Âm nhạc là một nghệ thuật ra đời sớm nhất trên trái đất. Cái để hình thành nên âm nhạc trong buổi sơ khai, tác động đến các giác quan của con người, khơi gợi những cảm xúc, thúc đẩy trí sáng tạo chính là những tiếng động trong tự nhiên.
Từ những tiếng gió thổi, nước chảy, đất lở đến những tiếng kêu của chim thú, bước chân và đập cánh của chúng. Ghi lại những âm thanh này, người ta đã làm được các nhạc cụ và sau khi có ngôn ngữ thì cho ra các khúc hát.
Có vẻ như nhạc cụ đầu tiên của nhân loại chính là giọng nói. Bằng sự luyến láy, lên bổng xuống trầm, người xưa đã biết dùng giọng nói để đóng giả và thu hút các con vật, ví dụ như tặc lưỡi, kêu rít, rên, ho, huýt sáo nhằm gây sự chú ý ở chúng, phục vụ việc săn bắn.
Từ đây, họ cũng bắt đầu nghĩ ra các nhạc cụ thủ công, mà một trong đó là các cây sáo với âm thanh phát ra bằng cách thổi hơi.
Cây sáo cổ nhất, đồng thời là nhạc cụ lâu đời nhất, có mặt tại thời tiền sử là cây sáo Divje Babe, tìm thấy tại công viên Divje Babe, tây bắc Slovenia.
Vào năm 1995, nhà khảo cổ Ivan Turk, người Slovenia, đã đào được một đoạn xương đùi gấu, có đục lỗ, về hình dạng cũng như khi thổi lên, rất giống một cây sáo.
Khúc xương này là xương của một con gấu nhỏ một, hai tuổi và có chiều dài 13,36cm, với hai lỗ tròn đường kính 0,97cm và 0,90cm, cách nhau 3,5cm.
Dựa vào vết vỡ ở hai đầu, có khả năng trên khúc xương còn có thêm hai hoặc nhiều lỗ nữa. Di vật được xác định đã 67.000 năm tuổi và ứng vào thời kỳ của người Neanderthal, những người nguyên thủy sống trước người hiện đại, tổ tiên của chúng ta hơn 20 nghìn năm.
Cây sáo được thổi ngang và theo nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Bob Flink có thể phát ra bốn nốt nhạc trong bảy nốt nhạc Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Nếu quả thực như vậy thì người Neanderthal là người rất tinh khôn và đã có hiểu biết nhạc lý khá tốt.
Đứng thứ hai về tuổi đời cổ đại là cây sáo Geissenklosterle ở bang Baden – Wurttemberg, Đức. Nó cũng có mặt từ cách đây 43.000 năm và thay vì được làm bằng xương gấu, thì làm từ một mảnh ngà voi ma mút với 3 lỗ trên tổng thể khả năng là năm lỗ.
Do ngà voi luôn cứng đặc và cong queo nên có thể người xưa đã chẻ nó ra, đục rỗng và dán lại. Cây sáo dài 18,7cm, bị vỡ thành 31 mảnh trước khi lộ thiên ở một hang động gần thành phố Ulm.
Nó có lẽ là do những người Neanderthal cuối cùng hoặc người hiện đại đầu tiên ở châu Âu tạo ra. Căn cứ vào cách bố trí, di vật không phải là nhạc cụ theo thang âm bảy nốt của phương Tây mà thiên về năm nốt, ngũ cung của phương Đông hơn.
Cũng là sáo nhưng là sáo bè, sáo quạt hay khèn chế từ tre, sậy và có tuổi đời 30.000 năm, là cây sáo Pan (vào thời Hy Lạp cổ đại được lấy theo tên của thần rừng và đồng cỏ Pan).
Theo bảng tổng sắp, nó có lẽ là cây sáo cổ đứng thứ 5 của thế giới. Về cơ bản, đây là một nhạc cụ được chế từ 4 đến 10 ống (sáo) tre trúc, dài dần, với mỗi ống ứng với một nốt và phát ra âm thanh rất du dương.
Trong thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, mọi hoạt động vui chơi, giải trí đều gắn với cây sáo Pan. Cùng với thơ ca, nó cũng đi vào hội họa, điêu khắc, đồ dùng hằng ngày. Hiện nay, nhiều nước vẫn dùng các phiên bản của loại sáo này.
Song hành cùng nhạc khí như sáo, từ 37.000 năm trước, cũng đã có trống da voi thuộc bộ gõ, cho thấy người tiền sử đã biết căng da thú để tạo âm thanh.
Hơn thế, do đặc trưng của trống là phát ra tiếng động cực to, họ còn có thể đã dùng nó nhằm săn bắn, xua đuổi thú dữ, hiệu triệu và thông báo các thông tin khẩn cấp.
Điều này có tác dụng rất lớn trong sự củng cố và mở rộng lãnh thổ của người hiện đại. Cái trống trên được phát hiện tại Nam cực và nhờ băng giá nên còn tốt nguyên.
Trong quá trình săn bắn và thuần dưỡng gia súc, cách đây 20.000 năm, người xưa cũng tạo được một nhạc cụ, gọi là cái bò rống (turndun) với âm thanh ù ù và chơi bằng cách buộc dây vào đầu một mảnh gỗ mỏng hình thoi, rồi xoay nó trên không.
Tùy theo tốc độ nhanh – chậm, liên tiếp hay ngắt quãng, mà tiếng kêu sẽ khác nhau. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhạc cụ này tại nhiều nơi, mà đặc biệt là Ukraine và Pháp, với niên đại từ thời đồ đá (18.000 năm trước Công nguyên) và nhận định đây là một nghi cụ quan trọng dùng trong lễ tế trời đất thuở sơ khai.
Turndun đã từng được người Hy Lạp cổ đại miêu tả là một nhạc cụ linh thiêng, đáng sợ, chỉ được lấy ra khi giao tiếp với thần linh.
Đến nay, nhiều dân tộc, ví dụ như thổ dân Aborigine – Australia vẫn dùng nó để tiến hành các nghi lễ kết nạp, tang ma, trừ tà, xua đuổi quỷ quái và cầu mưa.
Khác với nhạc cụ cổ đại bằng xương, sừng hươu, nhạc cụ ngày nay đa số bằng gỗ và dài từ 15 tới 60cm, rộng 1,2 tới 5,0cm.
Ở rất nhiều dàn nhạc dân gian các nước đều thấy lục lạc. Đây cũng là một loại trống và nhạc cụ cổ xưa đã xuất hiện từ 13.000 năm trước, với mục đích có lẽ dùng để giải trí và cúng tế nhiều hơn là để kích động như tính chất của trống.
Là một ống tre đựng những viên sỏi nhỏ, khi lắc nó sẽ vang lên những tiếng lạo xạo vui tai do sỏi va đập vào nhau và thành ống.
Qua từng thời kỳ, chất liệu của nhạc cụ này đã được thay bằng các chất liệu khác nhau, như ở Ai Cập cổ đại là đất nung, Hy Lạp cổ đại là gốm và ở thổ dân châu Mỹ hiện thời là quả bầu. Song luôn được dùng trong các nghi lễ hoặc các điệu múa.
Người cầm lục lạc luôn là các tù trưởng, thầy phù thủy hoặc người quan trọng trong bộ tộc, và tiếng lục lạc cũng là âm thanh tượng trưng cho quyền uy hoặc những sức mạnh siêu nhiên.
Nói chung, các loại trống nguyên thủy đều có dạng mõ, được đẽo từ một khúc gỗ khoét ruột. Vào năm 7.500 trước CN, người xưa đã tạo được những cái trống đầu tiên kiểu này, bằng cách đục rỗng những khúc gỗ hoặc đốt cháy phần lõi của chúng, rồi dùng gậy, dùi gõ lên bề mặt.
Trong hàng nghìn năm, truyền thống ấy vẫn được duy trì, và tới nay ở mỗi nơi đều có một loại mõ riêng, song đại thể đều có từ một đến ba vết rạch, hình chữ H trên mặt mõ, và tùy vào chiều dài, độ dày của vết rạch cũng như khúc gỗ mà phát ra hai âm vực khác nhau.
Phần lớn các nền văn hóa, gồm cả Ai Cập cổ đại đều coi mõ là biểu tượng của nước, cái chết và sự hồi sinh nên hay dùng mõ trong các lễ cầu mùa, tang ma, nhập hồn, cùng sự cảnh báo và truyền tin từ xa.
Ai Cập cổ đại là một nền văn minh có nghệ thuật vô cùng phát triển. Đặc biệt vào năm 1.340 năm trước CN, họ đã chế tác ra kèn trumpet.
Vào năm 1922, giới khảo cổ đã phát hiện được loại kèn này, gồm một cặp kèn bạc và đồng tại ngôi mộ của vua Tutankhamun, không những thổi rất hay (được công diễn năm 1939) mà còn được trạm khắc tuyệt đẹp với hình của các vị thần Ra -Horakhty, Ptah và Amun.
Trước đó không rõ đôi kèn có mục đích gì, như để giải trí hay là phục vụ nghi lễ trong hoàng cung, nhưng kể từ khi tìm thấy chúng, người ta đồ rằng chúng có sức mạnh khiêu chiến ghê gớm, và rằng Thế chiến thứ hai có liên quan đến chúng bởi vì thế chiến nổ ra sau khi chúng được Đài BBC phát thanh năm tháng.
Ấn Độ và Việt Nam cũng là hai quốc gia của nhiều nhạc cụ cổ đại nổi tiểng, mà tiêu biểu là đàn đá, bằng các phiến đá, thanh đá dài ngắn khác nhau.
Từ cách đây hàng nghìn năm, người Ấn Độ đã làm được những cây đàn đá và thiết kế chúng như một cầu thang hoặc cột kèo của nhà cửa, khi có người đi lên sẽ phát ra tiếng nhạc. Khá nhiều đền đài như đền Nellaiyappar thế kỷ 18 ở Tirunelveli, đền Vijaya Vitthala thế kỷ 15 ở Hampi đều có đàn đá.
Khác người Ấn Độ, người Việt thường xây dựng đàn đá thành nhạc cụ riêng để có thể đem đi biểu diễn và cất trữ.
Đàn đá đã có mặt ở Việt Nam ít nhất 3.000 năm, được phát hiện trở lại năm 1949, và hiện nay rất nhiều dân tộc miền trung cao nguyên thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum còn chơi loại đàn này.
Ngoài đàn cổ, người dân thường nhặt đá làm thành đàn mới. Một bộ đàn thường có 11 đến 13 phiến đá. Riêng đàn của người Mnông chỉ có sáu phiến đá, dài từ 10 đến 30cm, với những âm thanh thánh thót như thể tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim ca véo von cho niềm vui và sự bí ẩn từ đại ngàn.
Ngoài ra, còn khá nhiều nhạc cụ có tuổi đời hàng nghìn năm khác, được phát hiện ở từng nền văn minh và đất nước. Chúng cũng có các phiên bản đa dạng, được cải tiến liên tục để ngày càng hay hơn và mới lạ thêm.
Hiện nay, trong dàn nhạc giao hưởng phương Tây thường có từ 22 đến 30 nhạc cụ, và nếu tính các phái sinh của chúng hoặc các nhạc cụ dân gian truyền thống thì số lượng nhạc cụ trên thế giới phải lên tới cả nghìn.