Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, việc đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động có trình độ đạt 55% trên tổng số 50 triệu lao động là cần thiết. Để đạt được điều đó, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại với nhau để xây dựng một kế hoạch bài bản đào tạo cho nguồn lực này đáp ứng được các yêu cầu được nhà tuyển dụng đặt ra. Song song với đó là việc xây dựng thang bảng lương phù hợp với công việc và tăng cường thanh kiểm tra vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đạt được điều này, doanh nghiệp sẽ bớt được gánh nặng nhân sự, điều kiện sống của người dân sẽ được cải thiện đáng kể. Mặt khác, thay vì trông chờ vào những nhà tuyển dụng hay những thị trường công việc đã bão hòa, người Việt Nam cũng cần chủ động trong việc cải thiện mình và tìm kiếm cho mình nhiều hướng đi khác triển vọng và phù hợp hơn.
Kinh tế Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ cùng với quá trình hội nhập, nhiều ngành nghề mới đã xuất hiện ở Việt Nam như lĩnh vực kinh doanh buôn bán lẻ, quản lý sòng bạc, sân golf… hay nuôi trồng nhiều giống vật nuôi cây trồng mới mang lại nhiều vị trí mới đa dạng. Sự đầu tư ngày càng nhiều từ nguồn vốn nước ngoài và sự xuất hiện của các công ty ngoại quốc đang tăng nhanh lượng cầu lao động cả về chất lẫn về lượng và hứa hẹn sẽ là động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong 10 năm tới, đòi hỏi những tiếp cận chủ động hơn.
Việc Chính phủ cố gắng đưa các chính sách giúp kết nối cung và cầu lao động với nhau bên cạnh việc xuất hiện ngày càng nhiều những ngành nghề mới trong quá trình hội nhập, là một bước đáng ghi nhận để dần dần giải quyết “nghịch lý thiếu thừa”. Khi bước đi trước mắt cần nhắm vào việc giải quyết mặt bằng thông tin giữa người lao động và tuyển dụng lao động, thì cái gốc lâu dài cần một chiến lược tổng thể mang tính dự báo dài hạn. Lao động không chỉ là vấn đề kinh tế, mà sâu xa đó là bài toán giáo dục – đào tạo, cùng với việc lựa chọn và xác định mục tiêu phát triển của quốc gia trong nhiều năm kế tiếp.
Thiên Thuận – Nhân Văn