Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết một ca khúc nhan đề Gọi tên bốn mùa, trong đó người thiếu nữ đứng lên, giang tay đón từng lấy mùa, với những đặc điểm rất riêng, như mùa hạ có những cơn mưa rào tí tách, mùa thu lá cành khô xác xơ, mùa đông sương mù bảng lảng và mùa xuân chồi non mơn man.
Tất cả là những cảnh đẹp thiên nhiên vô cùng diễm lệ, cho con người rất nhiều cảm xúc vui buồn, mong nhớ, thậm chí xót xa. Chúng cũng là các giai kỳ thể hiện sự biến đổi của thời tiết và diễn tiến của từng sự sống trên trái đất này, gồm cả nhân loại. Mùa xuân bao giờ cũng là mùa của sự sinh sôi, nhen nhóm hay khởi đầu mới, còn mùa hè là lúc mọi thứ phát triển, nở rộ để tới mùa thu thì kết trái, thành công và mùa đông thì ngưng đọng, ngơi nghỉ, trở nên già cỗi, chết đi hoặc chuẩn bị hồi sanh.
Trong văn hóa phương Tây, nhất là văn học nghệ thuật chịu ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp, bốn mùa chính là những nàng tiên, tượng trưng cho vẻ đẹp của trời đất, các mùa vụ trong năm và vòng tuần hoàn của sự sống trên hành tinh, được thể hiện qua điệu múa tay trong tay của Horae.
Tuy gọi chung là Horae, ngụ ý giờ giấc của 12 tháng trong năm, song có tới bốn nhóm Horae, với từng tên gọi khác nhau như Thalo, Auxo và Capro; Dike, Eunomia và Eirene; Pherusa, Euporie và Orthosie; Eiar, Theros, Phthinoporon và Cheimon. Trong đó, nhóm đầu và nhóm cuối là những nữ thần mang lại sự trù phú, tươi đẹp của thiên nhiên, còn hai nhóm giữa là sự trật tự, giàu có trong xã hội.
Thalo và Eiar chính là mùa xuân với cây cỏ đâm chồi nảy lộc, hoa nở trĩu cành. Hai nàng thường đội trên đầu một vòng hoa rực rỡ, mặc áo trắng muốt, bế một đứa trẻ bụ bẫm hay một chú cừu non trên tay, và đứng cạnh những bụi cây xanh rờn.
Auxo và Theros lại là mùa hè sặc sỡ có muông thú chạy nhảy tưng bừng, và thường cài lên tóc một vài nhánh lúa vàng, vận áo vàng – hồng, trong khi cũng ôm những bó lúa nặng hạt, cầm lưỡi liềm, đứng kế đồng ruộng và một con rắn.
Capro và Phthinoporon là mùa thu, hoa quả chín mọng lủng lẳng. Hình ảnh của họ là một phụ nữ xinh đẹp trong tà áo tím, cầm chùm quả hoặc những giỏ quả đủ loại hấp dẫn, và dưới gót là một con thằn lằn nhỏ.
Riêng Cheimon không xếp với ai vì nàng là nữ thần thứ tư trong bộ ba các nữ thần phổ biến thời cổ đại, và do lẻ loi một mình, nàng là mùa đông – tuy ít thực vật, song các loài chim thú rất đông đúc, vì thế trên tay của nàng thường thấy một dây nho khô, nhưng có tới bốn con vật gồm một con ngan, loài chim bơi được trên nước, một con lợn và con thỏ sống ở trong rừng- đồng cỏ và một con kỳ nhông ẩn cư giữa đất và đá, cho thấy mùa đông là mùa của săn bắn và an cư.
Ngoài cai quản thiên nhiên khiến mọi thứ sinh sôi nảy nở, Thallo cũng là người bảo hộ tuổi trẻ, sự thanh xuân, trong sáng và vô tư, trong khi Auxo giúp tăng trưởng, lớn khôn, thành đạt và Capro với vai trò quan trọng nhất là người canh giữ cổng trời – đỉnh núi Olympus – nơi chỉ có các thần linh mới tới được, thì cuối năm đều mở cửa để chào đón thần tiên hạ phàm, hoặc một người hóa thánh. Chính nàng cũng đem mây mưa xuống tưới tắm mặt đất, gột rửa bao điều phiền não.
Vì gắn bó với cây cỏ, muông thú, ruộng vườn, nên họ rất được nông dân yêu mến, và ở các làng quê của phương Tây xưa đều có các đền thờ các nàng. Và một lý do để người dân yêu mến họ nữa là vì các Horae này là con gái của thần Zeus, vị thần tối cao của Hy Lạp cổ đại với thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite, hoặc là con gái của thần mặt trời Helius với thần mặt trăng Selena.
Mang vẻ đẹp yêu kiều của trời đất, Thalo, Auxo và Capro đều hết sức quyến rũ, duyên dáng và là ba bức tranh trữ tình về ba mùa khác nhau trong nền văn minh xưa, đó là xuân, hạ và thu. Với sắc đẹp ấy và những gì tốt đẹp nhất thuộc tự nhiên, mỗi khi có một sự kiện hoành tráng nào trên thế giới, cả ba nàng đều xuất hiện nhảy múa chúc phúc.
Ngoài đứng thành nhóm tam vị, họ cũng thường tay trong tay múa hát nhí nhảnh với nữ thần tuyết Chiyone, con gái thần gió Bấc và Orithyia thần gió lạnh mùa đông hoặc Persephone, nữ thần của sự giao mùa. Và đặc biệt, nàng hay ở cạnh thần Vệ Nữ, thần Ánh Sáng, thần Rượu vang… cho thấy cuộc sống thật thi vị.
Dike, Eunomia và Eirene cũng là tiên nữ bốn mùa, song được biết nhiều hơn với vai trò tạo nên trật tự, sự cân bằng và quy luật của thế giới. Về tự nhiên, họ sẽ tính toán sao cho có bao nhiêu đồi núi, sông hồ, cây cỏ, động vật ở một nơi, còn về xã hội thì xây dựng các đường xá, nhà cửa, nghề nghiệp và hướng dẫn người dân ở đó cùng phát triển.
Do họ là con gái của Zeus với Themis, người cùng Ngài chinh phục lũ khổng lồ và lập nên vũ trụ mà Zeus làm chủ. Thay vì cai quản đỉnh núi Olympus thần thánh, các nàng giám sát trần thế và nhân lên ở người các ý thức về giờ giấc, việc làm, sự đúng sai, nhờ thế cuộc sống ổn định, lâu bền. Dike còn mang tới sự xét xử công tâm bằng một cái cân và gươm nhọn, trong khi Eunomia sáng lập ra các điều khoản, thêm vào, bớt đi bằng một cây bút, còn Eirene giữ sự hòa nhã, lành mạnh, thịnh vượng với một ngọn đuốc, một tù và thổi ra lương thực, tiền bạc, nhu yếu phẩm.
- Xem thêm: Lang thang trên quê hương thần thoại
Có thể nói ba nàng là ba nữ thần vận hành xã hội xưa. Gần giống với họ, song thiên về việc sản xuất của cải, vật chất là Pherusa – nữ thần ruộng đất, Euporie – nữ thần sung túc và Orthosie – nữ thần của cải. Bằng phép mầu, họ làm cho đất đai màu mỡ, công việc hanh thông, nhất là buôn bán – đi lại thuận lợi vì thế dân gian thành thị rất tôn kính.
Tuy nhiên, khi gắn với các nữ thần này, nhiều người cũng sẽ bị sự chi phối bởi các Moirae, nữ thần dệt nên số phận, sinh mạng, và cuộc sống của người ta sẽ hoàn toàn phải phụ thuộc vào bàn tay, ý thích của tạo hóa, chứ không còn vô ưu, vô lo như trước nữa. Tuy nhiên, dù là nữ thần bốn mùa nào của thiên nhiên lẫn xã hội, các Horae cũng mang đến cho đời đầy những màu sắc, hương thơm, mùi vị và cảm xúc.
Ở đó, trong không khí của mỗi mùa, ta sẽ được trải lòng mình với thiên nhiên trù phú, giàu đẹp, và lấy nó là nguồn cảm hứng để sáng tạo, học tập và vươn lên vì những mục đích cao cả. Đối với từng người, Horae cũng rất quan trọng, không chỉ vì các nàng là mùa màng, cảnh đẹp khó tả, mà còn bởi họ là thời gian, sự vần xoay không ngừng của thế giới quanh ta, hết đêm rồi ngày, hết lạnh tới nóng, từ đông sang hè.
Về từ vựng, Horae có nghĩa là giờ phút hay giờ giấc, và là hình tượng của 12 tiếng trong ngày, bắt đầu từ lúc mặt trời mọc đến sau khi hoàng hôn buông xuống, cùng với 12 tháng trong năm và 12 chòm sao trên trời. Không một hoạt động nào của nhân gian không gắn với Horae, đặc biệt là nông-lâm nghiệp cho dù là mùa đông giá lạnh, vì Horae liên quan với sự màu mỡ của đất, sinh sôi của cỏ cây và gia súc. Những lĩnh vực khác như may mặc, giao thông, ẩm thực… cũng cần đến mùa và mang đậm nét từng mùa, với mùa nào thức ấy.
Horae được biết tới lần đầu tiên qua trường ca Iliad của nhà văn cổ đại Homer. Trong đó các nàng thường đứng trên mây, đóng mở bốn mùa, đem tới sự phong phú, sôi động, niềm vui và tình yêu cho cuộc sống, và bằng điệu nhảy luân vũ họ cũng duy trì các chu kỳ, vòng đời, đảm bảo sự nối tiếp tuần hoàn của thế giới từ xuân đến hạ, thu, đông.
Trong suốt hàng nghìn năm, nhân loại đã không tiếc lời ca ngợi bốn mùa, và khắc họa hình ảnh các tiên nữ trong nhiều tác phẩm đặc sắc. Ngoải truyện cổ – sử thi, bốn mùa còn được thấy trong nhiều tranh khảm, bình cổ được khai quật tại các biệt thự Hy La trước và sau Công nguyên, mà tiêu biểu là bức khảm Helius, Selena và Bốn mùa Horae và hình vẽ trên vại Ba nàng Horae trên vạc hai quai người đỏ Athen thế kỷ V TCN, trưng bày tại Bảo tàng Antikensammlung Berlin.
Rồi các phù điêu, hình vẽ nổi bật trên tường như phù điêu Dionysus dẫn dắt Bốn mùa trên một bức chạm La Mã Neo Attic thế kỷ I tại Bảo tàng Louvre Paris hoặc hình vẽ Bốn mùa mang quà cưới đến tặng Feleus cũng ở bảo tàng trên. Đặc biệt, từ thế kỷ 16 trở đi, đã có một phong trào vẽ tranh bốn mùa rất hùng hậu, và nó cũng tạo nên tên tuổi của nhiều danh họa.
- Xem thêm: Đến với Hy Lạp huyền bí
Hiện nay, những họa phẩm này đều là các kiệt tác vô giá về chủ đề thần thoại lẫn thiên nhiên, trong đó Bốn mùa hiện lên rất lộng lẫy, nên thơ như trong bức tranh Sự ra đời của thần Vệ Nữ của Sandro Botticelli năm 1483-1485 tại Galery Uffizi; Apollo và các lục địa của Giovanni Battista Tiepolo năm 1751-1753 ở Wurzburg Residenz; Pandora được Bốn mùa trao vương miện của William Etty năm 1823-1824 ở Bảo tàng Birmingham; Horae Serenae của Edward Poynter năm 1894; Apollo với Các giờ của Georg Friedrich Kersting năm 1822; Các giờ của Edward Burne-Jones năm 1882…