Nghệ thuật ca kịch cải lương vừa tròn 100 tuổi. Nhìn chung, những người quan tâm nghệ thuật cải lương ít nhiều mang tâm sự hoài niệm về quá khứ vàng son, trăn trở trước hiện tại và lo lắng cho tương lai của bộ môn này.
So với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác có lịch sử, văn hóa lâu đời như tuồng, chèo…, cải lương phần nào giữ được chút phôi pha của thời hoàng kim và vẫn ít nhiều gây ảnh hưởng trong lòng thời đại hôm nay. Cải lương vẫn còn nhiều khán thính giả mộ điệu dành sự ưu ái, đặc biệt là người dân Nam bộ. Về miền Tây, người ta dễ dàng bắt gặp những người dân quê ghé tai sát vào chiếc máy nhỏ để nghe cải lương. Đó là một hình ảnh cho thấy tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này chưa bị đánh mất, đồng thời chỉ ra yếu tố làm nên giá trị của cải lương chính là khán thính giả.
Đối với một loại hình nghệ thuật đã bước qua tuổi 100, những người làm nghề hẳn đã đủ sâu sắc để nhìn lại, thương về quá khứ và hướng tới tương lai trong khó khăn hiện tại, tìm hướng đi cho nghệ thuật cải lương theo hướng cắm sâu vào lòng văn hóa dân tộc, để khi thời gian trôi qua, nó trở thành một phần không thể tách rời di sản văn hóa đất nước.
Có một điều dễ nhận thấy, đó là thị hiếu đã thay đổi. Cải lương từng có thế hệ khán thính giả thủy chung đã và vẫn đang sản sinh ra các thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên, đang có đông đảo những lớp người sinh sau, lớn lên trong bối cảnh văn hóa đa dạng của thế giới rộng mở với sự phát triển của khoa học công nghệ. Họ không giống những thế hệ trước, nhưng không hẳn vì thế mà họ quay lưng với nghệ thuật truyền thống.
Đã đến lúc cần làm những cuộc “đối thoại” xuyên thời gian. Văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng là những giá trị được thỏa thuận. Nó không hề tồn tại một cách mặc nhiên. Quá trình này đòi hỏi sự tương tác thường xuyên giữa người làm nghệ thuật và khán thính giả. Những cuộc đối thoại sẽ làm nảy sinh ý tưởng mới, cách làm nghệ thuật mới, thay đổi tư duy của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.
Nghệ thuật cải lương vốn có khả năng hấp thu đa dạng nhiều loại hình nghệ thuật, dạng thức văn hóa. Nhưng cũng chính với khả năng này, một mặt, cải lương thích ứng nhanh chóng với sự biến đổi, mặt khác, nếu hấp thu thiếu chọn lọc thì dễ làm cho bản sắc bị nhạt nhòa.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà danh từ “cải lương” trở thành “tính từ ám chỉ sự sến súa, màu mè, thấp cấp…” như lời thở than của nghệ sĩ Bạch Tuyết trong bài viết Tự tình cải lương: Trăm năm chìm nổi với đất đăng trên giai phẩm Thời báo Kinh tế Sài Gòn xuân Kỷ Hợi 2019. Trong quá khứ, cải lương từng là tính từ chỉ tính chất “đổi mới”.
Năm 1920, ông Trương Văn Thông ở Sa Đéc lập đoàn hát Tân Thinh. Nhân sự kiện này, hai soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu đã viết câu đối để ủng hộ: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích hướng văn minh. Câu đối này được trích dẫn nhiều trong các tài liệu đề cập tới nguồn gốc nghệ thuật cải lương. Theo đó, cải lương có tôn chỉ ban đầu dựa trên mục tiêu bảo tồn di sản (lương truyền) tuồng tích cũ kết hợp với đổi mới (cải cách) ngôn ngữ biểu hiện (hát ca). Trên con đường lịch sử đã đi qua, có những ngã rẽ dẫn cải lương đến tình trạng “sến súa, màu mè, thấp cấp…”. Đó có thể là do những sự hấp thu thiếu chọn lọc đã nói ở trên hoặc những sự thể hiện thiếu cẩn trọng.
Có lẽ trước khi đi vào phục hồi, củng cố, nâng cao địa vị cho cải lương, việc cần làm là kiện toàn hệ thống sản phẩm, tổng kết kinh nghiệm, đúc kết giá trị, tinh tuyển những vở diễn kinh điển, những trích đoạn đã trở thành mô thức điển hình để tập trung bảo tồn song song với thể nghiệm sáng tác mới. Cần xác định rõ những yếu tố nào của loại hình sân khấu kịch hát này phải được bảo lưu, gìn giữ; những yếu tố nào có thể thay đổi, đặc biệt trên phương diện công nghệ để có sự xích lại gần hơn giữa sân khấu truyền thống và hiện đại.
Bên cạnh việc nâng cấp đồng bộ các yếu tố phụ trợ như phục trang, hệ thống âm thanh ánh sáng, thiết kế sân khấu trong không gian ba chiều… thì yếu tố bao trùm lên nghệ thuật cải lương chính là những đặc trưng của loại hình nghệ thuật, giống như gen di truyền không thể cải biến.
Bên cạnh đó là những chương trình tương tác giữa giới làm nghệ thuật với khán thính giả, nhất là những lớp khán giả trẻ, giúp họ hiểu sâu hơn về nghệ thuật cải lương. Thiết nghĩ việc tìm đất diễn cho cải lương cũng quan trọng nhưng đất diễn không phải là yếu tố then chốt quyết định sự thịnh suy của một loại hình nghệ thuật. Châu Âu từng chứng kiến sự hưng thịnh của nghệ thuật nhạc kịch (opera) suốt hai thế kỷ 17 và 18. Vậy mà hơn một thế kỷ qua, người ta phải bất lực trước sự tàn lụi của nó. Các nước châu Âu không thiếu những nhà hát nguy nga, tráng lệ mà thiếu khán thính giả dành tình yêu cho loại hình nghệ thuật này.
Chính khán thính giả và tình yêu của họ sẽ nuôi dưỡng, góp phần phục hưng cải lương. Mà tình yêu nào cũng cần được gìn giữ, bồi đắp bằng sự hiểu biết. Cơ tầng văn hóa của khán thính giả chính là trường khí quyển giúp cho nghệ thuật cải lương đi qua, duy trì và phát triển.
(*) Nhân đọc hai bài viết Tự tình cải lương: trăm năm chìm nổi với đất và Cải lương nào cho hôm nay? trên giai phẩm Thời báo Kinh tế Sài Gòn xuân Kỷ Hợi 2019.