Người dân miền Nam không là gì với hình ảnh cây dầu rái to lớn, thẳng tắp, cao vút như những mũi tên bay thẳng lên bầu trời. Trong những phum sóc của người Khmer, đặc biệt là trong những ngôi cổ tự, bóng mát của những cây dầu luôn là nơi đi về trú ngụ của nhiều loại chim cò.
Tuy nhiên, có một cây dầu rái lại hoàn toàn khác lah với những hình ảnh quen thuộc thường thấy. Thay vì vươn lên thẳng tắp thì cây dầu rái tại đường Sơn Thông (phường 7, thành phố Trà Vinh) lại xòe rộng như một cái ô với tán lá xanh thẫm rợp trời. Thân cây to lớn, hàng chục người ôm mới xuể. Cây dầu dù này không chỉ có hình dáng kỳ lạ mà ngay thớ gỗ cũng xoắn lại như sợi dây tạo sự khác biệt so với những loại cây khác. Những thớ gỗ kỳ lạ này khiến nhiều cành cây già vẫn còn bám trên thân cây mà không bị mục, rơi xuống đất. Cũng chính vì hình dáng lạ lùng ấy mà cây dầu này được gọi là cây dầu dù (Tán cây xòe ra như cây dù)
Những truyền thuyết xoay quanh cây dầu dù
Hình dạng khác thường của cây dầu rái nói trên có lẽ chính là nguyên nhân xuất hiện những giai thoại về nguồn gốc của cây lạ này. Theo đó, người xưa kể rằng, khu đất dọc đường Sơn Thông vốn là một khu đất rộng rãi, cao ráo. Trong lần đi hành đạo qua nơi này, một vị sư thấy địa thế đẹp, cao hơn xung quanh nên đã trồng nhiều cây dầu chính giữa khu đất cao. Nhà sư trồng hàng trăm cây, song, điều đáng nói, thay vì trồng như bình thường, vị cao tăng này lại cắm ngọn của cây xuống đất. Thấy cách trồng cây kỳ quái, nhiều người gặng hỏi thì vị cao tăng chỉ cười, nói đó là huyền cơ, sau này sẽ biết. Sau khi trồng cây, vị cao tăng bỏ đi không một lần trở lại. Trong số những cây dầu được trồng ngược đó chỉ có một cây duy nhất sống, đó chính là cây dầu rái khổng lồ hiện nay.
Ngoài câu chuyện cây được vị cao tăng trồng thì có một số dị bản cho rằng cây là do một người dân địa phương trồng, cũng có người khẳng định là cây mọc tự nhiên. Dù còn nhiều tranh luận về nguồn gốc nhưng cây vẫn là một biểu tượng tâm linh trong lòng người dân địa phương
Sự tích đặc biệt đó, cộng với hình dáng có một không hai khiến người dân trong vùng tôn thờ cây dầu rái, thậm chí coi đó là “thần cây”, một biểu tượng về mặt tâm linh. Ai đi đâu xa cũng tới khấn vái, xin cây ban cho điều may mắn. Họ lập cả miếu thờ ông Tà dưới gốc cây để cầu may, cầu an cho bản thân và gia đình
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Ngoài ra xung quanh cây dầu dù còn được đan dệt bởi nhiều giai thoại huyền bí. Người dân địa phương lưu truyền câu chuyện thần cây báo oán. Theo đó, thời chiến tranh, các chiến sĩ tại địa phương thường treo cờ cách mạng trên ngọn cây dầu dù để phản đối quân xâm lược. Lẽ tất nhiên, chính quyền tay sai không thể làm ngơ việc này. Chúng đã cho người hạ lá cờ xuống và sai hai người chặt hạ cây dầu dù. Người dân địa với lòng ngưởng vọng cây thiêng đã ra sức bảo vệ nhưng không thành công trước lực lượng đông đảo của kẻ thù. Hai người đàn ông lăm le trên tay hai cây búa sắc lẹm định chặt cây thì người dân lại thấy hiện tượng lạ. Người đàn ông đầu tiên trèo lên cây, chưa kịp chặt nhát búa nào thì hắn đã hét lên với vẻ mặt thất thần sợ hãi. Hắn ta vội bò xuống rồi chạy thẳng không dám ngoái đầu trở lại.
Tên thứ hai vung búa chém vào thân cây. Dù cây rất lớn nhưng nhát búa ấy khiến cây rung lên dữ dội, từ vết chặt ấy chảy ra một chất mủ màu đỏ tươi. Quá sợ hãi, người này cũng ba chân bốn cẳng chạy khỏi đó. Vài tháng sau, hai người đàn ông nói trên đều chết bất đắc kỳ tử, một người mất vì tai nạn, một người bỏ mạng do bệnh tật. Trước sự việc trên, bọn giặc đành rút lui, không đòi đốn cây nữa, thậm chí, khi mở đường qua đây, chính quyền cũ chỉ dám uốn cong con đường đi bên cạnh gốc cây chứ không dám đốn hạ. Kết hợp với cái chết của hai người được thuê đến chặt cây, nhiều người mê tín đồn đoán các câu chuyện về “cây thần báo oán”. Cũng từ ngày đó, người dân trong vùng ít ai dám tìm đến khu vực cây, trừ một số cao niên đến thắp hương vào những ngày rằm, mùng một.
Truyền thuyết cây dầu dù, từ góc nhìn văn hóa
Từ văn hóa trồng cây dầu của người Khmer ở Trà Vinh
Người Khmer theo Phật giáo Nam tông (Theravada Buddhism) đồng thời cũng chịu ảnh hưởng chi phối bởi quan niệm “vạn vật hữu linh”. Thế nên nếu việc mỗi người Khmer mang cây vào chùa trồng là biểu hiện của việc vun bồi phúc duyên. Bởi theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer, việc trồng cây trong khuôn viên chùa là nhằm tạo cảnh quan cho khu rừng Himaphan hay vườn Lumpini (Lâm Tì Ni) trong Phật thoại, đồng thời để tạo bóng mát và không khí trong lành cho những người đến chùa lễ Phật. Cây cối trong chùa còn tạo thành một môi trường lý tưởng để các loài chim đến tá túc. Chùa Cò ở Trà Cú là một biểu tượng sinh động của nét văn hóa đáng quý này.
Bên cạnh đó, người Khmer còn có tục gửi xương cốt của người thân vào những ngôi tháp xung quanh chùa mong nương nhờ Phật pháp hồi hướng linh hồn đến cõi Phật nhiệm màu. Vậy nên họ trồng cây để linh hồn người quá cố có nơi trú ngụ.
Loại cây mà người Khmer thích trồng trong chùa cùng các vị sư sãi là cây dầu. Nguyên do có thể liên quan đến phong tục hỏa táng trong nghi lễ tang ma của người Khmer. Người Khmer thích trồng cây dầu vì củi dầu dùng để hỏa táng người chết. Trong ý niệm tâm linh của người Khmer, dầu là loại cây mà củi của nó dùng làm nhiên liệu hoàn hảo nhất. Cây dầu dù còn tươi vẫn cháy được, người Khmer chỉ cần dùng dầu mồi lửa thì có thể tiến hành lễ hỏa thiêu từ một vài cây dầu mới hạ xuống.
Đối với một số cây dầu cổ thụ, người Khmer cũng có kỹ thuật lấy dầu làm chất đốt bằng cách đục lõm vào thân cây một lỗ vuông, bên trong đặt chiếc bát để hứng nước dầu. Quy định trong phong tục hỏa táng, người Khmer thường cắt củi dầu theo kích thước từ 50 cm đến 1 mét, số lượng củi phải ước lượng làm sao khi kết thúc một lễ hỏa táng mà không còn thừa. Khi thiêu, người dân Khmer tin rằng cần phải lập tức dừng việc đưa thêm củi vào khi thấy xác người đã hóa tro, phần xương sẽ được nhặt và cho vào bình để đưa vào tháp. Cùng với việc ấy thì lượng củi cũng phải vừa đủ (theo nguyên tắc không thiếu không thừa). Thế nên củi dầu là sự lựa chọn ưu việt bởi củi dầu cháy nhanh, người dân dễ ước lượng được lượng củi phải dùng cho một đám thiêu. Bởi nếu thừa thì số củi ấy sẽ phải đưa ra khỏi lò thiêu, chất thành đống để cho tự phân hủy mà không được phép dùng cho sinh hoạt hoặc cho đám thiêu của người chết sau đó.
- Xem thêm: Văn hóa trầm tích ở An Giang
Người Khmer ở Trà Vinh hiện vẫn còn giữ tập tục mang củi dầu đến các đám tang để nấu nướng và làm lễ hỏa táng người chết. Những thanh củi nhỏ sẽ được dùng để nấu ăn đãi khách đến viếng tang. Thanh củi lớn dài chừng 1 mết sẽ được dùng để đặt lên quan tài người mất phục vụ nghi thức hỏa táng. Tập tục này mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự chia sẻ với tang quyến của những người cùng phum sóc.
Đến tín ngưỡng thờ cây dầu dù
Như đã trình bày ở trên, cây dầu là loại cây gắn với đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Khmer Trà Vinh, thế nên việc kính ngưỡng một cây dầu có tuổi đời mấy trăm năm là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa qua truyền thuyết về cây dầu dù có thể thấy hạt nhân là motif Điềm linh – Vật lạ. Nhà sư đã trồng dầu bằng cách cắm ngọn xuống đất. Đây là việc trái tự nhiên nhưng chính từ điều trái tự nhiên ấy mà cây dầu dù đã sinh tồn và phát triển. Chính sự sinh tồn trái tự nhiên ấy mà cây dầu dù đã sở hữu những đặc điểm khác lạ so với những cây dầu bình thường khác.
Hơn thế nữa hình tượng nhà sư đắc đạo là chủ nhân của cây dầu kì diệu ấy thể hiện tinh thần ngưỡng mộ của cư dân đối với Phật giáo của cư dân Khmer ở Trà Vinh. Điều này làm ta liên tưởng đến truyền thuyết về địa danh chùa ông Mék. Theo kinh sách kể lại thì ngôi chùa Ông Mék đã được xây dựng rất lâu, từ năm 642, và đã trải qua rất nhiều đời sư cả. Đến đời sư cả Mék, tại vùng này xảy ra một trận lũ rất lớn. Khi lũ rút đi, những đứa trẻ mục đồng thấy có pho tượng Phật từ đâu trôi về mắc tại một con sông gần chùa. Lũ trẻ mới đem chuyện nhìn thấy kể cho các nhà sư đang tu tại chùa. Các nhà sư mới ra xem thì quả đúng là sự thật liền cho là Đức Phật giáng hạ về chùa. Nghĩ vậy, các sư tìm cách để mang pho tượng đó về chùa, nhưng kì lạ là họ không làm cách nào để di chuyển pho tượng đó. Các sư lấy làm lạ, nên về nói với sư cả. Vị sư cả của chùa lúc này tên là Mék. Ngay đêm hôm đó, sư cả nằm mơ thấy Phật về dạy rằng: “Nếu muốn đưa ta về chùa thì hãy lấy bảy sợi chỉ mà buộc vào thắt lưng ta, khi đó hãy kéo ta về”. Làm theo lời Phật dạy, sư cả Mék đã kéo được tượng Phật về. Nhưng tượng không được kéo về tận chùa, công việc di chuyển đã gặp sự cố. Khi pho tượng tới nơi mà bây giờ là chính điện của chùa ông Mẹc thì các sợi chỉ bị đứt. Sư cả tìm mọi cách để đưa về chùa nhưng không được, thầm hiểu ý Phật muốn tọa lạc tại đây, sư cả cho dời chùa về nơi – bây giờ là Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh.
Như vậy cây dầu dù đã trở thành “vật linh” khi đã thấm nhuần Phật pháp (được trồng theo một phương pháp kì lạ bởi một vị sư đắc đạo). Thế nên việc cây dầu dù được thờ cúng là việc đương nhiên. Những truyền thuyết sau đó nhằm củng cố thêm sự linh thiêng của cây dầu dù. Qua đó càng gia tăng niềm tin của người dân vào sức mạnh siêu nhiên của cây.
- Xem thêm: Tiếng ai rao bánh trên sông
Bên cạnh đó nằm trong nguồn mạch chung của văn hóa dân tộc, quan niệm “vạn vật hữu linh” vốn tồn tại ở nhiều tộc người trên đất nước ta. Đặc biệt nhiều dân tộc có niềm tin vào sự tồn tại thần linh ở những loại cây sống lâu năm “thần cây đa – ma cây gạo”. Ở Trà Vinh, tín ngưỡng thờ cây tồn tại phổ biến trong cộng đồng. Đặc biệt như đã phân tích ở trên, người Khmer có truyền thống trồng dầu vừa đáp ứng nhu cầu vật chất vừa tạo nên môi trường sinh thái tâm linh. Bên cạnh đó cây dầu dù ngoài việc sống lâu năm lại còn có dáng hình đặc biệt kì lạ càng làm gia tăng thêm niềm tin của người dân vào sự linh ứng của cây.
Dù không biết đích xác tuổi thọ của cây nhưng người dân ở địa phương cho rằng, cây dầu dù cổ thụ này sống qua mấy thế kỷ gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Trà Vinh nói chung và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Cây dầu dù rất linh thiêng nên người dân đã xây dựng miếu thờ ông Tà (Neak Ta) để ngày ngày đến thắp nhang khấn vái cầu mong cho gia đình được may mắn, sức khỏe, an lành.
Tìm hiểu về cây dầu dù, một biểu tượng tín ngưỡng tâm linh của người Khmer cũng là cách thức tiếp cận với những nét văn hóa đặc sắc của cư dân nơi đây. Cây dầu dù sẽ còn tỏa mát trong tâm thức của người Trà Vinh qua nhiều thế hệ bởi đây là vùng đất luôn trân quý cây xanh, xem cây xanh như một phần của cuộc sống thiết yếu của con người. “Vĩa vặng” văn hóa của người Khmer Trà Vinh luôn là nguồn mạch thu hút những ai muốn khám phá. Truyền thuyết về Cây dầu dù và những ứng xử tâm linh của dân Trà Vinh là một trường hợp như vậy.