Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm kênh rạch, sông ngòi chằng chịt như ô bàn cờ. Sống trong môi trường ấy, chiếc xuồng đã trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân quê miệt đất này.
Khắp làng trên xóm dưới, quanh năm người lao động chỉ biết ruộng đồng, vườn tược. Xa lắm, những chỗ có bốn, năm dòng sông tụ hội người ta gọi là Ngả Tư, Ngả Năm,… mới có họp chợ. Vì thế, bữa ăn sáng của người miền quê vẫn chỉ với hai món chính là cơm và cháo. Trẻ con nhà nghèo trong những ngày giáp hạt còn phải tìm lượm bình bát chín rụng hoặc hái trái mua, trái cơm nguội hay nhãn lồng (chùm bao) để đỡ dạ.
Độc đáo trong nét văn hóa dân gian miền Tây chính là những chiếc xuồng bán bắp, khoai, bánh… bồng bềnh trên sóng nước. Đâu đó, như vẳng lên câu hát đố gợi nhớ ký ức những ngày xa xưa thuở trước:
Tiếng ai lảnh lót bên sông
Không phải bánh còng, chẳng phải bánh cam?
Buổi sáng, thường gặp nhất là những chiếc xuồng bán bắp nấu, khoai lang, khoai mì nấu hay xuồng bán bánh tằm mặn, bánh tằm khoai mì…
Ngoài vườn có trồng khoai mì, khoai lang thì chiều hôm trước đào lên, khuya thức dậy, người ta rửa sạch đem luộc chín.
Sắp khoai ra rổ, để trước mũi xuồng, chèo men theo các con rạch nhỏ, miệng rao hàng để báo hiệu cho người cần mua biết.
Trẻ con, người lớn muốn ăn, kêu xuồng ghé lại. Chỉ với một khoản tiền nhỏ, cả nhà có được bữa ăn dù đạm bạc nhưng cũng no bụng đến bữa cơm trưa.
- Xem thêm: Bánh khọt đồng bằng
Phần người bán, đến khi mặt trời lên tới đọt cây thì chèo về. Hôm nào bán hết thì có thêm được chút ít tiền trang trải trong nhà, còn nếu hôm nào ế thì người trong nhà ăn, có khi thay cả bữa cơm sáng.
Khi bán đắt, khoai trong vườn hết, người bán lại ra chợ mua khoai về để nấu bán. Dần dần, chèo ghe bán bánh dạo được xem như một nghề kiếm thêm lúc nhàn rỗi của người bình dân.
Chuyên nghiệp hơn một chút là những chiếc xuồng bán bắp. Bắp hột phơi khô được lẩy ra, nấu cho chín nhừ. Dừa khô được nạo lấy cái, đường cát xay nhuyễn, ít đậu phộng rang đâm nát. Lá gói bắp là lá chuối được rọc, phơi qua nắng.
Độc đáo hơn là người bình dân dùng lá dứa dại, rọc bỏ gai nhọn, cắt khoảng ngắn cỡ ngón tay để làm muỗng múc bắp. Cũng có người bán chịu khó còn dùng nếp làm thêm xửng xôi để bán chung.
Chất liệu khác nhau sẽ giúp cho người mua có nhiều hơn sự chọn lựa theo sở thích và vì thế… dễ bán hơn. Xuồng bán bắp cũng len lỏi khắp nơi theo dòng nước để mưu sinh.
Trở lại câu hát đố đã dẫn, thứ bánh được nhắc đến là bánh tai yến. Đây là cách chơi chữ bằng hình thức nói lái trong dân gian. Riêng hai thứ bánh cam, bánh còng cũng có mặt trên các xuồng, ghe chèo bán ở miệt đất này.
Tên gọi loài bánh dân gian này cũng khá thú vị. Bánh tròn trông giống trái cam hay vì vị ngọt và màu vàng cam tươi của nó mà dân gian có tên gọi như vậy, thật khó xác định thuyết nào hợp lý hơn!
Thế mới hay, một cái tên dân dã mà cũng thú vị biết bao. Bánh còng hình tròn nhưng rỗng ruột, nhìn giống như phương tiện bắt tội phạm của nhà chức trách vậy.
Để có được chiếc bánh cam, bánh còng người ta chọn nếp ngon, ngâm rồi xay nhuyễn, bòng khô, rồi lại nhồi với nước ấm cho sền sệt.
Để bánh dai, giòn lâu mà không mềm, dân gian còn kinh nghiệm cho ít khoai lang đã gọt vỏ vào xay chung với nếp lúc làm bột.
Bánh cam, bánh còng tuy cùng thứ bột, nhưng cách làm đến đây đã có khác nhau đôi chút. Và phân biệt dễ nhất là bánh cam có nhưn, còn bánh còng thì không nhưn.
Trẻ con miền Tây dường như không em nào không biết câu hát ghẹo: Bánh cam bánh còng hai đồng hai cái,/ Con gái chưa chồng đi bán bánh cam.
Tương tự, là những chiếc xuống bán bánh tằm. Bánh tằm ở miền Tây Nam bộ có hai loại. Loại bánh tằm mặn se từ bột gạo lấy trùng. Bánh tằm này lại có hai tiểu loại, bánh tằm ngọt được pha thêm đường vào bột trước khi lấy trùng.
Bánh tằm mặn thì ăn chung với bì (da heo), thịt heo khìa xắt nhuyễn, trộn thính. Bánh tằm ngọt thì được chan thêm nước cốt, rắc đậu phộng, mè rang; bánh tằm mặn vẫn chan nước cốt nhưng có thêm những viên xíu mại được chưng hấp khá công phu, kèm với ít rau thơm như húng quế, húng cây… và nước mắm chanh ớt. Xuồng bán bánh tằm phải chuẩn bị nhiều thứ nên thường bán trưa hơn và kéo dài đến xế.
- Xem thêm: Đa dạng bánh tằm Tây Nam bộ
Những dĩa bánh tằm ngon ngọt vừa đỡ đói, vừa đổi khẩu vị cho người miền quê. Người vui tính còn quả quyết rằng, bánh tằm con dài, dai và ngọt lịm chỉ có thể làm được khi người se là phụ nữ và se bánh trên đùi chớ không phải trên thớt.
Dân gian cứ truyền miệng nhau như vậy, thực hư cũng chả biết trúng trật đến đâu. Người bán bánh tằm đã gần tới mức chuyên nghiệp kết hợp với những bí quyết gia truyền.
Nhiều xuồng bán bánh tằm có khi truyền từ đời này qua đời khác, thậm chí có người không có ruộng đất, chỉ sinh sống bằng nghề se bánh, bán bánh…
Còn một loại bánh tằm nữa tưởng cũng cần nhắc đến, dân gian gọi là bánh tằm khoai mì. Đây là thứ bánh như tên gọi của nó được làm từ bột khoai mì.
Củ khoai mì mài ra, trộn với đường hấp chính rồi xắt thành những sợi nhỏ nhìn giống như con tằm vậy. Để bắt mắt người làm bánh cho thêm những màu sắc khác nhau: xanh, vàng, đỏ, trắng,… Dĩa bánh tằm khoai mì luôn được trộn với dừa khô có rắc ít mè, đậu phộng rang đâm nát…
Bên cạnh những xuồng bán bánh tằm là những chiếc ghe bán bánh canh. Có lẽ thứ bánh này người bán cũng tốn nhiều công sức. Bánh canh luôn ăn nóng, nên khi bán phải có hai người, người chèo và người lo nấu, múc bánh, bán bánh.
Phía trước ghe luôn là cái cà ràng, trên là xoong bánh lớn đã sôi. Bánh canh với nguyên liệu chính là bột gạo. Bánh canh được xắt sợi nấu trong nước.
Tùy theo nguyên liệu của nồi nước nấu mà người ta gọi tên: bánh canh cá lóc, bánh canh tép bạc, bánh canh giò heo, bánh canh vịt xiêm, bánh canh cua…
Dọc theo sông nước, khi gần trưa hoặc xế bóng, khi buổi cơm sáng đã qua, người ta còn nghe tiếng rao: Ai ăn bánh nắn lá hôn!
Mọc chen trong các đám lá dừa nước ngoài các loại cây thân gỗ như bần, vẹt, quao, dái ngựa… còn có những loài dây leo như cóc kèn, dây choại… đặc biệt là dây mơ rừng. Lá mơ cho mùi đặc trưng nên dân gian đặt cho nó cái tên đầy ấn tượng: lá thúi địt.
Có lẽ ngay từ những ngày đầu đến khai mở vùng đất mới, người miền quê đã biết tận dụng những thứ có sẵn để chế biến các món ăn chơi, vừa ngon miệng, vừa tăng thêm hương vị cho cuộc sống hằng ngày. Người ta chặt lá dừa nước, hái lá mơ mọc hoang đem về để làm bánh – thứ bánh đơn giản: bánh nắn lá dừa nước.
Những dây bánh màu đen óng, vừa ngon ngọt, vừa có mùi đặc trưng của lá mơ kèm với nước cốt dừa đã khiến biết bao người thích thú đến ghiền!
Dĩa bánh bình dị như tên gọi của nó nhưng những ai đã từng thưởng thức mỗi khi nhắc đến bánh nắn lá là ký ức về một miền quê nhiều cảm xúc lại ùa về trong nỗi niềm khó tả.
Đến chiều tối, nhiều người còn tranh thủ chèo xuồng, chèo ghe rao bán bánh lá dừa, bánh ú, bánh ít… Những loại bánh này thường được làm vào lúc xế trưa. Nấu chừng vài giờ là bánh chín. Đó cũng là lúc mọi người đã cơm chiều xong xuôi.
- Xem thêm: Bánh xèo Giồng Nhãn đặc sản Bạc Liêu
Xuồng bán các loại bánh này phục vụ cho những người muốn có thêm món ăn chơi, vừa khỏi xót ruột, vừa tích lũy thêm năng lượng để khuya còn ra đồng cày, cấy…
Lại cũng có xuồng bán chè bột khoai, nước dừa đường cát hay những chén chè hột ô môi ngọt lịm cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tóm lại, với tính cách phóng khoáng và sự tận dụng để thích nghi với hoàn cảnh sống, những yếu tố đó đã làm cho những chủ nhân vùng đất này hình thành nên những nét văn hóa dân gian hết sức độc đáo và thú vị.