Việc Anh rời khỏi EU đang nhen nhóm lại một vấn đề nhức nhối hơn người ta thường nghĩ, đó là ảnh hưởng của Đức tại châu Âu sẽ như thế nào khi mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang là đầu tàu của châu lục này.
Có rất nhiều lý do giải thích tại sao Đức lại cần Anh ở lại EU. Anh là đối tác châu Âu lớn nhất và gần gũi nhất của Đức trong thúc đẩy thương mại tự do và tự do hóa các thị trường nội địa của châu Âu. Anh cũng là một trong số ít nước châu Âu có năng lực phòng thủ toàn cầu thực sự. Cơ quan tình báo Anh được coi là một trong số các cơ quan tình báo tốt nhất thế giới và gần gũi nhất với cơ quan tình báo Mỹ. Đây là những cân nhắc quan trọng cho toàn bộ châu Âu và cho riêng Đức khi đối mặt với một thách thức khủng bố ngày càng phức tạp và kéo dài.
Nhưng lý do quan trọng nhất Đức muốn Anh ở lại EU là bởi Anh mang lại một sự cân bằng chính trị đối với quan hệ gần gũi của Đức với Pháp, đặc biệt khi trục Pháp – Đức cũ một lần nữa chịu nhiều áp lực, do những khó khăn kinh tế ăn sâu của chính nước Pháp. Các nước Trung và Đông Âu, vốn luôn thận trọng trước Đức và phần lớn ngờ vực Pháp nên họ xem Anh như là bên cân bằng quan trọng trong khu vực. Chính phủ trung hữu hiện nay ở Ba Lan thậm chí còn đi xa hơn khi coi Anh là một trong số các đối tác chiến lược quan trọng và đặc biệt của nước này.
Vì những lý do ấy, Thủ tướng Đức Angela Merkel vào đầu năm 2016 đã nỗ lực hết sức để giúp thủ tướng Anh lúc ấy là Cameron đàm phán một thỏa thuận đặc biệt với EU, mà vào thời điểm đó người ta tin rằng nó có thể giúp ngăn chặn việc Anh rời khỏi châu Âu. Nhưng những nhượng bộ mà Merkel cẩn thận tập hợp lại đã chìm xuống, thậm chí không để lại chút dấu vết.
Giấc mơ của bà Merkel về một mối quan hệ ba bên trong đó Anh và Pháp cân bằng lẫn nhau nhưng đều hành động như là những động cơ của châu Âu, đã bị phá vỡ. Qua đó Đức đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan họ đã tìm cách lảng tránh những đòi hỏi nới lỏng các chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay và việc tài trợ bổ sung của Đức cho các nước thành viên EU vỡ nợ như Hy Lạp, cùng với những cái nhìn ngờ vực từ các nước Đông Âu đang ngày càng không thoải mái với vai trò lãnh đạo của Đức. Đây không phải là vị thế mà Đức tìm kiếm, nhưng đây là vị trí lãnh đạo nước này hiện phải đảm nhận và nó sẽ không phải là một vị trí thoải mái.
Câu hỏi đặt ra là Đức có thể làm gì khi Anh giờ đã chuẩn bị rời khỏi EU. Một khả năng được thảo luận tại Berlin là một sáng kiến Pháp – Đức mới để thắt chặt hội nhập EU, mục đích cho thấy châu Âu sẽ không chệch hướng vì sự ra đi của Anh.
Chắc chắn Anh không phải là quốc gia duy nhất hoài nghi về EU. Theo các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất, 61% người dân Pháp có quan điểm tiêu cực về EU. Và với cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu năm tới, Marie Le Pen chắc chắn sẽ đề xuất rằng nếu người dân Pháp được đề nghị hội nhập sâu hơn nữa vào châu Âu, họ cũng nên được cho cơ hội bày tỏ ý kiến trong một cuộc trưng cầu ý dân, điều sẽ khiến ngưng lại hoàn toàn bất kỳ sáng kiến Đức – Pháp nào.
Cũng không hề có dấu hiệu cho thấy các nước thành viên EU khác sẽ dễ dàng đồng ý với những lời thúc giục của Đức. Vì vậy EU có thể bị mắc kẹt ở giữa và không có khả năng đương đầu với các cuộc đàm phán phức tạp trong một cố gắng ngăn chặn các nước thành viên khác thách thức tinh thần châu Âu và ngày càng bị phần còn lại của thế giới coi thường như một câu lạc bộ khác của những kẻ thất bại.
Liệu Anh có còn là một bên tham gia toàn cầu về mặt an ninh, hay nước này sẽ tìm cách hạn chế các tham vọng toàn cầu của mình? Giới tinh hoa chính trị của Anh vẫn tin vào điều đầu tiên và quyết liệt bác bỏ bất cứ gợi ý nào cho rằng Anh đang rút lui trên toàn cầu.
Nhưng công chúng nhìn chung và có lẽ một thế hệ mới các nhà lãnh đạo hiện đang thăng tiến qua các vị trí tại London rất có thể lựa chọn một vai trò hạn chế hơn trên thế giới.
Ngoài ra cũng có câu hỏi về việc liệu Anh có các năng lực chi tiêu và nguồn lực được phân bổ hay không khi xét tới việc đồng bảng hiện nay mất giá đáng kể và sự suy giảm được báo trước của ngành tài chính nước này.
Từng có những dự đoán theo đó EU sẽ tan rã sau khi Anh ra đi, về cơ bản đó là một nhận thức sai. Trên thực tế, có lý do chính đáng để tin rằng không nước EU nào sẽ theo bước Anh tiến hành trưng cầu ý dân về việc rời bỏ liên minh.
Lý do chính là sự cộng hưởng lịch sử mà EU có trong hầu hết các nước thành viên. Đối với người Đức, người Pháp và người Ý, EU đã và vẫn là con đường duy nhất để trốn chạy quá khứ kinh khủng trong hai cuộc thế chiến cũng như những câu chuyện trước đây của nước họ về chế độ độc tài, chiến tranh và thất bại kinh tế.
Đương nhiên, không nhiều người ở châu Âu tin rằng nếu EU biến mất ngày hôm nay, người Đức hoặc người Ý sẽ quay trở lại quá khứ quân phiệt của họ, động viên quân đội và bắt đầu hành quân khắp châu Âu, những ngày tháng ác liệt đó đã vĩnh viễn qua rồi. Tuy nhiên chỉ một số ít người Ý và người Pháp tin rằng đất nước họ sẽ tốt đẹp hơn nếu đứng ngoài thay vì nằm trong EU.
Đối với người Đức, thế lưỡng nan thậm chí còn sâu sắc hơn: nếu EU không tồn tại, một tổ chức khác chắc chắn cần phải được thành lập, vì lựa chọn thay thế là điều mà Đức đã tuyệt vọng tìm cách né tránh kể từ khi họ giành lại sự thịnh vượng kinh tế trong những năm 1960, cùng vai trò lãnh đạo châu Âu của Đức với tất cả phản ứng chính trị và dân tộc chủ nghĩa dữ dội mà nó sẽ tạo ra.
Đối với các nước nhỏ hơn ở châu Âu cũng như các nước cộng sản trước đây ở Đông Âu, EU không chỉ là về thị trường mà còn về an ninh, nó được bảo đảm rằng sự chia rẽ về tư tưởng trước đây của châu lục đã vĩnh viễn chấm dứt và các nước nhỏ hơn ít nhất sẽ có tiếng nói.
Một bên tham gia quan trọng, nếu không muốn nói là then chốt nhất trong bức tranh toàn cảnh đang thay đổi này, chính là nước Mỹ. Ông Barack Obama trong những tháng cuối của nhiệm kỳ tổng thống đã nỗ lực hết sức để thuyết phục người dân Anh ở lại EU. Ông công du tới Anh chỉ vì mục đích này, bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với lập trường của chính phủ Anh lúc ấy, cảnh báo rằng Anh sẽ không thể tận hưởng những mối quan hệ gần gũi với Mỹ như cũ nếu nước này đứng ngoài EU và thậm chí còn cố gắng đàm phán riêng với các chính trị gia của Anh để giúp họ đạt được sự đồng thuận thân EU cần thiết.
Nước cờ ấy đã thất bại và Mỹ giờ sẽ phải gánh chịu hệ quả từ kết quả này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là sẽ không có sự “trừng phạt” nào dành cho người Anh vì quyết định của họ, như tổng thống Obama từng ám chỉ rằng nước Anh bên ngoài EU sẽ phải “đứng cuối hàng” trong các lợi ích của Mỹ.
- Nguyễn Nam tổng hợp