Các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Indonesia cho biết nước này đang đối mặt với tình trạng bị “cướp đất một cách hợp pháp”. Nhiều cộng đồng dân cư ở đây đang chứng kiến việc đất đai do cha ông họ để lại rơi dần vào tay các công ty nước ngoài trồng cây cọ dầu, khi nhu cầu về sản phẩm này đang gia tăng trên thị trường châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc. Theo ông Marcus Colchester, cố vấn cao cấp về chính sách của tổ chức phi chính phủ quốc tế Forest People’s Programme, hiện có 33 ngàn ngôi làng nằm trong khu vực có rừng ở Indonesia và chính phủ nước này đã giao đất cho nhiều công ty khai thác mà không hề hỏi ý kiến họ. Colchester đã bay đến thành phố Medan của Indonesia để giới thiệu tài liệu nghiên cứu mà ông vừa thực hiện với sự hợp tác của hai tổ chức tại địa phương về ảnh hưởng của việc trồng cây cọ dầu đối với đời sống của người dân Indonesia đã sống ở đó hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Một tổ chức khác chống lại việc thành lập các đồn điền trồng cây cọ dầu là Sawit Watch cũng cung cấp chi tiết về 3,2 triệu hécta trồng loại cây này; mỗi năm có 330 ngàn hécta rừng bị chuyển đổi công năng thành đồn điền và 650 nhà đầu tư, trong đó công ty nước ngoài chiếm 75%, đã tham gia vào quá trình này. Một thành viên của Sawit Watch là Augustin Karlo Lumban đã nhận định đây là “sự chiếm đoạt đất đai một cách hợp pháp” và làm nổ ra những cuộc tranh luận về các khía cạnh khoa học, kinh tế và chính trị của vấn đề.
Đồn điền trồng cây cọ dầu ở Indonesia
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), trong năm 2012, sản lượng dầu cọ đạt đến 50 triệu tấn, trở thành loại dầu hàng đầu được sản xuất và buôn bán trên thị trường. 80% số dầu sản xuất được sử dụng làm thức ăn, số còn lại dành cho công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và nhiên liệu sinh học. Sau Ấn Độ và Trung Quốc, châu Âu là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ ba thế giới. Hậu quả dễ thấy nhất của sự khai thác đất đai trồng cây cọ dầu là diện tích rừng cây bị thu hẹp dần, đời sống người nông dân mất đất bị khốn đốn, họ bị tách ra khỏi khu vực mà cha ông họ đã sinh sống từ nhiều đời. Mọi sự đền bù không giải quyết được tận gốc vấn đề tâm lý bất ổn trong cộng đồng dân cư Indonesia, và đó không chỉ là vấn đề của riêng họ, mà là của chung nhiều nước đang phát triển.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph…