Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của trí tuệ và kỹ năng, trong đó tư duy lãnh đạo – sáng tạo và đổi mới có vai trò quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, các tổ chức. Sáng tạo ở “cấp độ tổ chức” rất cần thiết để thay đổi toàn diện tư duy của cả một tổ chức, từ đó tạo cơ hội cho các ý tưởng mới được phát huy mạnh mẽ và hiệu quả.
Cơ chế lãnh đạo với tư duy truyền thống “cấp trên – cấp dưới” sẽ ngăn cản khả năng sáng tạo của đội ngũ nhân tài trẻ, hạn chế sự sáng tạo ở cấp độ tổ chức và khó tạo lợi thế cạnh tranh cho tổ chức trong thời kỳ hội nhập.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề khá mới “Tư duy lãnh đạo – Sáng tạo và Đổi mới” do Công ty Deloitte Việt Nam và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) tổ chức vừa qua, GS-TS Tony Wagner, học giả, diễn thuyết gia nổi tiếng người Mỹ thuộc Đại học Harvard, cho rằng các công ty thực sự cần những người sáng tạo – những cá nhân sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, luôn đem trí tưởng tượng và sự chủ động vào mọi công việc họ làm. Và “thế hệ Millennial” – vốn được gọi là “những con mọt công nghệ”, sử dụng công nghệ để học, kết nối, hợp tác và sáng tạo hằng ngày – sẽ là một thế hệ nhân tài đầy hứa hẹn cho các công ty.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, GS-TS Tony Wagner khám phá ra rằng, nhiều người thuộc thế hệ này không hứng thú làm việc cho những tập đoàn lớn; ngược lại, rất nhiều công ty cũng không biết cách làm việc với thế hệ nói trên.
Ông cũng chỉ ra rằng, với nhiều công ty hiện nay thì thách thức lớn nhất vẫn là phá vỡ tư duy lãnh đạo “cấp trên – cấp dưới” và tạo ra nhiều hơn những tương tác hai chiều. “Luồng thông tin đa chiều trong tổ chức vô cùng quan trọng đối với sự đổi mới, nhưng một cơ chế lãnh đạo theo tư duy cấp trên sẽ hạn chế những ý tưởng mới nảy sinh và ngăn cản sự phát triển của trí tuệ tập thể trong công ty”, ông nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, ở mức độ quản lý cấp cao tại nhiều công ty, đặc biệt trong văn hóa doanh nghiệp của các công ty Á Đông như Việt Nam, luôn tồn tại tư duy cấp trên theo kiểu truyền thống. Theo lối tư duy đó, tất cả những ý tưởng có giá trị đều do lãnh đạo nghĩ ra và cấp dưới chỉ là những người thực hiện.
“Có ba vấn đề lãnh đạo doanh nghiệp nên chú ý tới trong kỷ nguyên mới này để tạo giá trị cạnh tranh mới cho doanh nghiệp: Thứ nhất là thay đổi tư duy lãnh đạo cấp trên bằng việc có giao tiếp hai chiều giữa lãnh đạo và nhân viên; thứ hai, thông qua giao tiếp hai chiều đó để nỗ lực tìm kiếm và phát triển những người có tư duy sáng tạo, muốn đột phá và đổi mới từ cấp quản lý trung đến cấp cao hơn; thứ ba, thay đổi tư duy lãnh đạo bằng việc khuyến khích những nhà lãnh đạo trẻ trong tương lai mà chúng ta đang hướng tới là thế hệ 8X và 9X”, bà Thanh chia sẻ.
Cũng theo các nghiên cứu của GS-TS Tony Wagner, tính sáng tạo không phải là sẵn có hay trí tuệ thông minh mà là kỹ năng có thể học hỏi, tích lũy và đào tạo. Bà Lê Hồng Len, Trưởng đại diện của ACCA tại Việt Nam cho rằng: “Gia đình và nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và tạo lập nên tư duy sáng tạo cho thế hệ trẻ. Một nền giáo dục cũ kỹ áp đặt một chiều thì khó có thể tạo nên một thế hệ đột phá về tư duy sáng tạo. Bên cạnh đó, truyền thống gia đình theo kiểu Á Đông, người lớn luôn đúng và trẻ con phải luôn vâng lời, cũng khó chấp nhận sự khác biệt ra ngoài khuôn khổ thông thường. Những ông bố bà mẹ của hôm nay là nền tảng của thế hệ trẻ với tư duy đột phá trong tương lai, và việc đổi mới hệ thống giáo dục, từ phương thức dạy và học, tiếp cận kiến thức, phương pháp tư duy đến tư tưởng nặng về thành tích… là việc phải làm để có thể tạo ra thế hệ những nhà lãnh đạo sáng tạo trong tương lai”.
Ở các quốc gia như Mỹ, từ lâu đã xem tính sáng tạo là thiết yếu – bởi lẽ nó đã ăn quá sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, đặc biệt là các lãnh đạo doanh nghiệp. Nói như Einstein, “con người hơn nhau không phải chỉở kiến thức” vì nếu chỉ dừng lại ở kiến thức đang có, chúng ta không tạo ra được giá trị nào mới. Sáng tạo được xem là một trong những phẩm chất và năng lực quan trọng bậc nhất của nhà lãnh đạo trong tương lai khi mà nền kinh tế thế giới đang chuyển sang thời của sự phát triển “Não phải – Sáng tạo”. Và để tạo dựng một tổ chức sáng tạo, có nền tảng để vượt qua mọi thách thức trong kỷ nguyên mới, các nhà lãnh đạo rất cần thiết phải đổi mới tư duy lãnh đạo của chính mình.