Từ thủ đô Bucarest náo nhiệt, chuyến đi về thành phố Cluj-Napoca của chúng tôi băng qua nhiều đồi núi, thung lũng, sông ngòi tuyệt đẹp. Đặc biệt, miền đồng quê Rumani đã gây nhiều bất ngờ cho mọi người bởi những thị trấn cả ngàn năm tuổi còn gần như nguyên vẹn và những ngôi làng vẫn giữ được những màu sắc văn hóa xưa.
“Miền hoang dã” của châu Âu
Trong cái nắng cuối thu, thấp thoáng qua cửa xe là những bình nguyên xanh mênh mông điểm những vạt hoa vàng óng ả li ti. Khung cảnh hai bên đường thật hiền hòa với những vườn cây ăn trái trĩu quả bóng mượt, những đường làng lát đá được tô điểm bằng đủ loại hoa, hoa giăng trên giàn, hoa leo lên tường nhà và hoa rực rỡ bên từng ô cửa sổ… Đặc biệt, kiến trúc, điêu khắc của Rumani rất phong phú và độc đáo. Đi một quãng là lại gặp những lâu đài cổ kính với mênh mông vườn cây và tượng đá. Dù các công trình xây dựng không đồ sộ, vương giả như các nước Tây Âu nhưng cũng rất mỹ thuật và hài hòa với thiên nhiên. Kiến trúc cổ xưa của Rumani được bảo tồn khá tốt, kể cả những thành quách, chiến hào rộng lớn. Giữa các quảng trường thị trấn, tượng các vị tướng xâm lược La Mã xưa vẫn hiên ngang phô bày sức mạnh một thời.
Dưới mắt các nước phương Tây, Rumani vốn là nước chậm phát triển, lại có đến mấy trăm năm chịu sự thống trị của đế chế Ottoman Hồi giáo, hơn nữa lại là nơi tập trung đông sắc dân du mục Digan. Đất nước này hiếm có những thành phố mang các dòng kiến trúc sang trọng của Tây Âu như Phục hưng, Baroque hay Rococo. Chính vì thế mà Rumani bị coi là “miền hoang dã” của châu Âu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh và xâm lăng của các nền văn minh lớn, cùng với sự đa dạng về các dân tộc cùng chung sống, văn hóa Rumani rất đặc sắc và phong phú.
Ra khỏi thủ đô, chúng tôi tiến vào vùng cao nguyên Wallachia nằm ở phía bắc của sông Danube và phía nam của dãy núi Nam Carpath. Vùng này và vùng Transylvania kế cận có bảy thị trấn saxon được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là những thị trấn do người Đức cách đây cả ngàn năm trước đến khai hoang, lập nghiệp. Ngoài ra còn rất nhiều những làng nhỏ mà kiến trúc, đời sống đều còn đậm chất cổ truyền. Tại đó, những phong tục truyền thống hầu như không bị mai một mà còn trở thành nét văn hóa đặc trưng của khu vực.
Cách đây gần ngàn năm, các ngôi làng ban đầu đơn giản chỉ gồm những ngôi nhà dân xây quanh một nhà thờ. Nhưng với sự tấn công thường trực của người Tatar đến từ Mông Cổ, người dân buộc phải xây dựng hệ thống tường thành, thậm chí là bổ sung thêm chòi canh kiên cố để chống lại đạn pháo xuất hiện vào thế kỷ XV. Các nhà thờ và tu viện từ Horezu, Cozia, Tismana và Curtea de Arges được xây dựng theo phong cách đặc trưng Brancovenesc của Rumani là những trung tâm hành hương trong các ngày lễ tôn giáo lớn.
Làng nghề thủ công Horezu, một trung tâm nghiên cứu dân tộc học là nơi nổi tiếng nhất trong nước với nghề sản xuất đồ gốm. Đồ gốm ở đây rất rực rỡ và tinh tế với những hoa văn đặc trưng. Phong phú nhất là những chiếc đĩa với các hình trang trí gợi óc tưởng tượng, các họa tiết cây hoa lá và hình người. Cách Horezu 4km về phía nam là Maldarasti, thị trấn có hai tòa tháp được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Những ngôi nhà kiên cố, lối kiến trúc kết hợp nông dân, dân dụng và quân sự đã được sử dụng để bảo vệ nơi đây chống lại các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Một tòa tháp được xây dựng vào năm 1802 cũng có thể được chiêm ngưỡng tại bảo tàng mở Bujoreni, cách đó không xa. Phía bên trong, cách trưng bày các hiện vật tạo cảm giác như các trận đánh có thể xảy ra bất cứ khi nào và không khí có gì đó hoang dại gợi nhớ vẻ lạnh lẽo, rờn rợn trong những tiểu thuyết, phim ảnh về Dracula. Có lẽ là vì những vật trưng bày mô tả quá sống động đời sống của thị trấn thời trung cổ, thời kỳ mà con người liên tục phải đối mặt với chiến tranh, bệnh dịch và chết chóc. Rồi cả cách tái hiện bàn tiệc của quý tộc trong vùng cũng có cái gì đó làm du khách liên tưởng đến các bữa tiệc của ma cà rồng.
Tươi tắn những sắc màu đồng quê
Trái với không khí nặng nề trong những tháp canh và hào chiến đấu, đời sống nông thôn Rumani tươi sáng, thanh bình với những ngôi nhà ngói đỏ au nằm giữa ruộng vườn xanh mướt trù phú. Chuẩn bị bước vào mấy tháng mùa đông rét mướt, nông dân đã tạm ngưng việc đồng áng để quay sang làm việc ở nhà như vắt sữa bò, làm bơ, phô-mai. Phụ nữ thì dệt vải may vá, thêu thùa các bộ váy áo cổ truyền đầy màu sắc. Buổi tối, họ thường tụ tập tại nhà một ai đó rồi vừa khâu vá vừa kể chuyện cổ tích, giải câu đố hoặc hát dân ca. Đàn ông thì cặm cụi sửa chữa hoặc đóng xe ngựa, xe bò, xe trượt tuyết mới, sửa chữa các nông cụ và đồ dùng trong nhà, làm rượu vang… Nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng nho để ăn và làm rượu. Trên đường đi, chúng tôi còn may mắn gặp một đám cưới náo nhiệt và rực rỡ đúng kiểu truyền thống. Hầu hết phụ nữ đều mặc những bộ quần áo dân tộc thêu thùa rất đẹp. Họ vừa đi vừa nhảy múa, ca hát rộn rã theo những giai điệu khỏe khoắn của ban nhạc.
Thị trấn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới mà chúng tôi ghé thăm trong ngày là Biertan. Đây cũng là một trong số rất ít cộng đồng mà người dân gốc Saxon vẫn còn sử dụng tiếng Đức cổ. Biertan cũng là một trong những ngôi làng saxon đầu tiên thiết kế theo kiểu nhà thờ có hệ thống phòng thủ xung quanh. Xe chúng tôi vòng qua một cái hồ lớn thấp thoáng những con thiên nga thong thả bơi qua đám lau sậy ven bờ. Xe rẽ vào con đường làng rộng rãi và đậu trước căn nhà nghỉ homestay có cái cổng bằng gỗ chạm trổ hoa văn kiểu dân tộc Rumani. Như mọi ngôi nhà khác ở miền quê, bên cạnh cổng phía ngoài hàng rào gỗ là một cái ghế dài. Những buổi chiều, người trong gia đình thường ra đây ngồi nghỉ, hóng mát, trò chuyện với bà con láng giềng, làng xóm. Một con đường nhỏ lát gạch từ cổng dẫn vào nhà, hai bên là vườn cây táo, lê, mận… Phòng khách đầy màu sắc với những chiếc thảm đặc trưng được treo trong hầu hết những ngôi nhà ở nông thôn. Những tấm thảm này được dệt tay từ lông cừu, sau đó nhuộm màu sống động và được trang trí với các họa tiết tinh xảo. Nếu thích, du khách có thể mua vài tấm nhỏ làm quà. Ngoài ra quà lưu niệm ở đây còn có áo, khăn và đệm ngồi bằng da cừu, da thỏ, da cáo rất đẹp và giá cả phải chăng.
Xế chiều chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn nông thôn đơn giản mà đậm đà. Các món soup và thịt nướng ở Rumani nổi tiếng ngon với hàng trăm cách chế biến. Ngoài bánh mì, người dân ở đây còn có món mamaliga để ăn hằng ngày. Mamaliga bao gồm bột bắp và vài thành phần khác được cho vào nước đun sôi. Khi chín và để nguội, mamaliga đặc cứng lại ăn khá thơm ngon.
Với thu nhập bình quân hằng năm từ 1.400-1.600 USD/người, Rumani là một trong những nước nghèo của châu Âu. Tuy nhiên, nhờ có cơ sở hạ tầng tiên tiến và nền văn hóa lâu đời, lại được thiên nhiên ưu đãi, đời sống của đa số người dân khá dễ chịu. Dường như làn sóng đô thị hóa vẫn chưa làm đa số người dân ở đây quên đi những nếp sinh hoạt và nền văn hóa cổ truyền nhiều màu sắc của xứ sở mình.
Hồ Thu