữa doanh nghiệp nhà nước và khối tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp.
Sự khác biệt này có thể thấy rõ ràng trong các vấn đề liên quan đến giấy phép, liên quan đến các thủ tục hành chính cũng như thời gian xử lý công việc.
Một rào cản nữa đối với các startup chính là thuế. Theo ông Phong, hiện nay Chính phủ ủng hộ rất mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, hiện nhiều chính quyền địa phương vẫn còn chưa hiểu rõ được vai trò đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp nên vẫn còn xảy ra tình trạng gây khó khăn, thậm chí còn yêu cầu các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng thuế VAT cho những thứ không cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phòng hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, vấn đề vốn cũng cản trở các doanh nghiệp startup trên con đường tiến lên unicorn.
Theo bà Quyên, vốn cho các doanh nghiệp startup Việt Nam hiện nay rất đắt so với các nước khác. Cụ thể với 10% cổ phần công ty thì các doanh nghiệp ở các nước khác có thể huy động được khoảng 1 triệu USD trong khi ở Việt Nam chỉ có thể huy động được khoảng 100.000-200.000 USD.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tự nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại trong chính bản thân mình. Cụ thể ông Phong cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam rất sáng tạo và biết khá nhiều thứ nhưng lại không chuyên sâu vào một lĩnh vực nào cả.
Các học giả cho rằng người Việt rất thông minh và sáng tạo nhưng nhiều người khởi nghiệp còn có một số dấu hiệu lười biếng bởi lẽ khởi nghiệp mà làm việc dưới 14 tiếng/ngày thì khó có thể thành công được.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện nay còn chưa làm việc đúng như mức kỳ vọng và đó cũng là lý do khiến họ chưa thể đi xa được.
Cũng theo ông Phong, nhiều doanh nghiệp còn bị vướng vào hiệu ứng huyễn hoặc, thường cho rằng mình là số 1. Yếu tố lạc quan (optimistic) là rất tốt, tuy nhiên mặt trái của vấn đề là các startup không chịu tìm hiểu kỹ thị trường cũng như đối tác nên thường huyễn hoặc về khả năng của chính mình, dễ dẫn đến thất bại.
Ngoài ra, hệ sinh thái của Việt Nam còn yếu, được phân tán ở nhiều tổ chức khác nhau như các đại học, các đại sứ quán mà không có một nơi làm đầu mối cố định tập trung.
Cơ hội nào cho các startup?
Việt Nam hiện có khoảng 94 triệu dân, trong đó có 46 triệu người dùng mạng xã hội, thuộc top 10 nước có số người sử dụng facebook nhiều nhất trên thế giới. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi và tiềm năng cho các startup Việt Nam để ứng dụng các mô hình kinh doanh online cũng như kết hợp online và offline.
Theo bà Quyên, để khởi nghiệp thành công, cần một số yếu tố bắt buộc. Thứ nhất là phải có vốn, bao gồm vốn về mặt tài chính, vốn con người và vốn xã hội. Thứ hai là những chính sách, quy định từ phía Chính phủ.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra khái niệm để phân biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thông thường và các doanh nghiệp startup để đưa ra các chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, khi nhắc đến SMEs, ta chủ yếu đề cập đến quy mô của doanh nghiệp thể hiện qua số lượng lao động, số vốn cũng như doanh thu. Còn start up là các doanh nghiệp SME dựa trên nền tảng về công nghệ, nền tảng IP và có khả năng sinh lời nhanh.
Về mặt tài chính, theo thống kê không chính thức của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện nay có khoảng 40 quỹ đầu tư hiện diện ở Việt Nam, chủ yếu là các quỹ ngoại. Trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã bắt đầu tìm hiều và đầu tư cho các doanh nghiệp startup.
Chính phủ cũng đang có một số quỹ đầu tư như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), Quỹ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các dự án ODA như Dự án đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP).
Tuy nhiên, hầu hết các quỹ này đều không nhắm tới hỗ trợ đối tượng là các doanh nghiệp startup mà thường hướng vào các doanh nghiệp đã có sản phẩm và có mức độ tăng trưởng tốt.
Hiện chỉ có Dự án IPP là trực tiếp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp startup. Chính phủ cũng đang có những điều chỉnh nhất định về đối tượng hỗ trợ vốn trong các quỹ này.
Về nguồn vốn con người, Việt Nam có tới 54 triệu người đang ở độ tuổi lao động, nhân lực không chỉ được đánh giá tốt trong lĩnh vực IT, và ngoại ngữ. Các bạn trẻ từ nước ngoài cũng đang tìm đến thị trường Việt Nam để startup, điều này sẽ có tác động rất tích cực đối với hệ sinh thái của Việt Nam.
Về nguồn vốn xã hội, liên quan đến văn hóa, nhận thức của người dân đến vai trò của start up. Theo báo cáo của VCCI, họ cho thấy khả năng chấp nhận rủi ro của người Việt Nam còn rất khiêm tốn. Trong 2 năm qua, đã có rất nhiều chương trình sự kiện diễn ra để tăng nhận thức của cả cộng đồng và cả xã hội về vai trò của khởi nghiệp.
Một loạt chương trình gần đây được phát sóng như quốc gia khởi nghiệp, café khởi nghiệp, shark tank đã đóng góp tích cực trong việc tăng nhận diện của vai trò của các startup.
Về các quy định, chính sách của Chính phủ, trong những năm qua, chủ đề startup đã được đưa vào trong nội dung các cuộc thảo luận cũng như các chính sách của Chính phủ thể hiện qua một số mục tiêu của chính phủ như thông qua Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ : Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hay Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Gần đây nhất, vào năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đưa ra 3 chương trình trọng tâm để hỗ trợ các SME: Mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các cụm, chuỗi giá trị và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
Thông qua Luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính phủ sẽ đưa ra một nghị định để hướng dẫn đăng ký các quỹ đầu tư khởi nghiệp cho các startup. Điều này sẽ có tác động rất lớn trong việc khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Phạm Quang Vinh đến từ Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (TSC) trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, hiện trung tâm đã thành lập được Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án khởi nghiệp, 200 doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 trung tâm sẽ hỗ trợ được 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài việc xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp, trung tâm còn xây dựng khu tập trung để hỗ trợ cho doanh nghiệp và đối tượng khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí từ các nguồn của nhà nước Chính phủ, các tổ chức và triển khai các đề án về thương mại hóa công nghệ.
- Theo Đặng Hoa