Nhà văn Kim Dung vừa mất tại Hongkong ở tuổi 94, sau khi để lại cho đời một dòng văn học đã làm mê mẩn bao thế hệ suốt mấy chục năm.
Không hiểu bây giờ đám trẻ có còn mê chưởng Kim Dung như thế hệ mình ngày xưa nữa không nhỉ? Vừa soạn tủ toàn sách chưởng đã quăn góc, mùi giấy cũ bốc lên như rất lạc lõng với đồ đạc tân thời xung quanh má vừa hỏi ba.
Nhà văn Kim Dung vừa mất tại Hongkong ở tuổi 94, sau khi để lại cho đời một dòng văn học đã làm mê mẩn bao thế hệ suốt mấy chục năm. Ông đã ngừng viết quá lâu nên người ta ít thấy ông xuất hiện trên báo chí như trước.
- Xem thêm: Vì sao tôi đọc ngôn tình
Mấy đứa trẻ trong nhà bây giờ chúng không đọc chưởng, mà nói chung chúng cũng chả ham đọc sách gì, bảo thì cãi là đọc nhiều lắm trên máy tính, trên mạng xã hội và “cái gì cũng biết hết”. Thỉnh thoảng cha mẹ cũng ôn lại chuyện ngày xưa mê những là “cô gái Đồ Long”, Quách Tĩnh, Kiều Phong, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung… Những cái tên như trong “tích Tàu” xa xưa, bí hiểm với bọn trẻ.
Sau bữa ăn cả nhà còn vây quanh chén trà, mà trà chỉ còn ông bà uống, chứ thế hệ thứ hai là ba má đã uống bia và bọn trẻ thì nước ngọt, thành thử các câu chuyện trong bàn trà cũng khác nhau. Má kể: “Ngày xưa (nghe cứ như đã già lắm) mình còn ngu, nghe tên Kim Dung nghĩ chắc là… đàn bà. Bởi bên hàng xóm có đứa con gái mải chơi, suốt ngày mẹ nó réo gọi tên nó cũng là Kim Dung”. Sau này cô Ba mê chưởng như điếu đổ mỗi khi từ thành phố về lại vác theo cả xấp tiểu thuyết Kim Dung dày cộp, mới biết đó là ông nhà văn.
Sao mà chuyện đánh đấm võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung lại hấp dẫn ba má đến vậy nhỉ? – bọn trẻ nghĩ thế. Sách báo phim ảnh ngày nay hay hơn nhiều chứ. Không tin ba má mở máy tính ra coi, cứ gọi là mê man, thứ gì cũng có.
Nào là phim kinh dị ma quỷ xem dựng tóc gáy. Nào là người sắt người dơi biến hóa leo trèo nhảy nhót từ trên nóc tòa nhà xuống phố. Máy bay đuổi bắt nhau trên trời, ôtô rú rít phóng nhanh như chớp. Đánh đấm kiểu Kim Dung ăn thua gì với những pha hỗn chiến dữ dội trong phim hành động ngày nay…
Ba má mới bảo: “Tiểu thuyết kiếm hiệp của ông Kim Dung không chỉ có đánh đấm mà là những câu chuyện hướng thiện, đậm chất văn hóa lịch sử, ly kỳ hấp dẫn ở các nhân vật có tính cách đặc biệt. Nên người ta không chỉ đọc ông mà còn say mê nghiên cứu về truyện Kim Dung”. Bọn trẻ bảo chúng nó cũng mê Lý Tiểu Long võ nghệ xuất quỷ nhập thần chẳng kém… người dơi.
Ba má kể tiếp chuyện cô Ba học trường Tây mà mê truyện võ hiệp tới mức… ít có chiếc nồi nào đáy không bị cháy, vì cô vừa nấu ăn vừa dán mắt đọc sách chưởng Kim Dung.
- Xem thêm: Đón tổng thống
Rồi chuyện cậu Bảy nữa: một lần cậu Bảy ghé nhà chơi, vừa bước chân vào cửa chưa kịp chào ai, thấy thằng cháu cầm cuốn truyện dày hỏi liền: “Đọc cuốn gì thế con”, “Dạ, con đang đọc “Sogun tướng quân” ạ”. Cậu Bảy chả rõ tai lành tai điếc hay bị ám ảnh chuyện chưởng mà la lên: “Cái gì? Chu Dung kiếm thuật hả?” làm cả nhà lăn ra cười.
Bây giờ cậu Bảy đã thành người thiên cổ. Giá mà những chuyện cô Ba, cậu Bảy mê truyện chưởng vang sang tận Hongkong để R.I.P ông Kim Dung!