Theo phân tích mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí nhân công ở Việt Nam hiện không còn rẻ so với các nước trong khu vực.
Tại Hội nghị Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra ngày 19-12 tại Hà Nội, đại diện WB đã đưa ra bản phân tích năng suất doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Theo đó tiền công và tiền lương của doanh nghiệp Việt Nam trung bình ở mức khoảng 2.739 USD/lao động, cao gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia và hơn khoảng 30 – 45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines. Tuy vậy, chỉ số này của Việt Nam lại thấp hơn so với các nước BRIC (các nước có nền kinh tế mới nổi gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil).
Cũng theo báo cáo trên, năng suất lao động Việt Nam khá cao, trung bình doanh nghiệp tạo ra khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Ấn Độ (khoảng 7.000 USD), nhưng lại thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế BRIC. Ở Việt Nam chỉ có rất ít doanh nghiệp tạo ra được hơn 60.000 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Phổ biến các công nhân tạo ra giá trị gia tăng khoảng 8.000 USD. Năng suất/vốn của Thái Lan lên tới trên 700%, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 160%, Trung Quốc và Ấn Độ là gần 300%, Nga là 300%…
Mức độ thâm dụng vốn và năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn các nước Đông Á khác và ngang bằng các nền kinh tế BRIC. WB đánh giá dù có mức độ thâm dụng vốn tương đương các doanh nghiệp ở BRIC, nhưng doanh nghiệp của Việt Nam lại có năng suất trung bình thấp hơn, điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng vốn chưa hiệu quả.
Những con số trên phần nào cho thấy Việt Nam đang giảm dần ưu thế về lao động giá rẻ. Đứng trước yêu cầu nâng cao năng suất lao động và hiệu suất kinh doanh, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 với việc máy móc thay thế các lao động giản đơn, những bài toán về lao động, việc làm lại đặt ra cấp bách hơn với các cơ quan xây dựng chính sách và điều hành nền kinh tế.
Cũng tại hội thảo ngày 19-12, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu và tiêu dùng nội địa, chiếm 25% giá trị xuất khẩu; năm 2030 đáp ứng được 70% nhu cầu. Để thực hiện được mục tiêu này, hàng loạt các giải pháp về chính sách và phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ đã được Bộ Công thương đề xuất.
Trong đó đáng chú ý nhất là đề xuất hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỉ đồng – với cơ chế tương tự như gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao – để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ, trong đó có việc ưu tiên về tín dụng cho những ngành công nghiệp hỗ trợ.
“Nếu nhà nước chi mỗi năm khoảng 2.000 tỉ đồng cấp bù lãi suất 2%, sẽ có dư nợ cho vay khoảng 100.000 tỉ đồng (2.000 tỉ/2%). Nếu số vốn này có vòng quay là 1,5 vòng/năm sẽ tạo ra doanh thu khoảng 150.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 7 tỉ USD doanh thu, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.