Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, ba năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia bình quân cho 90 triệu dân sẽ là 4 đầu sách/người.
Thế nhưng, số lượng sách giáo khoa, giáo trình – sách công cụ để học tập – lại lên tới trên 300 triệu bản, chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản trên.
Với tổng số dân cả nước và khoảng 22 triệu học sinh cấp 1, 2, 3 thì con số còn lại gần 100 triệu bản sẽ phân bổ khoảng 1 đầu sách/người/năm.
Những con số tưởng mới mà không mới!
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch năm 2017 về việc tiếp cận thư viện của người dân Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ có 0,057 dân số, tương đương 564.133 người/90 triệu dân.
Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh, sinh viên) sử dụng thư viện thì quả thật con số còn cách xa so với mong muốn.
Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi khối Đông Nam Á có ba nước: Singapore đứng thứ 36, Malaysia thứ 53 và Indonesia thứ 60.
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của hội cho biết, ông thực sự bị ngỡ ngàng bởi cuộc khảo sát bỏ túi của một tờ báo mạng về thói quen đọc của người đi làm và sinh viên (độ tuổi 20-30).
Kết quả là 70% chỉ học chứ không đọc hay tham khảo thêm; 12% có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn; 80% không đọc sách một năm qua; 98% không đọc sách tuần qua.
Những con số thống kê kể trên, phản ánh một hiện thực rất cũ và được nhắc lại khá nhiều lần. Đã có rất nhiều ý kiến phân tích, lý giải thậm chí tranh cãi quanh chuyện văn hóa đọc của người Việt vẫn còn thấp!
Tạo dựng thói quen đọc sách từ nhỏ, tại sao không?
“Quả thật văn hóa đọc của người Việt quá thấp. Nguyên nhân là do chúng ta không có thói quen đọc sách, cũng không được tạo dựng thói quen này từ tấm bé. Vì thế, nếu muốn có được điều này chúng ta phải tập cho trẻ”, ông Lê Hoàng cho biết thêm.
Hay nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả quen thuộc của lứa tuổi này: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép con đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Có lẽ vì thế mà hiện có khá nhiều đơn vị, trường học đã và đang có những kế hoạch, dự án để độc giả trẻ tiềm năng tiếp cận sách nhiều hơn.
Những chương trình mà bản thân tên gọi đã cho thấy sự nỗ lực của những người thực hiện phải kể đến như Lớn lên cùng sách; Vẽ bìa sách bằng tranh; Thư viện thân thiện; Sân khấu hóa từ sách; Sách hay hằng tuần…
Bà Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc Công ty Đường Sách TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn kiến nghị: “Đã đến lúc ngành giáo dục cả nước và tỉnh thành cần tạo ra bước đột phá bằng việc hình thành “Danh mục sách khuyến đọc” cho từng cấp, lớp (cả sách giấy và sách điện tử) thông qua những cách làm bài bản, khoa học; có sự tư vấn, chọn lọc của các chuyên gia, các nhà giáo dục, đơn vị xuất bản.
Và danh mục này phải được giới thiệu và bắt buộc học sinh từng cấp lớp phải sử dụng trong các tiết đọc sách, các hoạt động ngoại khóa, dịp nghỉ hè… Vấn đề còn lại là nhận thức và quyết tâm của ngành giáo dục và lãnh đạo của các tỉnh thành mà thôi!”.
Nhân ngày Sách Việt Nam 21-4 vừa qua, câu chuyện văn hóa đọc của người Việt lại được dấy lên. Thay đổi hay tạo dựng một thói quen quả là không dễ, nhưng không phải là không làm được.
“Giúp trẻ em làm quen với thế giới sách, xem việc đọc sách là thú vui, là thói quen thường nhật xét ra vẫn là mục tiêu căn bản. Để con tự chọn sách phù hợp với lứa tuổi và với khả năng cảm thụ của mình là một yếu tố.
Yếu tố khác, cũng quan trọng không kém là thay vì cho tiền để con tự đi mua sách như tự đi mua một ổ bánh mì hay một đôi giày, các bậc cha mẹ nên cùng con đến các hội sách hoặc nhà sách vào những ngày cuối tuần.
Có cha mẹ cùng tham gia, các em sẽ thấy được thái độ trân trọng của người lớn đối với sách. Lúc đó, tung tăng giữa các dãy kệ đầy sách, say sưa ngắm từng tấm bìa, hân hoan xem từng trích đoạn, các em sẽ cảm nhận được sự mời gọi của chữ nghĩa, sẽ hít thở được bầu khí quyển văn chương trong lành.
Và đi mua sách không còn là chuyện đi mua một món hàng nữa mà là tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú của tâm hồn”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trải lòng như vậy. Mong rằng sẽ có nhiều người cùng chung niềm tin như ông.