Cách đây năm năm, cuốn sách “Chuyên ngành Cơ khí” ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh và đạt Giải thưởng sách hay năm 2013 của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED). Hơn 20 người trong nhóm Nhất nghệ tinh (gồm các kỹ sư và chuyên gia người Việt ở Đức) đã mất đến ba năm để dịch cuốn sách này từ nguyên tác Fachkunde Metall – một trong số những cuốn sách dạy nghề bán chạy nhất của nhà xuất bản chuyên ngành nổi tiếng Europa Lehrmittel (Đức).
Đến nay, tủ sách của nhóm Nhất nghệ tinh đã có thêm ba cuốn sách nghề khác như: Chuyên ngành Điện – Điện tử, Chuyên ngành Ôtô và xe máy hiện đại, Chuyên ngành Cơ điện tử và hai cuốn mới là Cẩm nang Hóa học, Cẩm nang Sinh học sẽ ra mắt đầu tháng 3 năm nay. Ngoài ra, một số sách dự kiến sẽ hoàn thành trong hai năm tới như: Chuyên ngành Chất dẻo, Môi trường, Cẩm nang cơ khí, Chuyên ngành Xây dựng, Chuyên ngành Công nghệ may mặc… “Sau mấy chục năm sống và làm việc ở Đức, chúng tôi muốn đưa những gì mình học hỏi được với hy vọng mang lại một công cụ học nghề hiệu quả cao cho thế hệ trẻ Việt Nam”, kỹ sư Phạm Nam Hương, Điều phối viên của nhóm Nhất nghệ tinh cho biết.
Đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trong nước
“Sách Fachkunde Metall (Chuyên ngành Cơ khí) đã tồn tại hơn 70 năm tại Đức sau Thế chiến thứ hai, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. Từ trước đến nay, mỗi giáo viên dạy nghề cơ khí có giáo trình riêng, chưa có giáo trình thống nhất và đầy đủ. Quyển sách Chuyên ngành Cơ khí được xem là giáo trình hoàn chỉnh nhất đến thời điểm này”, kỹ sư Lê Tùng Hiếu – Trưởng nhóm dịch thuật cuốn Cơ khí và đồng thời là Cố vấn chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật tại Trường Trung cấp nghề Cơ điện Đông Nam bộ – đánh giá.
Trước đó, từ những năm 2008, tình trạng đào tạo ngành kỹ thuật trong nước có nhiều bất ổn. Các doanh nghiệp thiếu công nhân thạo nghề nghiêm trọng trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học thì không có việc làm. Chương trình dạy nghề trên cả nước thiếu tính nhất quán, giáo trình đào tạo ngành kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại CHLB Đức (VSW) đã cùng (STF) thành lập dự án xuất bản sách kỹ thuật có tên gọi “Tủ sách Nhất nghệ tinh”, với mục tiêu dịch và xuất bản sách dạy nghề cho học sinh, sinh viên và cả giảng viên, nhằm giúp cho việc đào tạo nghề hiệu quả hơn.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phan Kim Hổ, một thành viên trong nhóm Nhất nghệ tinh, thì việc dịch cuốn sách khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với mường tượng ban đầu. Ông cho biết: “Phần lớn người trong nhóm chúng tôi đi du học ở Đức từ những năm 1968, nên vốn tiếng Việt có khi cập nhật hóa không kịp. Mấy chục người cùng làm việc với nhau rất gắn bó, nhưng mỗi người một văn phong nên khi tổng hợp lại cũng có nhiều điểm không tương đồng. Thêm vào đó có nhiều thuật ngữ Đức và Anh chưa có từ tương đương trong tiếng Việt. Nhưng với tinh thần “cần cù là làm được” của người Đức cùng với tâm huyết hướng về quê hương nên chúng tôi đã hoàn thành những cuốn sách như mong đợi dù mất khá nhiều thời gian và công sức”.
Đến nay, những cuốn sách do nhóm Nhất nghệ tinh biên dịch đã đưa được vào tham khảo hay làm giáo trình giảng dạy ở nhiều trường trên cả nước như Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ LILAMA 2 (Đồng Nai), Trường Trung cấp nghề 2, Trường Trung cấp nghề Cơ điện Đông Nam bộ… Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ) mua mỗi đầu sách chuyên ngành 200 cuốn để sử dụng trong các trường dạy nghề do GIZ tài trợ. Dự kiến GIZ sẽ mua thêm 500 cuốn sau khi tái bản vào đầu năm 2018. Riêng cuốn “Chuyên ngành Cơ khí”, Công ty Bosch và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã mua số lượng lớn. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách về sách dạy nghề ở nước ta. Ngoài ra, sách dạy nghề cũng được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá cao. Công ty cổ phần Cơ Điện lạnh REE đã tài trợ để đưa sách nghề đến với nhiều trường trong thành phố như Cao đẳng Cao Thắng, Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có bản E-book do Nhà xuất bản Trẻ biên tập, sách “Chuyên ngành Cơ khí” đã đến được với học sinh và sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa…
Khuyến khích “học đi đôi với hành”
Trong những buổi lễ ra mắt và trao tặng sách cho các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và thư viện trên cả nước tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, nhóm dịch giả Nhất nghệ tinh đã mời các chuyên gia uy tín để chia sẻ về mô hình đào tạo song hành của Đức, từ đó chúng ta có thể cải thiện được mô hình đào tạo nghề trong nước, hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, một học giả tâm huyết với giáo dục Việt Nam, Nhà nước cần phải có quyết sách đưa sách nghề và hệ thống dạy nghề song hành vào giảng dạy ở nhiều trường và doanh nghiệp. Ông đưa ra dẫn chứng về thành công của hệ thống đào tạo “học đi đôi với hành” của Đức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, năm 2013, có đến 97% trong số 6 triệu kỹ thuật viên được đào tạo theo hệ thống dạy nghề song hành ra trường là có việc ngay. Gần đây, chính phủ Campuchia nhờ hai công ty của Đức và Thụy Sĩ tư vấn để đưa hệ thống dạy nghề song hành vào giảng dạy trong vòng 20 năm tới. Nếu Việt Nam giậm chân tại chỗ trong đào tạo, không tạo ra đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao, các hãng chế tạo nước ngoài có thể sẽ dời cơ sở sản xuất sang Campuchia trong nay mai.
Còn kỹ sư Lê Tùng Hiếu thì đề cập đến một thực tế khó khăn tại Việt Nam là các trường nghề cơ khí hiện nay trang bị máy móc rất nhiều và liên tục đầu tư mới nhưng cả thầy và trò đều chỉ sử dụng để học lý thuyết và thực tập “suông”. Trong khi đó, nếu trong lúc học mà thầy trò cùng thực hành tốt thì có thể làm ra sản phẩm cơ khí để bán ra thị trường và có thu nhập, nhất là các phân xưởng cơ khí nhỏ lẻ ở khu vực Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. “Thạc sĩ, tiến sĩ mà không có tích lũy kinh nghiệm thực tế thì liệu có thể làm ra được sản phẩm để bán có người mua hay không? Người ta nói đến con số hơn 2.000 tiến sĩ nhưng không nhắc đến số thợ thủ công, kỹ thuật viên, kỹ sư cho cuộc công nghiệp hóa. Trong khi đó, nếu không có một lực lượng công nhân có tay nghề cao, đất nước không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể phát triển kinh tế bền vững. Thực tế là ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu trong nước…”, kỹ sư Lê Tùng Hiếu trăn trở.
Qua các buổi trò chuyện như thế, nhóm Nhất nghệ tinh cho rằng chúng ta cần học tập chương trình đào tạo nghề tiên tiến đúng tiêu chuẩn đang ứng dụng ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, phần đào tạo kiến thức lý thuyết tại một trường dạy nghề chỉ chiếm khoảng 25% còn phần đào tạo thực hành tại doanh nghiệp chiếm khoảng 75% thời gian học. Mục tiêu của chương trình này là trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng, có tay nghề cao để đáp ứng cho công nghiệp phụ trợ và lực lượng lao động địa phương.
Và để hỗ trợ tích cực cho việc học tập của học sinh và sinh viên, nhóm Nhất nghệ tinh sẽ tiếp tục dịch nhiều đầu sách dạy nghề đa lĩnh vực trong thời gian tới. Đồng thời, nhóm đang hoàn thiện một từ điển trực tuyến khoa học kỹ thuật Việt – Đức – Anh khoảng 20.000 thuật ngữ để hình thành công cụ hỗ trợ cho việc thống nhất thuật ngữ trong sinh viên, giảng viên. “Một trong những khó khăn lớn của chúng tôi trong quá trình dịch thuật là việc thống nhất thuật ngữ. Trong lĩnh vực này, Ủy ban Tiêu chuẩn tương tự như ở Đức có vai trò quan trọng để thống nhất các thuật ngữ cho từng chuyên ngành thì việc xuất bản sách nghề cũng như việc học tập của sinh viên cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặt khác, với nguồn lực hữu hạn, chúng tôi chỉ có thể cùng nhau xuất bản những cuốn sách uy tín, chất lượng. Nếu có nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức thì sách nghề sẽ đến với sinh viên, giảng viên sâu rộng hơn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện còn nhiều thiếu thốn…”, ông Phạm Nam Hương nói. Hy vọng rằng những quyển sách chuyên ngành được dịch ra tiếng Việt sẽ góp phần tích cực cho việc đào tạo chuyên viên tay nghề cao và sự phát triển có hệ thống của các ngành nghề kỹ thuật quan trọng của nước ta.