Giá dầu thế giới đạt mức đỉnh mới của 6 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi giới thạo tin nói rằng các thành viên vùng Vịnh của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) chỉ sẵn sàng nâng sản lượng nếu thị trường có đủ nhu cầu.
Thông tin này được đưa ra giữa lúc các nhà đầu tư lo ngại về sự thắt chặt thêm của nguồn cung dầu. Mối lo này bị đẩy lên cao những ngày gần đây, sau khi Mỹ ra quyết định chấm dứt sự miễn trừ cho phép 8 nền kinh tế được tiếp tục mua dầu Iran mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, nguồn tin nói rằng sản lượng dầu của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thủ lĩnh không chính thức của OPEC, sẽ tăng trong tháng 5, nhưng điều này không liên quan gì đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Nguồn tin nói sản lượng dầu tháng 5 của Saudi Arabia vẫn sẽ nằm trong ngưỡng mục tiêu quy định trong thỏa thuận hạn chế sản lượng mà OPEC và đối tác gồm Nga đang thực thi. Đây là thỏa thuận mà nhóm triển khai từ đầu năm nay, giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày, nhằm hỗ trợ giá dầu.
Đến tháng 6, nhóm được gọi là OPEC+ này sẽ họp để quyết định có tiếp tục hạn chế khai thác dầu hay không.
Hôm thứ Hai, Mỹ tuyên bố các nền kinh tế đang mua dầu của Iran phải dừng hoàn toàn hoạt động này trước ngày 1/5, nếu không sẽ phải chịu sự trừng phạt của Washington. Quyết định của Mỹ chấm dứt sự miễn trừ kéo dài 6 tháng bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái.
Một quan chức Mỹ hôm thứ Hai nói Tổng thống Donald Trump tin tưởng rằng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ thực thi lời hứa về bù đắp thiếu hụt nguồn cung dầu. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước này sẽ làm theo mong muốn của ông Trump.
“Saudi Arabia sẽ không vội lấp đầy sự thiếu cung có khả năng xảy ra trên thị trường dầu”, ông John Kilduff, nhà quản lý quỹ thuộc Again Capital Management, nhận định. “Thị trường dầu lửa toàn cầu đã dần thắt chặt trong mấy tháng qua, chủ yếu nhờ nỗ lực giảm sản lượng của Saudi Arabia”.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,75 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 66,3 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 74,51 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm ngoái.
Trước khi Mỹ tái áp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran vào năm ngoái, quốc gia vùng Vịnh này là nước sản xuất dầu lớn thứ tư trong OPEC, với sản lượng khoảng 3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, giới thạo tin nói rằng lượng xuất khẩu dầu tháng 4 của Iran đã giảm dưới 1 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất từ Iran, đã chính thức phản đối Washington về việc xóa bỏ miễn trừ. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói động thái của Mỹ “sẽ làm gia tăng bất ổn ở Trung Đông và trên thị trường năng lượng quốc tế”.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu trung bình 585.400 thùng dầu mỗi ngày từ Iran.
Động thái của Mỹ về Iran diễn ra trong lúc nguồn cung dầu toàn cầu ngày càng thắt lại, không chỉ bởi nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+, mà còn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Venezuela và chiến sự leo thang ở Libya.