Những năm gần đây, các hoạt động khuyến khích đọc sách như Hội sách, Ngày đọc sách, Lễ hội Đường sách… được tổ chức tại TP.HCM hầu như luôn bị quá tải người tham gia.
Dù văn hóa đọc của người Việt đang bị cho là đi xuống, những hoạt động tôn vinh sách luôn nhận được sự quan tâm của người dân. Một không gian cố định dành cho sách không chỉ là trăn trở của các nhà xuất bản mà còn là niềm khao khát của người yêu thích sách.
Sau cuộc vận động miệt mài gần một năm trời, đường sách cố định đầu tiên tại TP.HCM sắp thành hiện thực khi Hội xuất bản Việt Nam, đơn vị khởi xướng đề án, cho biết UBND TP.HCM đã chấp thuận để đại diện Hội xuất bản và Sở Thông tin và Truyền thông triển khai đường sách tại đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM. Con đường rộng 30m, dài 140m này sẽ là không gian lý tưởng cho việc đọc sách cũng như tôn vinh văn hóa đọc trong tương lai.
Doanh nhân Plus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng, Phụ trách phía Nam, Hội xuất bản Việt Nam về đề án này cũng như kế hoạch triển khai đường sách.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của đường sách đối với văn hóa đọc hiện nay?
Theo một khảo sát về sức đọc do Cục thống kê cung cấp năm 2014, trung bình một người dân các nước Âu-Mỹ đọc khoảng 12 đầu sách/năm, còn người Việt Nam đọc chưa tới một đầu sách/năm. Tôi nghĩ không cần thống kê, chúng ta cũng có thể nhìn thấy thực trạng này bằng mắt thường. Trẻ em bây giờ không còn gối đầu giường bằng những quyển sách mà bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh…
Sinh viên không còn lăm lăm những cuốn sách trên tay mà suốt ngày cầm iPad, iPhone dạo mạng xã hội… Nguyên nhân của thực trạng này, một phần là do nền giáo dục nước ta chưa giúp trẻ em và các bạn trẻ hình thành thói quen đọc sách, bên cạnh đó, nhiều gia đình ít quan tâm đến việc giáo dục con trẻ bằng sách.
Tôi nghĩ, để cổ vũ văn hóa đọc, chúng ta cần có một không gian cố định, thuận lợi để người dân tiếp xúc với sách và tạo lập thói quen đọc sách. Đó chính là lý do chúng tôi kiên trì với dự án xây dựng đường sách gần một năm qua và đã được nhà nước ủng hộ.
Tin vui là sau khi TP.HCM sắp có đường sách, nhiều tỉnh thành cũng đã đặt hàng tôi để xây dựng tại địa phương. Trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng không chỉở TP.HCM, để càng có nhiều người được hưởng lợi từ sách.
Có phải vì sự bức thiết đó mà đường sách được ưu ái xây dựng trên con đường Nguyễn Văn Bình, một trong những con đường đẹp ngay chính trung tâm Sài Gòn?
Có thể nói như vậy. Trong những địa điểm chúng tôi đề xuất, đường Nguyễn Văn Bình là địa điểm thuận lợi và thích hợp nhất để xây dựng đường sách. Ngoài vị trí lý tưởng ngay trung tâm Sài Gòn và dễ dàng kết nối với các công trình văn hóa như Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Dinh Thống Nhất, Công trường Dân chủ… con đường này khá yên tĩnh, có nhiều cây xanh và bóng mát.
Tôi nghĩ một con đường ở vị trí đẹp như thế với những quyển sách được tuyển chọn tinh túy sẽ là một địa điểm thú vị của thành phố để thu hút không chỉ người dân mà còn cả du khách nước ngoài.
Đường sách sẽ có những điểm khác biệt gì so với các nhà sách hiện nay để thu hút bạn đọc và tạo thói quen đọc sách, thưa ông?
Nếu nhà sách đơn thuần là nơi kinh doanh sách thì đường sách là nơi tập hợp các nhà sách và là nơi tổ chức hoạt động tôn vinh sách, cổ vũ việc đọc sách.
Về cấu trúc, đường sách được chia làm hai phần chính. Một phần sẽ dành cho việc kinh doanh sách với mười chín gian hàng rộng khoảng 20m2, phần còn lại là hai quán cà phê và khu vực triển lãm sách để phục vụ việc đọc sách. Chúng tôi đầu tư ghế đẹp, những tiểu cảnh thư giãn ngay trên chính con đường này để cả người lớn và trẻ em có thể dành cả ngày ở đây và đắm mình trong thế giới sách. Đây sẽ là nơi người lớn có thể vun đắp những ký ức tuổi thơ của con trẻ gắn liền với sách.
Về hoạt động, đường sách là nơi định kỳ tổ chức giao lưu, gặp gỡ giữa tác giả và bạn đọc, nơi các nhà xuất bản tổ chức tọa đàm lắng nghe ý kiến của bạn đọc để nắm được thị hiếu của họ và tìm kiếm đề tài… Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động gắn với các ngày lễ hội hằng năm để tập hợp, tôn vinh sách theo các chủ đề như sách Hè, Chào năm học mới, Lễ Tình nhân, Giáng sinh…
Mục tiêu chính là tạo không gian đọc sách nhưng cơ chế vận hành đường sách thế nào để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp tham gia đang là đề tài được quan tâm hiện nay. Hội xuất bản và các doanh nghiệp đã tìm được mô hình nào phù hợp để đảm bảo cả hai tiêu chí?
Khi đề xuất đề án này, chúng tôi cũng đã nghĩ đến cơ chế vận hành. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên, đường sách sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, theo đó, Hội xuất bản sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành lập doanh nghiệp để quản lý việc kinh doanh của đường sách. Toàn bộ doanh thu từ việc cho thuê các gian hàng và các vị trí kinh doanh sẽ được chúng tôi tái đầu tư cho các hoạt động định kỳ và không định kỳ nhằm tôn vinh văn hóa đọc và thu hút cộng đồng đến với đường sách nhiều hơn.
Việc chọn lọc các đơn vị kinh doanh tại đường sách sẽ dựa trên tiêu chí nào thưa ông?
Việc lựa chọn sẽ dựa trên hai tiêu chí: uy tín của đơn vị xuất bản và sự phong phú của đầu sách mà đơn vị đó phát hành. Chúng tôi muốn mang đến cho người đọc sự tinh túy và đa dạng. Tôi nghĩ bên cạnh các hoạt động hấp dẫn, đường sách là nơi bạn đọc có thể tìm được bất cứ đầu sách nào mà họ muốn.
Hiện nay, chúng tôi nhận được khá nhiều lời đề nghị tham gia của các đơn vị xuất bản, con số này đã nhiều hơn số lượng gian hàng hiện có. Đây sẽ là tiền đề để chúng tôi chọn được những đối tác xuất bản phù hợp để tham gia đường sách.
Vậy kế hoạch thi công triển khai đã được tiến hành đến đâu thưa ông?Dự kiến khi nào đường sách sẽ chính thức khai trương?
Hiện nay, phần thiết kế đã trình Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM để lấy ý kiến và đang được chỉnh sửa để thi công. Lễ động thổ tổ chức ngày 15-10 và dự kiến đường sách chính thức khai trương cuối tháng 11-2015.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!