Ukraina vừa rút khỏi tiến trình ký kết một hiệp định nhằm xích lại gần hơn nữa đối với EU. Đơn giản là hiện nay két sắt của Kiev trống trơn và Brussels không thể lấp đầy chúng được. Nhưng Moscow thì có thể.
Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Kiev
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như trong vài tháng tới, nước Nga sẽ đề nghị với Ukraina một khoản vay cứu trợ và sau đó giảm giá khí đốt để tránh cho đất nước từng ở trong Liên Xô khỏi phá sản. Rất đơn giản, Moscow sử dụng vũ khí kinh tế đối với Kiev, đặc biệt là trong vấn đề năng lượng, để tiếp tục duy trì ảnh hưởng địa chính trị của mình. Thế là tình hình Ukraina trở nên bất ổn, khi hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối Tổng thống Yanukovich và đòi ông từ chức. Ukraina đã cầu xin châu Âu không phải vì thích châu Âu, mà vì cần một giải pháp khác ngoài nước Nga. Những người muốn gia nhập châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc và cả những người ghét nước Nga đều xuống đường ở Kiev, hệt như họ đã từng làm 10 năm trước trong cuộc “Cách mạng Cam” mà sau đó đã chết yểu. Với Liên minh thuế quan đã kết nạp Belarus và Kazakhstan nay có thể sẽ có thêm thành viên mới là Ukraina sẽ trở thành một mặt trận đối trọng với EU và sẽ là nòng cốt của một hệ thống các nước trong không gian hậu Xô Viết đang phục hưng. Liên minh ấy sẽ không có tác dụng nếu như không có Ukraina, một phần vì mối quan hệ văn hóa – lịch sử sâu sắc kéo dài cả nghìn năm giữa hai quốc gia, một phần vì lịch sử cận đại và hiện đại, khi Ukraina và Nga gắn kết với nhau trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và thương mại từ thời đế chế Nga và nhất là trong những năm tháng dưới thời kỳ Liên Xô. Ưu tiên số một của Nga là không muốn Ukraina quay sang châu Âu với bất cứ giá nào. Hạm đội Nga vẫn đóng ở cảng Sevastopol chẳng khác gì biểu tượng của quyết tâm này.
Hiện tại, người Ukraina đang bị chia rẽ. Một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 46% số người được hỏi muốn nước này vào EU, trong khi 36% muốn gia nhập Liên minh thuế quan với Nga. Những chính trị gia thuộc chính phủ cũng như phe đối lập, từ lâu đã bị tố cáo là đầy rẫy tham nhũng, chưa thể tìm được một ai thay thế nhà lãnh đạo đang ngày càng mất lòng dân Yanukovich. Quyền lực ở Kiev vẫn nằm trong tay của những nhà chính trị “phất” lên từ sự sụp đổ của Liên Xô. Trong khi đó, những vấn đề về lực lượng chính trị, phân biệt văn hóa, ngôn ngữ và chia rẽ sắc tộc đã chia Ukraina làm hai phần khác nhau: miền Tây gồm đa số người Ukraina muốn liên kết với EU, còn miền Đông gồm đa số người Nga muốn xích gần nước Nga.
L.Q theo La Republica – Italia