Ba ngày sau vụ xử tử ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un, có tin cho biết cộng đồng doanh nghiệp Triều Tiên làm ăn ở Trung Quốc đang được triệu hồi về nước.
Ông Kim Jong Un được cho là có khả năng sẽ tiếp tục thanh trừng thuộc hạ của ông Jang, người phụ trách quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Được biết các doanh nhân đang làm việc ở các thành phố Thẩm Dương và Đan Đông thuộc đông bắc Trung Quốc để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Một nguồn tin khác nói rằng Bình Nhưỡng có kế hoạch hồi hương toàn bộ các quan chức và nhân viên ở Trung Quốc trong nhiều giai đoạn.
Đây cũng có thể là một dấu hiệu khác cho thấy ông Kim Jong Un không hứng thú với sự cổ xúy của ông Jang đối với các cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc.
Ông Jang Song-thaek bị áp giải ra khỏi cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng
Ngoài ra cũng có những tin tức khác trong những ngày qua về việc các quan chức CHDCND Triều Tiên ở hải ngoại bị triệu hồi về nước.
Mấy ngày qua, truyền thông CHDCND Triều Tiên đã phát đi những hình ảnh đầu tiên của ông Kim Jong Un kể từ khi Jang Song-thaek bị xử tử. Các bức ảnh cho thấy ông Kim đang thị sát một viện thiết kế quân sự, theo sau ông là các sĩ quan đang ghi chép, trong số đó có phó Nguyên soái Choe Ryong-hae.
Những bức ảnh này dường như là nhằm để chứng tỏ Kim Jong Un vẫn đang kiểm soát quyền lực và mọi việc điều hành ở quốc gia này “vẫn diễn ra như thường”.
Trong số những người xuất hiện trong ảnh có ông Hwang Pyong-so, phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, phó Nguyên soái Choe Ryong-hae và Jang Jong-nam, tân Bộ trưởng Quốc phòng.
Vụ xử tử ông Jang Song-thaek dượng của Kim Jong Un hôm 13-12 đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về sựổn định của đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Năm nay 67 tuổi, ông Jang là chồng của bà Kim Kyong Hui, người em gái của cố lãnh đạo Kim Jong Il, tức là cô ruột của ông Kim Jong Un. Ông Jang được cho là người đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ông Kim Jong Un lên tiếp quản đất nước sau khi ông Kim Jong Il qua đời.
Tuy nhiên, bản tin của KCNA nói rằng, ông Jang có “tham vọng lớn về thâu tóm quyền lực tối cao trong đảng và nhà nước” và ngáng trở con đường quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un sau cái chết của ông Kim Jong Il vào tháng 12-2011.
Vẫn theo KCNA, sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền lực, ông Jang “hành xử quá ngạo mạn và xấc xược, chẳng hạn không buồn đứng lên khỏi ghế và chỉ vỗ tay kiểu nửa chừng”. Theo bản tin này, ông Jang đã tìm cách giành được sự tin tưởng sâu hơn từ nhà lãnh đạo trẻ bằng cách tháp tùng ông Kim trong những lần xuất hiện trước công chúng. Nhưng song song với đó, ông Jang lại “tìm cách lật đổ sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Bản tin của KCNA đã dùng những lời lẽ nặng nề nhất để cáo buộc ông Jang, người cho tới gần đây vẫn giữ chức vụ cao cấp trong đảng lãnh đạo của Triều Tiên và là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, cơ quan ra quyết định cao nhất nước này.
Một tuần trước đó, ông Jang bị tước mọi chức vụ và khai trừ đảng trong một cuộc họp của đảng Lao động cầm quyền sau khi bị cáo buộc một loạt tội danh, từ biển thủ tài sản quốc gia cho tới lối sống không phù hợp.
Việc xử tử ông Jang có thể dẫn tới đồn đoán gia tăng cho rằng, ông này là nạn nhân của một cuộc đấu đá chính trị đang trở nên căng thẳng ở Triều Tiên. Phiên tòa xét xử và việc tử hình ông Jang được thực hiện bởi Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên.
Năm ngoái, ông Kim Jong Un đã cách chức Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Triều Tiên Ri Yong Ho. Kể từ đó, ông Kim đã trao vị trí này cho ba vị tướng khác nhau.
Đến nay, ông Kim Jong Un đã cách chức gần một nửa số lãnh đạo quân đội và các quan chức khác phục vụ dưới thời Kim Jong Il. Một số ý kiến cho rằng, việc cách chức liên tục của ông Kim Jong Un cho thấy ông đang củng cố quyền lực một cách hiệu quả, nhưng cũng có những ý kiến bày tỏ quan ngại liệu ông Kim có thể kiểm soát được những lợi ích xung đột dưới quyền ông.
Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông Kim đã áp dụng một hệ tư tưởng được gọi là “byungjin” cùng lúc ưu tiên phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân. Triều Tiên tự gọi sự không khoan nhượng của mình trong vấn đề hạt nhân là “thanh kiếm báu”.
Giới quan sát đánh giá, chính sách sai lầm và các cuộc đấu đá nội bộ có thể sẽ gây bất ổn ở Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un.
Được biết, ông nội của ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên Kim Nhật Thành đã không ít lần cách chức những nhân vật bất đồng quan điểm với ông. Dưới thời ông Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, không ít quan chức cấp cao bị cho là đã mất chức vì lý do chính trị.
T.K