Các lao động trẻ tìm việc trong Ngày hội việc làm được tổ chức tại Lâm Đồng
Giàu cơ hội – Nghèo tiêu chuẩn
Theo nghiên cứu của TS Goran O.Hultin và ThS Nguyễn Huyền Lê công bố năm 2011, 26% các doanh nghiệp có quy mô dưới 10 lao động gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng lao động có kỹ năng, trong khi 84% doanh nghiệp có quy mô trên 259 lao động đối mặt với vấn đề này. Cơ hội việc làm trên thực tế là không hề thiếu.
Dân số ViệtNamđược đánh giá là đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở vào khoảng 60 triệu trong khi tỷ lệ người lao động qua đào tạo có tay nghề chỉ chiếm khoảng 30% theo số liệu thống kê của Chính phủ tính đến tháng 2-2012. Nhân lực ViệtNamhiện đang rơi vào tình trạng “thừa lượng thiếu chất”. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư chi phí rất lớn cho việc đào tạo lại nhân lực mới vào. Trong khi Việt Nam vừa trải qua giai đoạn giảm phát chịu ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt, các doanh nghiệp ưu tiên nhiều hơn cho việc cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất hơn là đào tạo lại lao động cho phù hợp nhu cầu của mình.
Trong khi đó, lao động ngoại quốc công tác tại ViệtNamngày càng tăng nhanh, lực lượng này nắm giữ nhiều vị trí cao trong các doanh nghiệp và các công trình lớn. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến tháng 5-2011, trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 74.000 lao động mang quốc tịch nước ngoài: 32% công tác ở các vị trí điều hành, 42% là chuyên gia kỹ thuật. Hiện tượng này rộ lên sau khi Việt Nam gia nhập WTO khiến người lao động Việt Nam lao vào cuộc đua trong thị trường lao động một cách đuối sức và tình trạng “thừa lượng thiếu chất” bộc lộ nhiều hệ quả ngày càng nghiêm trọng cho người dân Việt Nam. Việc thay đổi chính sách phát triển nguồn nhân lực để củng cố tiềm lực kinh tế nước nhà là một trong những ưu tiên hàng đầu trong những cuộc họp Quốc hội gần đây.
Hướng đi cũ – Động thái mới
Bất cập trên xuất phát từ nguyên nhân thiếu thông tin về cung cầu lao động, hạn chế trong dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, chương trình đào tạo chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động – theo ý kiến của TS Đinh Sơn Hùng, Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh. Về tầm quan trọng của việc nâng chất lượng nguồn nhân lực, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định rằng: “Chỉ với lực lượng lao động lành nghề thì Việt Nam mới có thể đạt được những thành tựu về công nghệ tiên tiến và năng suất lao động hiệu quả; tăng trưởng kinh tế được duy trì, mức sống người dân được cải thiện”.