Khi làm đơn gửi UNESCO, chính quyền thành phố Incheon đã tỏ rõ quyết tâm: Nếu được chọn làm “Thủ đô Sách thế giới”, Incheon sẽ tặng sách cho nhiều nước châu Á, tặng sách cho thiếu nhi Triều Tiên, đồng thời sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực như Hội giới thiệu sách, Nhạc hội sách…
Ngoài ra, Incheon cũng sẽ thực hiện nhiều hoạt động giao lưu quốc tế như gặp mặt các nhà văn Triều Tiên, hội thảo với các đại biểu Hội Khoa học Sách quốc tế, cùng đọc sách với sinh viên đại học các nước…
Sự kiện này chưa lắng xuống thì nền văn hóa đọc Hàn Quốc lại tiếp tục sôi nổi với Diễn đàn Paju Bookcity lần thứ 8 vừa diễn ra trong những ngày đầu tháng 10-2013 mang chủ đềChâu Á – vượt ra khỏi ranh giới. Diễn đàn này là cơ hội để các NXB châu Á trao đổi và kết nối với nhau (đại diện của Việt Nam tham dự có NXB Trẻ).
Paju Bookcity được thành lập vào năm 1989 dưới sự hỗ trợ tích cực của chính phủ và một nhóm các nhà xuất bản tâm huyết – những người muốn tạo nên một cộng đồng sách Hàn Quốc lớn mạnh với tiêu chí là đặt lợi ích chung lên trên hết.
Paju Bookcity được coi là một sáng tạo độc đáo trong quy hoạch của thành phố Seoul. Khu đô thị sách này có khoảng 150 tòa nhà có kiến trúc phù hợp với sách.
Những tòa nhà này chính là trụ sở của 200 doanh nghiệp xuất bản hàng đầu ở Hàn Quốc. Những chiếc xe buýt của Paju Bookcity cũng được sơn vẽ các dòng chữ quảng cáo cho sách và nhà xuất bản.
Rất nhiều mặt của ngành công nghiệp sách đã được thể hiện ở Paju Bookcity, từ các văn phòng biên tập đến hiệu sách và các quán cà phê sách. Không khí ở đây rất sôi nổi mặc dù việc kinh doanh sách, thu lợi nhuận không phải là điều quan trọng nhất.
Đường phố rợp bóng cây xanh, dưới những gốc cây là các băng ghế gỗ để người ta có thể ngồi đọc sách thoải mái.
Khu đô thị hiện có khoảng 10.000 người làm việc trong ngành sách này được chia làm ba khu vực: Khu trụ sở của các nhà xuất bản, khu in ấn và khu làm những công việc hỗ trợ. Tất cả đều thuộc quyền sở hữu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Hằng năm, Paju Bookcity đều tổ chức lễ hội văn học thường niên trong chín ngày với khoảng 200 sự kiện, thu hút khoảng 450.000 du khách.
Paju cũng có giải thưởng dành riêng cho những cuốn sách châu Á, các nhà văn châu Á, nhà thiết kế sách châu Á, các công ty xuất bản và biên tập viên.
Không chỉ tập trung vào xuất bản, hiện nay Paju Bookcity còn kết hợp với khoảng 30 công ty phim ảnh, nhà sản xuất hoạt hình, công ty truyền hình… để xây dựng mô hình kinh doanh nội dung theo xu hướng kỹ thuật số (e-content).
Nữ Tổng thống Park Geun Hye từng nhận xét rằng Paju Bookcity là một sáng kiến quan trọng trong việc khai thác những “quyền lực mềm” của đất nước Hàn Quốc.
Bà hy vọng từ đây sẽ tạo thành một “Làn sóng Hàn Quốc” mới thành công như K-pop, K-film… Tại Hội chợ sách quốc tế Seoul – SIBF hồi tháng 6 vừa qua Tổng thống Park Geun Hye cũng đến tham dự và đọc diễn văn khai mạc.
Có thể nói chính phủ Hàn Quốc nỗ lực rất nhiều trong việc phát triển kinh tế tri thức, phát triển nền giáo dục, và vì thế đã hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động xuất bản.
Một nghiên cứu tỷ lệ đọc sách quốc tế mới đây cho biết lượng sách đọc bình quân của người dân Hàn Quốc mỗi năm là 11 quyển, cao hơn đại đa số các quốc gia châu Á khác (cũng trong nghiên cứu này, lượng sách đọc bình quân của người Việt mỗi năm là 0,8 quyển).
Những quyển sách bán chạy nhất Hàn Quốc có thể đạt đến 1-2 triệu bản. Tại một đất nước vốn nổi tiếng với phim ảnh, ca nhạc nền văn hóa đọc vẫn rất sôi động và được giới trẻ ủng hộ.
Điều này cho thấy rằng trong cuộc cạnh tranh với văn hóa nghe – nhìn, văn hóa đọc vẫn có thể phát triển và giữ vị trí đáng kể nếu được sự đầu tư đúng mức và có tầm của chính quyền.
Trở lại Việt Nam, một trong những sự kiện đáng chú ý vừa qua trong lĩnh vực xuất bản là tập thơĐi qua thương nhớ của tác giả Phong Việt và tập tản văn Ngày trôi về phía cũ của tác giả Anh Khang đã bán được khoảng 20.000 bản.
Từ lâu, thơ và tản văn luôn kén người đọc và các tác phẩm thể loại này của những cây bút chưa thật nổi tiếng lại càng khó bán, nhiều tác phẩm chỉ bán được vài chục đến vài trăm bản.
Thế nhưng tập thơ của Phong Việt và quyển sách đầu tay của Anh Khang được độc giả trẻ tuổi đón nhận rất nồng nhiệt ngay khi vừa xuất bản.
Ngoài việc nội dung sách phù hợp với tâm tư của nhiều người trẻ hiện đại, một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của Đi qua thương nhớ và Ngày trôi về phía cũ còn nằm ở yếu tố truyền thông. Cả hai tác giả trên đều làm việc trong ngành truyền thông và được công chúng biết đến rộng rãi trên các mạng xã hội.
Tận dụng được hết các thế mạnh của mình, một tác giả và một nhà xuất bản Việt Nam có thể làm nên cuốn sách bán chạy với mức từ năm đến vài chục ngàn bản.
Còn ở Hàn Quốc, với nền văn hóa đọc sôi động nhờ sựủng hộ thiết thực của chính phủ và toàn xã hội, một cuốn sách được coi là bán chạy phải được in ở mức vài trăm ngàn đến hàng triệu cuốn.