Nghe nói, sách ngôn tình vừa độc hại vừa sến rẻ tiền, nhiều khi kích dục, vậy mà sao vẫn xuất hiện nhiều, bán chạy, giới trẻ thích? Sao không cấm nhỉ?
Có ai hỏi như vậy là dễ bị dân mạng ném cho “đủ đá xây nhà” rồi đó. Ngôn tình có dở mà có hay nên chúng tôi mới mê chứ?
Đây nhé, ngoài đời chúng tôi đã quá mệt mỏi với những lời dạy dỗ, những lối nói thông thường. Chúng tôi phải có cái gì khác thường. Thí dụ các cô si tình mê trai đẹp, soái ca (ai chẳng mê, nhất là ngoài đời… làm gì có? Anh hùng hảo hớn, vị tha chung tình, đẹp trai lịch sự, galant, âu yếm lãng mạn, bay bổng ảo tưởng… biến sạch sẽ đi đâu mất rồi).
Đời chọn toàn gái… chân dài đến nách, trong khi tôi… nách dài đến chân chẳng hạn. Hết thi hoa hậu xóm đến hoa hậu phường, vỡ ổ đâu ra nhiều gái đẹp vậy không biết. Đẹp rồi, là có “công thức” Chân dài – Đại gia, các cô đổi đời là thế. Trong khi tôi thuộc gái ế, vất vả bon chen không đi đến đâu.
Vậy nên tôi thích ngôn tình, ở đó có những chàng hiệp sĩ tài ba đẹp trai, có thể yêu… gái xấu như tôi, mà lại chung tình, nói năng hoa mỹ dịu dàng. Thế mà họ không gọi tôi là đồ mê trai này nọ. Trong ngôn tình, tôi là… “Sắc nữ” nhé.
Tôi lại thích… khóc, mít ướt lãng mạn đau khổ day dứt nông nổi giận hờn thương cảm này nọ… cho tình đẹp chút, cho chàng yêu nàng, chàng hận nàng, hành hạ nàng, tức là tôi thích thể loại văn ngôn tình “Tốn khăn giấy” mây nhè nhẹ gió hiu hiu, được quá đi chớ?
Tôi thích nói vui thế này: “Chiến lược gái ế: Đẹp + ở nơi nhiều đàn ông, lập tức chảnh. Đẹp + ở nơi nhiều đàn bà, lập tức gia tăng thị trường. Xấu + nơi nhiều đàn ông, liền rút cọc phang trâu. Xấu + nơi nhiều đàn bà, phải gia tăng khuyến mãi…”. Đại loại vậy, tôi không thích nghe giảng con gái phải thùy mị dịu dàng nết na, công dung ngôn hạnh hy sinh… càng chán.
Rồi chỉ ở ngôn tình mới có thể loại “Xuyên không”, đố người lớn biết đó là gì? Đừng có hấp tấp trả lời là “xuyên khung” trong gói thuốc bắc nhé.
Chúng tôi trẻ, đâu có ốm đau nhiều như các vị đâu mà cần uống xuyên khung? Xuyên không chính là loại truyện ảo, trí tưởng tượng rất cao nhé. Còn tên gọi của chúng tôi, quý vị mà biết… chết liền.
Hằng ngày quý vị họp hành đại hội này nọ kính thưa ông chủ tịch hội đồng quản trị (chắc giàu nứt đố đổ vách) rồi vỗ tay rồm rộp, trong ngôn tình chúng tôi gọi là “Đổng sự trưởng”, còn tổng giám đốc thì chỉ được là… “Tổng đài” thôi. Chẳng có gì mà vênh vang.
Một lý do nữa khiến tôi mê ngôn tình đố ai phản bác được đây: Ngoài đời cũng như trên mạng, có đúng là… đầy những lời chửi bới không? “Trình” ném đá chết người ngày càng tăng cao, đi kiện tụng dài dài.
Kể cả ngôi sao văn hóa nghệ thuật. Chửi bậy nói tục thì thôi rồi. Cứ lên mạng mà xem, con không xin được tiền, gọi cha mẹ là “bựa”. Có đứa hỗn hào nói “Không nuôi được con, chết đi cho đỡ nhục”.
Rồi “Đừng có lên giọng ta đây kiếm tiền nuôi cả nhà, tao mà lết được sang Mỹ, tao éo cần nữa đâu…”. Thôi, không kể nữa gì cho sởn gai ốc về trình độ mất dạy của con người.
Người ta đã làm khảo sát mạng xã hội và đi đến kết luận: Chưa bao giờ con người lại buông ra những lời thù ghét với mật độ cao chưa từng thấy như bây giờ.
- Xem thêm: Nhớ ông Kim Dung
Vậy mà tôi muốn bịt tai lại không nghe, muốn trốn vào thế giới dịu êm, có Happy ending – HE – kết thúc tốt đẹp như cổ tích, hay kết thúc buồn giúp tôi khóc – Sadending – SE – chúng tôi nói lời sến, ảo tưởng, dịu dàng thơ mộng, thì có tội gì không?… Đố cãi lại được tôi đấy, tôi sẽ tôn làm soái ca…