Giấc mơ đưa sản phẩm hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị Walmart đang dần trở thành hiện thực khi cánh cửa TPP đang dần rộng mở và Walmart đã đặt vấn đề thu mua hàng hóa Việt Nam. Nhưng để hàng Việt Nam vào được và trụ lại được ở Walmart là điều không đơn giản. Tại buổi hội thảo Định hướng doanh nghiệp bán hàng vào Walmart tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 11-12 vừa qua, doanh nghiệp đã được hướng dẫn cách đáp ứng những yêu cầu mà Walmart và một số nhà bán lẻ Mỹ đưa ra để xác định tiềm lực của nhà cung ứng, trong đó có một số yêu cầu đáng chú ý nhất và doanh nghiệp bắt buộc phải có là: (1) hệ thống số hóa dữ liệu quốc tế – mã số DUNS, (2) giao dịch thông tin điện tử EDI và (3) chứng nhận tuân thủ an toàn sản phẩm và sản xuất bền vững.
1. Công ty ở các nước trên thế giới không dễ xác định, kiểm chứng và liên hệ với doanh nghiệp khác khi vừa muốn đối tác mới, vừa phải giảm rủi ro tín dụng, tiết kiệm chi phí và tránh gian lận thương mại. Khi đó, mã số DUNS sẽ cung cấp bức tranh đầy đủ và chính xác về những cơ hội và rủi ro với từng doanh nghiệp cụ thể. Cũng như hầu hết các nhà mua hàng lớn trên thế giới, Walmart cũng sử dụng mã số DUNS để nhận biết doanh nghiệp, nhờ đó mà họ không gặp rủi ro bị gián đoạn nguồn cung cấp khi gặp đối tác không đủ năng lực. Khi muốn mở rộng giao thương ra thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật ngay hệ thống số hóa dữ liệu quốc tế này. Việc chứng minh năng lực của mình qua mã số DUNS là điều vô cùng cần thiết để doanh nghiệp có thể thâm nhập thị trường xuất khẩu mới nói chung trở thành đối tác của Walmart nói riêng.
Tại buổi hội thảo, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của Amcham đã giới thiệu đến doanh nghiệp mã số DUNS của Công ty Dun & Bradstreet (D&B, Mỹ) như một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao uy tín với Walmart. Hiện nay, D&B đã có văn phòng tại Việt Nam nên việc đăng ký mã số DUNS khá đơn giản, thủ tục kéo dài từ năm đến bảy ngày và chi phí là 7,7 triệu đồng (chưa bao gồm VAT).
Công nghệ thương mại điện tử EDI giúp Walmart thiết lập được hệ thống trao đổi điện tử với hàng ngàn nhà cung cấp của mình. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian giao dịch, EDI còn giúp giảm chi phí nhân công, giảm chi phí lưu trữ tài liệu, giảm sai sót do thao tác bằng tay, xử lý dữ liệu nhanh chóng, giảm nỗi lo thất lạc hoặc mất tài liệu, giảm thời gian từ khâu đặt hàng đến khâu nhận hàng… Walmart và nhiều nhà bán lẻ, công ty sản xuất, tổ chức y tế và bảo hiểm… trên thế giới đều yêu cầu các đối tác thương mại của họ trao đổi thông qua EDI. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khá do dự trong thực hiện dự án EDI, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân là do giải pháp EDI đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia phát triển CNTT có chuyên môn cao. Hơn nữa, thường phải mất ít nhất vài tháng mới có thể xây dựng được một giải pháp EDI tích hợp hoàn hảo, thậm chí có khi kéo dài nhiều năm. Nhiều công ty rất cố gắng phát triển hệ thống EDI nội bộ nhưng điều này phải trải qua nhiều chu kỳ thử nghiệm, kiểm tra sai sót, cho đến khi nó trở thành một giải pháp phần mềm EDI ổn định với đầy đủ chức năng. Sự tốn kém cũng khiến cho EDI trở nên ngoài tầm với của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khiến họ mất đi cơ hội kinh doanh với các nhà bán lẻ lớn như Walmart.
2. Walmart cũng theo dõi những thông tin từỦy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) để giám sát sự an toàn của hàng nhập khẩu. CPSC có thể ban hành lệnh thu hồi và hình phạt đối với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nguy hiểm. Vì vậy, việc thử nghiệm sản phẩm có tính bắt buộc để có thể xác định liệu các sản phẩm có tuân thủ các yêu cầu về quy chế và các tiêu chuẩn trong ngành hay không, đồng thời xác định rõ lợi ích mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng hoặc so với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Việc điều chỉnh một chương trình thử nghiệm thích hợp cho các sản phẩm của doanh nghiệp có thể cung cấp cho doanh nghiệp khả năng quản lý rủi ro và bảo vệ thương hiệu của công ty được tốt hơn. Một số công ty uy tín cho dịch vụ thử nghiệm sản phẩm cùng các tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội (WCA), an ninh toàn cầu (GSV) mà doanh nghiệp có thể sử dụng như: Intertek Việt Nam.
3. Theo ông Herb Cochran, các giải pháp trên không hoàn toàn là chìa khóa đưa sản phẩm Việt Nam vào Walmart nhưng ông khuyến khích doanh nghiệp nên thực hiện vì các nhà mua hàng lớn của Mỹ đang hướng đến nguồn cung cấp ở Đông Nam Á, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có các sản phẩm từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ xây dựng mối quan hệ trực tiếp với các công ty Mỹ.
Ngoài ra, thông tin tại hội thảo còn cho biết việc trở thành nhà cung cấp của Walmart rất khó khăn vì giá đơn hàng phải thấp, cùng những yêu cầu rất nghiêm ngặt, khắt khe về tiêu chuẩn và nhất là không thể giữ thương hiệu của mình khi bán hàng cho Walmart. Muốn có được đơn hàng của Walmart, doanh nghiệp chúng ta có thể phải đấu giá công khai giữa các nhà sản xuất trên quy mô quốc gia và cả quy mô toàn cầu. Do cố gắng để nhận được các đơn hàng lớn bằng mọi cách, một số doanh nghiệp đã cố tình để giá rất thấp và điều này đã hàm chứa vô cùng nhiều rủi ro trong kinh doanh, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế, việc tăng giá nguyên liệu sản xuất đầu vào, sự bất ổn của giá thành nhiên liệu cùng sự biến động theo chiều hướng gia tăng của lãi suất tiền vay ngân hàng… Ngoài ra, Walmart còn thường yêu cầu các nhà sản xuất giảm giá hằng năm với một tỷ lệ nhất định (thường khoảng 5%), điều đó càng yêu cầu nhà cung cấp phải liên tục nghiên cứu để nâng cao năng suất sản xuất và giảm giá thành hơn nữa mới có thể đáp ứng được việc cung ứng. Một khó khăn nữa là từ trước đến nay, hầu hết sản phẩm đều phải xuất khẩu qua trung gian nên chi phí bị “đội” lên. Hy vọng, cùng với sự “mở lời” của Walmart trước cánh cửa hội nhập, trong thời gian tới doanh nghiệp Việt Nam sẽ là đối tác trực tiếp của ông lớn ngành bán lẻ này thì mới mong có được lời giải cho bài toán chi phí thấp.
Đức Hoàng (DNSGCT)