Trong thần thoại Hy Lạp, Zeus là vị thần tối cao, uy nghi và quyền lực nhất. Thần cai trị cả vương quốc vạn linh, song đặc biệt là 12 vị thần trên đỉnh Olympus, những người có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống dân gian hàng ngày, như thần sông biển Poseidon, thần ánh sáng Apollo, thần nông nghiệp Demeter, thần thủ công Athena, thần săn bắn Artemis, thần chiến tranh Ares và thần tình yêu Aphrodite…
Mỗi khi Zeus vui vẻ, hài lòng với điều gì – bầu trời lúc nào cũng xanh trong vời vợi, song khi thần tức giận, khó chịu – sấm chớp mưa bão lại từ đâu ùn ùn kéo tới, và người ta tin rằng, sẵn có cây quyền trượng trên tay là một tia sét lớn, ngài sẽ phóng nó xuống bất cứ đâu, thậm chí xuyên qua âm phủ, nơi ở của người anh ít được nhắc tới là thần chết Hades, chuyên giam giữ và xét xử linh hồn.
Có rất nhiều đền đài thờ Zeus, cũng như tranh tượng, phù điêu về ngài khắp đế chế Hy Lạp, và vì tầm quan trọng trong văn hóa với tư cách là chúa tể thiên giới đầu tiên của phương Tây, tới nay văn học nghệ thuật vẫn luôn nhắc về Zeus.
Ai cũng tò mò, nhất là trẻ em không biết thần trông thế nào, tương ứng với quyền năng, địa vị ông trời? – Thật ra, khó có thể kể nổi dung mạo thật sự của Zeus vì trong cả thần thoại lẫn các tác phẩm mỹ thuật thực tế, thần luôn biến hóa đa dạng, lúc thì trẻ, lúc lại già và ở nhiều hình hài, vẻ đẹp của người và vật, bao gồm những cơn mưa gió. Song đại thể, đó là một nhân vật rất uy nghi, to lớn, cương trực và mang trên mình ánh sáng của chiến thắng, vinh quang.
Ba hình ảnh dưới đây là những mô tả thường thấy nhất khi nói về Zeus. Từ trái qua phải, (1) trên một bình cổ có hình người đỏ, ra đời tại Hy Lạp khoảng năm 450 trước Công Nguyên là hình vẽ của Zeus, dưới dạng một thanh niên anh tú, có tóc sẫm, râu quai nón, vận một chiếc áo dài, tay trái cầm gậy, tay phải giơ thẳng phía trước.
(2) Ở giữa là một bức tượng đồng, tên là Vị thần từ biển, được thấy ở Cape Artemission (Euboea) cũng xuất hiện vào năm 460 trCN, tả Zeus cao lớn, song có tóc ngắn, râu vểnh.
(3) Và cuối cùng, bên phải là một tượng đá trắng mang tên Zeus-Ammon, có mặt vào năm 120 đến 160 sCN trong thời La Mã (Italy), cho thấy Zeus đã già, hơn thế còn có hai cái sừng cừu ngắn, cong về phía sau trên mái tóc xoăn, và là sừng của thần Ammon (mặt trời) Ai Cập, qua đó không chỉ thể hiện sự giao thoa văn hóa, mà còn là vẻ đẹp hài hòa giữa người và thú trong tín ngưỡng bản địa xa xưa ở cả hai dân tộc.
Ba hình ảnh tiếp theo là những hình ảnh ước lệ, mờ nhạt song vẫn đủ nhận ra Zeus.
(4) Hình thứ nhất là một bức tượng đá đầu của Zeus vào thế kỷ I trCN trên đỉnh Nemrut Dagi- Thổ Nhĩ Kỳ, và là một ông già quắc thước, đầu đội mũ nhọn, trông có vẻ lạ nhưng phúc hậu. Tượng chỉ có đầu nhưng rất lớn, nằm trên đất và nếu thêm thân nữa thì cực kỳ đồ sộ, và ra vẻ một vị vua phương Đông.
(5) Hình thứ hai là một pho tượng người hẳn hoi bằng đất nung, thoạt nhìn cứ như thể một tu sĩ vận tăng y, và Zeus hiện lên qua bộ râu cùng dáng đứng hiên ngang.
(6) Kết thúc trong loạt ảnh này là chân dung của ngài trên đồng xu một tetradrachm Hy Lạp, phát hành năm 330 trCN. Ở đấy, có một khuôn mặt rất điển trai và thơ mộng với một mái tóc dài bồng bềnh- xoăn tít, trên đội một vòng lá nguyệt quế, biểu tượng của thịnh vượng.
(7) Tiếp tục là tượng người đá cẩm thạch từ thế kỷ I, II tới nay. Chúng thường khắc họa Zeus ngồi trên ngai vàng, và được thấy trong tất cả các đền đài thờ ngài. Trong đó tay trái thần thường tựa vào ngai vàng, đỡ một chú chim ưng hoặc tượng nữ thần chiến thắng, tay phải giơ cao vuông góc với vai cầm quyền trượng các loại, ở ngọn thường gắn hình chim hoặc tên giáo. Lấy cảm hứng từ chúng, nghệ sĩ Mỹ Horatio Greenough (1805-1852) vào năm 1841đã làm nên một pho tượng tương tự, song dành cho tổng thống George Washington – người được coi như một vị thần của nước Mỹ.
(8) Bắt đầu từ thời Trung Cổ, thay vì chỉ tạc tượng, đúc tiền hình Zeus, người ta đã vẽ nhiều tranh về thần, và dưới nhiều hình ảnh hoa mỹ, tượng trưng cho các cảm xúc nghệ thuật, sáng tạo, tự do và tình yêu…
Một ví dụ đơn cử là bức tranh Zeus vẽ đàn bươm bướm vào năm 1515 của danh họa Italy thời Phục Hưng Dosso Dossi (1489-1542), khắc họa Zeus là một cụ già đang ngồi vẽ những chú bướm, từng đôi bay rập rờn, với vai trò là chủ thể của tự nhiên. Dưới chân ngài, lưỡi tầm sét nằm sõng soài trên mặt đất, như thể bị bỏ quên để rồi không còn phóng ra bão lửa nào nữa. Do chủ nhân đang say sưa với các sáng tạo, và cũng có thể là một chút thư giãn trong ngài, nhằm quên đi mọi công việc, những chú bướm đang vẽ là tượng trưng cho những ý tưởng không ngừng phát sinh ở Zeus, trong khi cây cầu vồng xuất hiện ở đằng xa sau khung tranh lại biểu thị về sự phù du, chớp nhoáng của chúng: nghĩ rồi lại thôi.
- Xem thêm: Gọi tên bốn mùa
Ngồi phía sau ngài là sứ thần trẻ trung Mercury, với những đôi cánh ở chân và đầu, giúp đi lại giữa thiên giới lẫn trần tục, đang làm hiệu giữ yên lặng trước một nữ thần khác nhằm bảo nguyên nguồn cảm hứng để Zeus hoàn chỉnh nốt tác phẩm. Đối lập với bức họa trên, khi đề cập tới sự gần gũi, nhẹ nhàng- hòa nhập, cụ già kia- chàng trai ấy và cô gái bên cạnh có vẻ muốn xáo động chính là một người hay tập thể đang lao động, sáng tạo thì bức tranh Thetis khẩn cầu Zeus của danh họa Pháp phong cách tân cổ điển Jean Auguste Dominique Ingres (1780-1867) lại cho thấy sự xa cách, nghiêm nghị, tít trên cao, không chú ý tới người dưới của Zeus.
Người đó là nữ thần biển cả Thetis, và bà đang phải quỳ cũng như thuyết phục ngài nhìn xuống. Và nó được lấy từ điển tích trong Trường Ca Iliad của Homer, trong đó Thetis đến cầu xin Jupiter- vị thần của bầu trời và sấm chớp, vua của các vị thần La Mã, che chở cho Achilles, con trai bà- người phải đi lính trong cuộc chiến thành Trojan.
Ngoài ra, Zeus còn hiện lên trong rất nhiều tác phẩm hấp dẫn khác, như tượng đài trong ngôi đền thờ Zeus trên đỉnh Olympia (Hy Lạp), một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại, được nhà điêu khắc tài giỏi Phidias kiến thiết năm 435 trCN. Đồ rằng tượng thần rất đồ sộ và là một tượng ngồi bằng khá nhiều chất liệu quý gồm vàng, ngọc, ngà, cao đến 12,4 mét, tương đương với một dinh thự bốn tầng.
Tuy đến nay, công trình không còn nữa, song mọi người vẫn có thể thấy nó qua những hình vẽ năm 1815 của nhà khảo cổ kiêm kiến trúc Pháp Quatremere de Quincy (1755-1849), và một pho tượng nhỏ sao phỏng, bằng đồng- đá, cao 3,47 mét, ra đời thế kỷ I, và hiện giờ trưng bày tại Bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg- Nga. Hoặc như tượng Zeus của Smyrne được tìm thấy năm 1680 tại thành phố Smyrne, vốn là đất của Hy Lạp và nay là Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 1686, nó đã được vua Louis XIV đưa về Pháp và cất giữ như một báu vật.
Cùng với tượng, còn có tranh cổ đại hình vẽ Zeus, chim ưng và tia chớp trên một cái vò hai quai hình người đỏ tại Athen thế kỷ V trCN, trưng bày tại Bảo tàng Louvre Pháp… Các đồng xu stater bạc Arcadian với đầu của Zeus Lykaios và hình ngài ngồi trên ngai, lưu hành năm 360 trCN và đồng xu nomos Lucania, một mặt khắc đầu Zeus đội vòng nguyệt quế, mặt kia là bông lúa trổ bảy hạt lớn, ấn hành năm 340 trCN.
Các tranh Phục Hưng và cận đại vẽ Zeus như Tranh Zeus và Eros, vẽ năm 1614 của danh họa Hà Lan phong cách Baroque Peter Paul Rubens (1577-1640) và Tranh Zeus và Athena- năm 1706 bởi họa sĩ, nhà trang trí Pháp Rene-Antoine Houasse (1645-1710)… Rồi rất nhiều phim ảnh, hoạt hình, quà lưu niệm đặc sắc của thế giới.