Gặp đạo diễn Leon Quang Lê sau buổi chiếu phim Song Lang, do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức tại Cinestar, 135 Hai Bà Trưng, quận 1, chúng tôi có dịp trò chuyện tản mạn cùng “người đã ấp ủ giấc mơ cải lương từ thời thiếu niên”, khi anh còn là cậu học sinh Trường Lê Quý Đôn.
Giấc mơ cải lương
Nhiều người thắc mắc vì sao khi sang Mỹ định cư từ năm 13 tuổi, Leon Quang Lê đã học nhạc kịch (opera) và đã là diễn viên nhạc kịch hơn 10 năm trên sân khấu Broadway hiện đại, đầy ánh hào quang của thành phố New York, giờ lại trở về Việt Nam, chuyển sang đóng phim, làm đạo diễn?
Quang cười tươi, đầy tự tin cho rằng tất cả đều là sự đam mê nghệ thuật. Hơn nữa, với Quang làm sao quên được vùng đất quê hương mà ký ức tuổi thơ đã in đậm, từ cầu Nguyễn Văn Trỗi, góc phố có gắn chiếc loa phát thanh, quán nước bình dân và nhất là các rạp hát với những vở tuồng cải lương yêu thích.
Quang kể lại nhà anh ở gần rạp Minh Châu và cái thời tuổi nhỏ ngộ nghĩnh của anh là vậy. Còn, nhạc kịch đã giúp cho anh một sự trải nghiệm nghệ thuật lớn trong cuộc đời.
Kinh nghiệm của những năm tháng khổ luyện học múa, học hát theo loại hình nghệ thuật này đã tạo dựng cho anh một tinh thần kỷ luật rất cao trong lao động nghệ thuật.
Nếu không luôn phấn đấu, rèn luyện nghề nghiệp, chắc chắn mình sẽ bị đào thải, điều ấy có ý nghĩa sống còn với nghề của một nghệ sĩ Việt hiếm hoi trên sân khấu Broadway.
Làm nghệ thuật chuyên nghiệp, không thể qua loa, không thể chỉ chú trọng ánh hào quang bên ngoài mà thiếu sự hóa thân hết mình của một nghệ sĩ đối với nhân vật.
Quang cho rằng chính nhờ tinh thần được trui rèn nghiêm ngặt trên sân khấu Broadway, nên bây giờ, với vai trò đạo diễn, anh đã có kinh nghiệm và tất nhiên, việc đòi hỏi diễn viên trong phim Song Lang phải đầu tư hết tâm sức, hết khả năng nghệ thuật, không phải là điều vô lý.
Nhất thiết, phải để khán giả tin vào nhân vật mình đang hóa thân. Có lẽ điều đó rất có ý nghĩa, khi xem Song Lang, khán giả đã cảm nhận Isaac nhập vai kép hát cải lương Linh Phụng rất tốt. (Leon Quang Lê đã lấy tên thật Linh Phụng của mình ngày xưa đặt cho nhân vật).
Người xem, kể cả một số khán giả là người trong giới cải lương đã bất ngờ, thú vị khi thấy Isaac, một ca sĩ nhạc pop nhưng ca diễn cải lương thật sáng đẹp, ngọt ngào.
Diễn viên – MC Liên Bỉnh Phát cũng vậy, lần đầu tiên đóng phim nhưng đã tỏ ra khá “thần thái” khi vào vai Dũng “thiên lôi”, một gã giang hồ, “chuyên trị” đòi nợ thuê.
Dũng “thiên lôi” có dáng vẻ bên ngoài thật lạnh lùng, nhưng che giấu sâu thẳm bên trong là một trái tim ấm áp của một anh chàng được thừa hưởng cái “gien” nghệ thuật cải lương của cha mẹ.
Bản thân anh ta cũng là một tay đàn kìm giỏi, được truyền dạy từ người cha nhạc sĩ tài năng. Có lẽ, Liên Bỉnh Phát đã có duyên may khi có ngoại hình phù hợp với vai diễn này.
Những chuyển biến nội tâm đầy màu sắc điện ảnh của nhân vật Dũng “thiên lôi”, đã giúp cho anh được trao giải Tokyo Gemstone Award (Viên Ngọc Quý Tokyo), giải dành cho diễn viên mới xuất sắc, khi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đưa phim Song Lang tham dự Liên hoan phim Tokyo, cuối tháng 10 vừa qua.
Song Lang đã mang lại cho khán giả nhiều cảm nhận về bóng dáng cải lương của những năm 80, thế kỷ trước. Nó như lát cắt một giai đoạn cải lương.
Phim tái hiện hoạt động của đoàn hát Thiên Lý, từ rạp diễn với những tấm pa-nô giới thiệu tuồng tích, hình ảnh đào, kép; cảnh khán giả xếp hàng mua vé vào rạp thật hân hoan; song song là không gian của hậu trường với gương, lược, phấn son, phục trang, xiêm áo…; gắn liền thiêng liêng nhất với đoàn hát và nghệ sĩ là bàn thờ Tổ nghiệp.
Cuối cùng là thánh đường sân khấu với tuồng tích, số phận nhân vật được thể hiện qua tiếng đờn của dàn nhạc cải lương trỗi lên cùng tài năng ca, diễn ngọt ngào, truyền cảm của các nghệ sĩ làm mê mẩn tâm hồn khán giả…
Nhưng, thực ra, Song Lang là dạng phim tâm lý – tình cảm, không phải là phim nghệ thuật thuần túy cải lương. Không gian nghệ thuật cải lương của Song Lang chỉ là cái nền để Leon Quang Lê đối chiếu thế giới của xã hội, của đời thường bên ngoài bức màn nhung.
Ở đó là một thế giới của cơm áo, gạo tiền của những mảnh đời nghệ sĩ, của một bà bầu gánh hát vì nghệ thuật mà thế chấp đoàn hát; của một mụ chủ “tín dụng đen” bên ngoài luôn ăn nói nhẹ nhàng, ngọt lịm nhưng bên trong tâm địa sắc nhọn đến chết người; là sự lạnh lùng của gã giang hồ đòi nợ thuê, có “gốc cải lương”, hắn vừa tử tế với trẻ em nhưng cũng hết sức độc ác, “máu lạnh” với những con nợ bị bế tắc, tuyệt vọng.
Nhìn lại Song Lang, cho thấy bao trùm toàn bộ cấu trúc và đường dây bộ phim là cách kể chuyện khá khéo léo vừa song hành, vừa đối nghịch giữa hai nhân vật chính: Dũng “thiên lôi” và kép đẹp Linh Phụng.
Về phía khán giả, họ đã chia sẻ gì về Song Lang? Leon Quang Lê tâm sự, đôi khi những ý kiến từ hàng ghế khán giả xem phim, những cảm xúc, những lời bình khen, chê và có cả sự phát hiện mới thật thú vị mà đạo diễn không ngờ được.
Tất nhiên, có người đã hỏi trong Song Lang có thứ tình yêu đồng tính kín đáo giữa “hai chàng trai” (song lang) hay không. Khán giả dường như bị “ám ảnh” theo kiểu phim Bá Vương biệt cơ của Trung Quốc!
Đương nhiên rồi, tình cảm của con người thật phức tạp, tinh tế và sự tiếp nhận phim ở mỗi người cũng rất phong phú, đa dạng! Nhưng, sự thấu cảm giữa con người với nhau cũng là chuyện bình thường.
Leon Quang Lê giải thích quan niệm và cách làm phim của mình. Anh cho rằng Song Lang không nhất thiết phải đi theo con đường đã “định dạng”, cố tạo yếu tố đồng tính để câu khách!
Thực sự, giữa Dũng “thiên lôi” và Linh Phụng, tại sao lại không thể có tình người, tình nghệ sĩ, tình bạn tri kỷ, khi trong cuộc đời họ chứng kiến bao điều bất ổn, bất hạnh?
Họ cùng có sự đồng cảm từ những trang sách của tuổi nhỏ về tâm sự “con voi xa đàn”, cũng có sở thích trò chơi giống nhau, cũng rất mê cải lương và có trái tim nhạy cảm, đầy trắc ẩn của một nghệ sĩ…
Ngoài đời cũng vậy, đấy! Leon Quang Lê tin trong cuộc sống còn có một thứ “tình tri kỷ”; chẳng hạn, anh rất cảm ơn khi gặp được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc – đồng biên kịch Song Lang (“chị ấy như một “cuốn sách bách khoa”, cái gì cũng biết!”); Quang đã gặp được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, người quan tâm đến câu chuyện làm phim mang bản sắc văn hóa Việt.
Đây là cơ hội để từ nghệ thuật điện ảnh, Quang có thể gởi gắm nhiều hoài niệm về cải lương – một bộ môn nghệ thuật “vang bóng một thời” và cũng là cơ hội bảo tồn, quảng bá văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc lan tỏa xa hơn, rộng hơn.
- Xem thêm: Đi tìm khán thính giả cải lương(*)
“Tất nhiên các nhà sản xuất phim ai lại chẳng sợ rủi ro, nhưng Vân đã đồng cảm và tin tưởng tôi. Tôi cảm ơn Vân đã giúp giấc mơ của tôi trở thành hiện thực”.
Còn một điều thật trân quý đối với Leon Quang Lê, khi Song Lang công chiếu ra mắt, anh nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp của giới nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc.
Một số đồng nghiệp đi xem phim, không phải vì “ủng hộ” mà là muốn “trải nghiệm điện ảnh” từ phim của anh. Họ chia sẻ với anh, mong muốn phim được quảng bá rộng rãi hơn, lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả trẻ nhiều hơn.
Song lang hay song loan?
Khi phim Song Lang được trình chiếu, “nhân vật nhạc cụ song lang” đã được bàn luận, được giải thích về mặt ngữ nghĩa, ngữ âm khá sôi nổi trên báo chí cũng như trên Facebook.
Một cảnh mào đầu phim, song lang đã được giới thiệu là nhạc cụ thuộc loại mõ, bằng gỗ cứng, hình tròn, dẹt, có cần gõ trong dàn nhạc cải lương, dùng canh tiết tấu nhịp điệu.
Nó không chỉ mang ý nghĩa “giữ nhịp” cho các nhạc cụ khác trên sân khấu mà còn “giữ nhịp” cả trong tâm tình người nghệ sĩ.
Nhưng, nhạc cụ này gọi đúng là song lang hay song loan? Qua ý kiến của một số nghệ nhân, nhạc sĩ chúng tôi mạn phép ghi nhận tóm tắt lại, coi như một tư liệu tham khảo.
Nghệ nhân đàn tranh Võ Ngọc Yến cho rằng ông tìm trong các tự điển không thấy từ “song lang”. Riêng trong Đại từ điển tiếng Việt, do Nguyễn Như Ý chủ biên, có từ “song loan”: kiệu hai người khiêng.
Tra Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh, trong số từ đồng âm dị nghĩa, chọn từ “song”: đôi và từ “loan” có nghĩa cái lục lạc, cái chuông nhỏ treo ở cổ ngựa hoặc là cái chuông gắn trên xe giá của vua (xe loan)…
- Xem thêm: Thú vị nhạc cụ thuở sơ khai
Nếu ghép lại các từ Hán Việt này, đều không sát hợp với ý nghĩa nhạc cụ! Riêng từ “lang” (bộ mộc), ghép “minh lang” có nghĩa là cái gõ cá, cái phách của người đánh cá dùng để gõ khi đánh cá, khi ghép hai từ “song” (đôi) và “lang” (cái gõ bằng gỗ), xem ra có ý nghĩa phù hợp nhất cho “song lang”.
Nghệ nhân trẻ Nhựt Minh tra Tự điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, cho thấy có từ “song loan”: nghĩa là mõ nhỏ làm bằng gỗ cứng có đính cần gỗ, thường dùng để điểm nhịp trong các dàn nhạc tài tử.
Các nghệ nhân trao đổi ý kiến, cho rằng vì có người giải thích từ “song loan” xuất phát từ miền Bắc, khi vào Nam đọc trại ra là “song lang”, nên cũng chưa được đồng tình vì người miền Nam nếu có đọc trại “song loan” sẽ là “song lon”.
Thêm một cách cắt nghĩa khác cho rằng, do người miền Nam bỏ âm đệm [oan] sang [an], nên “loan” biến thành “lan” và sau đó tiếp tục siêu chỉnh (hypercorrection) biến “song lan” thành “song lang”. Cách diễn giải này cũng chưa được thuyết phục cho trường hợp “song lang”.
Nhạc sĩ đàn tranh, NSƯT-TS Nguyễn Hải Phượng, đạo diễn sân khấu Huỳnh Tấn Phát và nhà nghiên cứu văn hóa cải lương, TS Lê Hồng Phước đã tìm hỏi nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo về tên gọi của nhạc cụ này.
Vị nhạc sư 101 tuổi, học đờn từ 5 tuổi, là nhân chứng sống của nhạc tài tử miền Nam hơn 95 năm qua, đã lý giải vấn đề này từ thực tiễn đời sống âm nhạc.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo kể: Ngay từ nhỏ, tôi đã nghe các nhạc sĩ miền Nam đều gọi nhạc cụ gõ nhịp là song lang. Không ai gọi song loan bao giờ.
Nhạc cụ miền Bắc có cái gõ nhịp được gọi là phách. (Còn, theo GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, trong nhạc lễ cũng có hai miếng tre dùng gõ, người ta gọi là “cái sanh” hoặc “cái cặp kè”, cũng không phải là song loan ).
Cái song lang “có số tử vi” thuộc mạng Thổ, do chỗ ngồi cố hữu của nó là sàn nhà. Nó buộc lòng cho người đờn (được giao giữ nhịp) “đạp lên đầu” để tạo ra âm thanh “cốc, cốc”.
Nhưng, nhiệm vụ của song lang “rất oai” là cầm trịch dàn đờn ca, như trường độ (tempo) mau, chậm; ra hiệu: gõ một tiếng “cốc” là bắt đầu đờn, gõ hai tiếng “cốc, cốc” báo hiệu sắp dứt bản.
Người nước ngoài gọi cái gõ nhịp, tương tự song lang là rhythm maker; gọi theo từ chuyên nghiệp là “castagnettes” (tiếng Pháp), “castanet” (tiếng Anh).
Trong đờn ca tài tử Nam bộ có độc tấu (solo): kìm (còn gọi là đờn nguyệt), hoặc tranh hoặc độc huyền; song tấu (hai cây đờn): kìm và tranh hoặc kìm – độc huyền, kìm – cò; tam tấu (ba cây đờn): kìm – tranh – cò hay kìm – độc huyền – cò; tứ tấu (bốn cây đờn): kìm – tranh – cò – tam; ngũ tuyệt (năm cây đờn): kìm – tranh – cò – độc huyền – tỳ bà.
Thông thường, các nhạc sĩ thích song tấu hoặc tam tấu. Lúc đó, người đờn kìm giữ song lang (với điều kiện người đờn kìm phải có lối đờn tròn vành, rõ bản, đờn chắc nhịp).
Trường hợp người đờn kìm không hội đủ điều kiện nêu trên, song lang sẽ được giao cho người đàn tranh, không giao cho người đờn cò, dù anh ta có đờn giỏi. Lý do vì tư thế ngồi đờn cò, nếu phải giữ song lang, người đờn sẽ không thoải mái.
Gõ song lang cũng có quy tắc, tùy theo bài bản đờn ca tài tử. Bản đàn điệu Bắc nhịp tư (câu bốn nhịp), song lang gõ ngay nhịp 3 và 4, nghĩa là bỏ 2, gõ 2; câu bốn nhịp, nhịp 1 và nhịp 2 không gõ, gõ nhịp 3 và 4.
Bản điệu Bắc nhịp tám, tức từ bản nhịp tư (câu bốn nhịp), mở rộng ra câu tám nhịp. Ví dụ: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình, song lang gõ ngay nhịp 7 và 8. Nhưng vì câu đàn dài, nhịp 3 và 4 có thể gõ song lang, gọi là song lang phụ, bởi mỗi câu đàn chỉ có hai gõ song lang mà thôi.
Bản đờn điệu Nam nhịp tư gõ song lang giống như bản điệu Bắc, Nhạc lễ bản nhịp tư.
Bản Oán nhịp 8, song lang gõ nhịp 6 và 8 của câu.
- Xem thêm: Nhạc cụ bằng đồng của người Tà Ôi
Như vậy, về mặt chữ nghĩa, người ta tốn nhiều thời gian để tra cứu các quyển tự điển tìm hiểu song loan: hai con chim loan, song loan: song (đôi), loan: (sánh đôi), song loan: cái kiệu hai người khiêng, song loan: múa binh khí vòng tròn hai tay; hoặc vận dụng quy tắc biến âm: song loan chuyển thành song lan, rồi song lang v.v… nhưng theo nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, cho rằng gần 100 năm qua, giới nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam chỉ gọi tên nhạc cụ gõ nhịp này đúng nhất, quen thuộc nhất là song lang. Xưa bày như thế nào, nay cứ gọi theo vậy.