Người Tà Ôi không có nghề đúc đồng nhưng vật dụng đồ đồng ở vùng người Tà Ôi rất nhiều, đa dạng về chủng loại và số lượng gồm các loại thau đồng, mâm đồng, chậu đồng, bình đồng, được dùng trong sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt tín ngưỡng người Tà Ôi còn sử dụng các loại nhạc cụ bằng đồng như sau:
1. Koong: Là loại cồng có núm, kích cỡ to nhỏ khác nhau nhưng thường có đường kính khoảng 45cm.
Koong thường được đánh bằng dùi gỗ bọc da bò để nguyên lông, sau này bọc vải, hoặc đấm bằng nắm tay. Tạo tiếng ngân vang, dài, uy nghi, trang trọng.
Koong được sử dụng nhiều nhất trong các lễ hội có tế thần linh như lễ cầu mùa, lễ đâm trâu, lễ dời mả, đám ma… Vì tiếng Koong ngân xa, thần linh ở trên trời, trong rừng sâu mới có thể nghe được.
Khi sử dụng Koong, người đánh xách bằng tay trái chứ không treo vào giá đỡ, không đánh liên tục như loại thanh la và họ rất kiêng kị khi đánh Koong ở trong nhà. Trong các lễ thức cúng thần thì chỉ dùng 2 chiếc Koong để cầm nhịp và để điểm vào những chỗ cần thiết.
Sử dụng loại nhạc cụ này là thoải mái nhất, không bắt buộc một nhịp điệu nào. Ai cũng có thể đánh tự do từ già làng cho đến thanh niên thậm chí các em thiếu niên vẫn tham gia được trong những dịp vui.
2. Târlee: Là thanh la hoặc chiêng phẳng, là nhạc khí linh thiêng của người Tà Ôi. Târlee có kích cỡ to nhỏ khác nhau nhưng người Tà Ôi thường dùng những chiếc có đường kính từ 40 – 45cm, dùng trong các lễ như: lễ đâm trâu, lễ cúng trời đất, đám ma, cưới hỏi.
Sau này Târlee được phép phát triển trong việc giao lưu văn nghệ giữa các làng bản với nhau. Trong quá trình sử dụng thì người Tà Ôi có quy định nếu đánh ở nhà thì chỉ đánh riêng, không được đánh cùng với chiêng và trống.
Khi nói về loại nhạc cụ này thì các nhà nghiên cứu đã có nhận xét “Ngoài kĩ thuật diễn tấu như cồng thì chiêng có khả năng tạo sự tương phản mạnh về âm lượng. Khi cấu tạo sự đột biến về độ vang, gây kích động thì dùng dùi gỗ đánh trực tiếp vào mặt chiêng. Khi cần tiết chế âm lượng và diễn tấu với tốc độ nhanh thì dùng kĩ thuật bịt; tay trái luồn qua dây mang chiêng, bàn tay bịt lên mặt chiêng làm cho tiếng chiêng mềm và mờ đi âm sắc”(1).
Khi trình diễn thì người Tà Ôi thường dùng 2 Târlee, buộc dây mang trên vai, tư thế hơi nghiêng về phía trước, loại này chỉ dành cho nam giới diễn tấu mà thôi.
Trong đời sống văn hóa của người Tà Ôi cồng chiêng có một vai trò quan trọng “Cồng vừa là nhạc cụ, vừa là vật thiêng, vì theo quan niệm của đồng bào, họ có thể giao lưu với các thế lực siêu nhiên qua tiếng cồng, nên chỉ nam giới mới được sử dụng cồng. Cồng chiêng còn là của cải, là linh hồn của bộ tộc, biểu hiện sự giàu có và hùng mạnh của cộng đồng. Người giàu có là người có nhiều cồng chiêng và họ thường phải về đồng bằng mua cồng chiêng của người Kinh hoặc phải sang Lào để mua”(2).
Nhạc sĩ Minh Phương đã nói về tiếng cồng, tiếng chiêng như sau: “Tiếng cồng thể hiện từng bước chân mỏi mệt. Tiếng chiêng như những hạt mưa rơi”. Tiếng cồng, tiếng chiêng như làm mê hoặc con người “Năm tháng đi qua, gió mưa rét lạnh không làm tiếng cồng im ắng. Nghe tiếng cồng trong đêm đông tiễn đưa người quá cố thần linh cũng phải động lòng. Tiếng cồng âm vang bồng bềnh chung thủy, tiếng cồng ấm áp như lửa tim của mẹ hiền hòa. Nhiều mẹ già cao tuổi nét mặt mệt mỏi ngồi trước cửa nhìn mây, nhìn cây, lo lắng, nhưng khi nghe tiếng cồng, tiếng chiêng trong ngày hội thi bắn cung, bà vội vàng tìm chiếc gậy chống chậm rãi dần từng bước đến nơi. Phải chăng tiếng cồng chiêng làm tăng sức mạnh cho con người hay là tiếng cồng làm bà mẹ hồi tưởng lại thuở tuổi trẻ xa xưa.
Con chim ngưng hát để nghe tiếng cồng
Con sóc ngưng nhảy để nghe tiếng cồng
Con nai thôi ăn để nghe tiếng cồng
Con hổ nằm im nhắm mắt để nghe tiếng cồng
Nụ hôn của chàng trai đặt trên môi cô gái dài và sâu lắng như tiếng cồng(3).
3. Cârđin: Là chiếc chuông nhỏ bằng đồng, không phải kích âm bằng dùi gỗ, tre hay sừng mà là do con lắc bằng đồng được treo bên trong bụng Cârđin.
Đường kính của Cârđin khoảng 5 – 6cm, cao khoảng 7 – 8cm, trên núm Cârđin đúc sẵn một vòng nhỏ để buộc dây có thể đeo ở các ngón tay khi lắc hoặc luồn qua cổ tay giữ cho chặt khi lắc. Khi cúng, các chủ lễ thường dùng Cârđin để phụ họa cho lời cúng.
4. Cârnhang/Reo: Là chiếc lục lạc, nhạc cụ này thuộc chi lắc. Được làm bằng đồng hình tròn như những viên bi, rỗng ruột, có xẻ miệng, bên trong bỏ vài hạt đồng khi lắc sẽ phát ra âm thanh.
Khi nói về nhạc cụ này GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng “Các loại quả nhạc xóc gồm những chùm hình cầu rỗng, đúc bằng kim khí, trong có những hạt nhỏ, đi kèm với các nhạc cụ khác”(4).
Loại Cârnhang nhỏ thường sử dụng bằng nhiều chiếc được kết lại bằng một sợi dây thành vòng hoặc chùm dễ dàng buộc ở cổ tay, cổ chân để khi nhún nhảy sẽ vang lên theo từng động tác nhịp nhàng của điệu múa, tạo nên âm thanh rộn ràng.
Nhiều chị em phụ nữ Tà Ôi còn kết những hạt Cârnhang vào mép của các váy để tạo nên âm thanh vui nhộn trong những lần di chuyển còn gọi là Xoor lai. Tiếng Cârnhang trong hay đục tùy thuộc vào hạt lục lạc to hay nhỏ mà thôi.
Già làng thường hay trang trí Cârnhang vào các chuôi kiếm để tạo âm thanh linh thiêng khi làm lễ cầu khấn thần linh.
Nhạc sĩ Minh Phương cho rằng “Có loại Cârnhang tròn như vành trăng ở trong cũng bỏ sỏi, cầm ở một đầu và lắc sẽ tạo ra âm thanh”(5). Hoặc “Có loại Cârnhang tròn đều nhau ở giữa có một cái trục gỗ, cầm trục lắc sẽ phát ra âm thanh”(6).
5. Xaar: Là chiếc xập xõa, chũm chọe hoặc não bạt, được chế tác từ 2 chiếc hình đĩa tròn bằng đồng dát mỏng đường kính từ 10 – 20cm, ở giữa có núm để cầm và lỗ nối với nhau bằng một sợi dây và dây có thể quàng vào cổ. Xaar có nhiều loại to, nhỏ khác nhau, dày mỏng cũng khác nhau.
Khi đánh cầm 2 cái đập chà xát vào nhau, tiếng Xaar phát ra âm thanh dữ dội, gần như tiếng sét ở gần. Nếu 2 mặt Xaar xát mạnh vào nhau, âm thanh gần như có tiếng gió rít.
Có loại Xaar nhỏ như cái chuông, đường kính 0,5cm, cao độ 0,5cm, loại Xaar này sẽ phát ra tiếng như chuông, trong trẻo, vui vẻ. Loại này thường sử dụng nhiều và đánh từng nhánh một. Sử dụng Xaar không có một quy định nào bắt buộc người chơi nên cũng không kiêng cữ gì.
Nhạc cụ này làm nhạc đệm trong giao lưu văn nghệ cùng với sáo, chuông, tù và, trống sẽ tạo được không khí nhộn nhịp, nhạc cụ này dùng hầu hết trong lễ hội cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, phụ họa hỗ trợ trong múa hát tập thể.
- Xem thêm: Thú vị nhạc cụ thuở sơ khai
6. Ânkoai: Là chiếc đàn môi được làm bằng đồng, hình chiếc lá có cả cuống lá giống như lá tre, dài khoảng 8cm ở giữa được dát mỏng hơn so với xung quanh và cắt rời thành một hình tam giác cân mà 2 cạnh bên tạo thành một góc rất nhọn dưới 150, còn đáy dính vào thân đàn. Đầu nhọn của đỉnh tam giác ấy được uốn cong ra ngoài dùng để búng hoặc có thể rung tự do được.
Khi chơi đàn, người ta ngậm hờ vào môi dùng vòm họng, khoang mồm làm hộp cộng hưởng nhưng lại được tạo thành những khẩu hình khác nhau, do đó làm nổi lên khi thì bồi âm này, khi thì bồi âm kia của âm cơ bản, và cho ta một vài âm khác nhau.
Cơ chế phát âm của loại đàn này giống như cơ quan nói của con người, mà cái đàn làm thay nhiệm vụ của thanh đới. Để làm rung đàn thì người chơi đưa ngón trỏ búng vào cái đỉnh tam giác được uốn cong ra ngoài, tay trái giữ gốc đàn, là cái cuống lá.
Ânkoai được bảo quản cẩn thận trong một ống tre ngắn có nút đậy. Cao độ không chuẩn xác vì ngón trỏ búng làm rung lưỡi gà lúc mạnh lúc nhẹ, vòm miệng làm hộp cộng hưởng lại bị chi phối bằng việc thay đổi khẩu hình nên âm thanh phát ra đôi lúc như tiếng ếch nhái, khó định được cao độ.
Âm sắc của Ânkoai đặc biệt, huyền ảo, thì thầm, hơi có tiếng rè. Ânkoai rất thích hợp trong không gian yên tĩnh, trữ tình cho thanh niên nam nữ tâm tình.
Trong đêm khuya, tiếng đàn vang lên đối đáp nhau thể hiện tình cảm một cách tế nhị, người Tà Ôi coi đó là người bạn không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Ânkoai thường được dùng vào ban đêm, khi người con trai đến bên vách nứa, chỗ cô gái ngủ để tỏ tình và hò hẹn đi sim.
Vì có tính chất đặc biệt nên Ânkoai được nhắc đến là “Tiếng thỏ thẻ vang lên như côn trùng trong đêm không làm cả nhà thức giấc, nếu cô gái nghe được “tiếng lòng” ấy có thể theo tiếng đàn của người con trai đến bên bờ suối vắng để tình tự”(7).
Tóm lại, nhạc cụ bằng đồng của người Tà Ôi sử dụng có 6 loại như vừa nêu ở trên, mỗi loại tuy có hình dáng, kích thước, hình thức và môi trường diễn xướng khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là mượn âm thanh để bày tỏ nỗi lòng của mình trước thần linh, trời đất, trước những lời tỏ tình trai gái yêu nhau.
Tất cả các loại nhạc cụ này là sản phẩm trao đổi từ đồng bằng lên, là thước đo giá trị của sự giàu nghèo trong xã hội Tà Ôi ngày xưa.
Đồng thời cũng nói rõ được rằng, người Tà Ôi giàu đầu óc sáng tạo, họ đã biết sử dụng sao cho có ý nghĩa những loại nhạc cụ bằng đồng ấy đó là điều đáng mừng.
(1) Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế: Dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 62.
(2) Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế: Dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 61.
(3) Minh Phương: Dư âm tình rừng. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 40, 41.
(4) Tô Ngọc Thanh: Ghi chép về văn hóa và âm nhạc. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, trang 705.
(5) Minh Phương: Dư âm tình rừng. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 76.
(6) Minh Phương: Dư âm tình rừng. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 77.
(7) Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế: Dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 72.