Cu Tý đang thu xếp hành trang, chuẩn bị trao lại cây gậy tiếp sức cho cụ Sửu. Một năm cầm trịch, cọi bộ cu Tý chẳng lập nên công trạng gì. Nhiều nước trên thế giới có thói quen bình chọn “từ tiêu biểu trong năm”; nếu được chọn, tôi sẽ chọn chữ DỊCH (PEST). Tôi hoài nghi chuột chẳng những truyền bá dịch hạch, còn làm ngơ cho loài dơi gieo rắc coronavirus (!).
Trâu ơi ta bảo trâu này…
Từ tời để chỏm, chúng ta đã thuộc câu ca dao: “trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ăn no cỏ trâu cày với ta”. Chúng ta cũng không quên câu đố đồng dao: “Con gì có cái sừng cong, kéo cày rất hăng, sức không ai bằng”? Đúng vậy, sức kéo của trâu hơn hẳn bò, nhất là cầy ở ruộng nước. bò không làm thay được.
Trong Luận ngữ có câu mà sau này trở thành thành ngữ “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, ý nói, một lời nói, xe có 4 con ngựa kéo cũng không đuổi kịp. Nói lên sức ngựa kéo xe không gì bằng, nhưng sức kéo 1 cặp trâu hơn hẳn 4 con ngựa – tuy không nhanh bằng.
Ở đồng bằng Bắc bộ, nông dân có thói quen dùng xe trâu chở lúa. Trâu to khỏe, nhưng là động vật có vú duy nhất không có tuyến mồ hôi, nên phát tán nhiệt rất khó khăn; gặp trời nắng gắt, cạnh đường lại có mương, trâu ta có khi bỏ cả người cả xe, nhảy xuống tắm một cách thích thú. Trâu bơi rất giỏi, có thể thồ người qua sông. Trâu thích dầm mình trong bùn, vừa tán nhiệt, vừa chống côn trùng, nên có câu tục ngữ “lấm như trâu đầm”.
Trâu lông thưa thớt, lại không có lớp mỡ dưới da, nên cũng rất sợ rét. Mỗi năm gió mùa đông bắc đổ về, nghe dự báo thời tiết”rét đậm, rét hại’, nông dân đã vội mặc áo cho trâu, cho trâu uống nước nóng, thế mà mỗi năm vẫn có cả ngàn con chết rét. Tôi từng đi thăm trại bò sữa ở tỉnh bang Ontario Canada, mùa đông thời tiết có thể xuống -30oC, thế mà chẳng thấy ai mặc áo cho bò.
Ngạn ngữ ta có câu: “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nói lên ở xã hội nông nghiệp, con trâu không những chỉ là sức kéo, còn là tượng trưng cho tài sản. Hiểu như vậy là đúng nhưng chưa đủ, chưa thấu đạt thâm ý ông cha ta. Trong 12 địa chi, Sửu ứng với con trâu, hàm nghĩa “có duyên lành”. Câu ngạn ngữ trên có liên hệ với luật Thái ất (dự báo gió mưa, lụt lội) và luật Nhân quả (duyên và nghiệp), nên năm Sửu thường là năm mưa thuận gió hòa. Trong cuốn “hoàng lịch” để các thầy pháp tra ngày lành ngày dữ trong năm, trang bìa bao giờ cũng in hình con trâu, bất kể năm đó là năm nào. Xét theo ý nghĩa “tạo duyên” và “lập nghiệp”, ta mới hiểu được ông cha ta đã xếp “tậu trâu” (không ai nói là “mua trâu”) trên cả “lấy vợ” và “làm nhà”.
Quê ngoại tôi ở Núi Đọi, huyện Duy Xuyên, tỉnh Hà Nam, đã khôi phục lễ hội tịch điền từ năm 2009, nơi còn lưu những dấu ấn buổi đầu cày ruộng tịch điền của vua Lê Đại Hành hơn một ngàn năm trước (mùa xuân năm 987). Hàng năm mùng 7 tháng Giêng, cả làng mở cờ giong trống, do một lão nông tri điền cầm cầy, cầy 3 sào đầu tiên, tiếp theo là phó chủ tịch nước cầy tiếp 3 sào, tượng trưng cho mở màn 1 năm nông vụ, cầu cho mùa màng bội thu.
Chuyện trâu khắp nơi
Do con trâu là bạn nhà nông, nên nhiều nơi trên thế giới tôn sùng trâu. Ta từng lấy con trâu làm biểu tượng cho Seagames 2003, Philippines lấy con trâu làm “quốc thú”. Tháng 1.2008, người Philippines lai tạo thành công giống siêu trâu sữa, đặt tên là Glory, theo tên của cựu tổng thống Gloria Maccapagal Arroyo, không bị coi là “phạm thượng”. Thờ trâu như thần chỉ có bộ tộc Dinka ở Nam Sudan, Đông Bắc châu Phi, thượng nguồn sông Nil. Người Dinka là tộc người cao và đen nhất thế, cao trung bình 1,82m. Họ thà để vợ con kéo cầy chứ không dám phiền đến trâu.
“Ai đi buôn đâu bán đâu, mùng 10 tháng 8 chọi trâu thì về” (ca dao). Trâu vốn tính hiền hòa, do loài người thúc ép, nên chúng buộc phải chọi nhau để mua vui. Ở nước ngoài chỉ có đấu bò tót, chỉ Việt Nam ta mới có chọi trâu. Nổi tiếng nhất là hội chọi trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng vào ngày 10.8 âm lịch hằng năm, đã trở thành di sản quốc gia, thu hút hàng vạn du khách. Con thắng, chủ nó sẽ được thưởng theo hương ước; cả con thắng lẫn con thua, đều bị xẻ thịt bán cho du khách.
Ở Tây Nguyên, người Êde có lễ hội đâm trâu. Con trâu tội nghiệp bị cột ở cây cọc giữa sân, dân bản reo hò nhẩy múa rồi đâm cây lao vào thân trâu cho đến khi nó chết quỵ. Cảnh tượng mạn rợ và đẫm máu, không nên đề xướng.
Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên TQ, vào cuối đời Xuân thu, Lão Tử cưỡi trâu xanh, qua cửa ải Hàm Cốc, lệnh doãn Hỉ trấn ải giữ ông lại, yêu cầu ông viết sách để đời. Ông đã viết thành Đạo đức kinh 5.000 chữ. Đạo đức kinh không những trở thành pho kinh hàng đâu của Đạo giáo, con chứa đựng những triết lý cao thâm mà loài ngườichưa khám phá hết. Kinh được dịch sang nhiều thứ tiếng với lượng phát hành chỉ thua Kinh Thánh.
Lão Tử ra Hàm cốc quan, đắc đạo, quy vi Đẩu suất cung, được tôn là Thái thượng Lão quân, nhưng vẫn lững thững cưỡi trâu chứ không lên đời xế hộp (Qua hình ảnh trong truyện Tây du ký).
- Xem thêm: Khói đốt đồng thơm mùi ký ức
Quê tôi vùng đồng chiêm trũng Bắc bộ, trước đây có nửa năm ngập trong nước lũ. Khi cánh đồng ngập trắng mênh mông, trâu là phương tiện giao thông không thẻ thiếu. Người ta ví lạc đà là “thuyền trên xa mạc”, thì trâu là “thuyền trên đồng chiêm trũng”. Từng có 1 chuyện cười có thật: Một anh cán bộ xã lên huyện họp, báo “1 suất cơm, 1 suất cỏ”. Cả hội trường được phen cười: Hóa ra anh cán bộ xã cưỡi trâu lên họp! Nếu Lão Quân trên cung Đẩu suất biết chuyện, thể nào cũng vui mừng vì nghề cưỡi trâu của cụ đã có truyền nhân!
Khả năng tình dục của trâu thật là tuyệt vời, 1 con trâu đực có thể giao phối nhiều lần trong ngày; nhưng không ai quy kết trâu là loài thú dâm dật, chẳng qua là trâu cái khéo “tán tỉnh” mà thôi!
Trâu dùng trong chiến trận tôi thấy chỉ có mỗi “trận hỏa ngưu”. Năm 279TCN, vào thời Chiến quốc TQ, danh tướng nước Yên Nhạc Nghị hạ 72 thành nước Tề. Tướng Tề Điền Đan đã liên kết 2 thành còn lại dùng “hỏa ngưu trận”đanh bại quân Yên, thu hồi bờ cõi. Điền Đan đã gom 2.000 con trâu, cho mặc áo ngù sắc, sừng cột dao sắc, châm lửa vào đuôi; khi đốt lửa, trâu bị nóng đít, dẵm đạp lên quân Yên. Khi xông trận, trâu đâu có phân biệt được địch ta, về sau cũng chẳng ai áp dụng chiến thuật này, nên tôi nghi ngờ tính xác thực của nó, chỉ kể ra nhằm góp vui với bạn đọc.
Trâu rừng châu Á và trâu rừng châu Phi
Nguồn gốc trâu nhà là trâu rừng châu Á, là loài trâu lớn, có nguồn gốc bản địa Đông Nam Á. Loài này đang bị đe dọa, có tên trong sách đỏ IUCN từ năm 1986. Hiện tổng số trâu rừng châu Á vào khoảng 3.400 cá thể, trong đó 3.100 con, (91%) sống ở Ấn Độ, chủ yếu ở bang Assam.
Trâu rừng ở Việt Nam đã trở nên rất hiếm. Ngày nay có thể chúng chỉ còn ở Đắc Lắc và Đắc Nông. Do khai thác, chặt phá rừng làm nương rẫy đã và đang làm mất nơi sinh sống của chúng. Từ năm 2010, không thấy ghi chép sự xuất hiện của trâu rừng, rất có thể chúng đã tuyệt tích ở nước ta. Trên báo chí, ta thi thoảng đọc được những tin “lên rừng kiếm trâu”, thực chất là trâu nhà không nuôi nhốt được, phải định kỳ thả vào rừng, nên đã bị “hoang dại hía”.
Việt Nam gần đây nhập cảng hàng ngàn con trâu rừng từ nước Úc để giết thịt. Một nước có thêm thịt ăn và một nước giải quyết được nạn sinh sản quá nhanh của loài động vật hoang dã. Châu Úc vốn không có trâu rừng, nhìn cặp sừng, tôi thấy đây là trâu nhà bị xổng, không phải trâu rừng thực sự.
Trâu rừng vốn bản tính rất ghét hổ, nên hễ thấy mùi hổ là trâu liền giậm chân, lồng lộn lên và cuồng loạn lạ thường, nếu đánh hơi được chỗ hổ đang rình rập thì lao tới. Hổ có tập tính săn mồi đơn độc, trừ phi quá đói, hổ không dám đụng đến con trâu nặng cả tấn. Hai chú trâu rừng khỏe mạnh có thể dễ dàng hạ được một con hổ.
Tờ Industan Times từng đưa tin, mới đây tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, có một con hổ Bengal bắt được con trâu đơn độc, tưởng được một bữa no nê, ai ngờ bắt nhầm trâu rừng. Khác với trâu nhà khi gặp nạn chạy tứ tan; chỉ lát sau, hổ đã rơi vào vòng vây của cả bây 17 con trâu rừng, chúng vừa húc vừa đá, dẵm bét xác hổ mới thôi, chiến thuật “đánh không được thì chuồn” vô hiệu với loài trâu rừng, coi bộ chúng coi “chúa tể sơn lâm” chẳng có kí lô nào!
Trâu rừng sống thành đàn, một con trâu đực khỏe mạnh có khoảng 10 “thê thiếp” và 2-3 con trâu non đóng vai “thái giám”, hỗ trợ nuôi nấng trâu con. Khi trâu đực già yếu, không còn cáng đáng nổi nhiệm vụ truyền giống, trong các “trợ thủ” sẽ qua cơn đấu loại ác liệt, chọn ra con cường tráng nhất kế thừa “ngôi vua”.
Trâu rừng châu Phi là một loài lớn thuộc họ Trâu-bò ở châu Phi. Loài trâu này không có họ hàng với trâu hoang dã châu Á, sinh sống ở nam và đông châu Phi, không thuộc diện động vật cần bảo vệ. Sừng trâu trưởng thành là đặc điểm nhận diện của loài: cặp sừng hợp nhất tại bệ góc, tạo thành một lá chắn xương liên tiếp được gọi là một “cái bướu”. Trâu châu Phi được xem là một loài động vật rất dữ tợn và hung hăng, có thể chạy với vận tốc từ 50-60km/giờ. Chúng đã húc và giết chết hơn 200 người mỗi năm.
Voi là động vật quần cư, trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Zimbabwe, miền nam châu Phi, có con voi cái Nzou suốt ngày lăn lộn trong đám trâu rừng và trở tành “thủ lãnh” của chúng. Nzou năm nay đã 46 tuổi, cha mẹ “bé bự” đã bị kẻ săn trộm sát hại. Khu bảo tồn đã ghép Nzou với 1 con voi đực sống chung với đàn trâu rừng. Sau đó, “chồng” Nzou đã chết. Cô nàng đã không nghĩ đến chuyện gia thất mà sống chung với bầy trâu.
Nzou đã “quên” tập tính của voi, sống cuộc sống y chang trâu rừng. Không những thế, Nzou còn trở thành “bảo mẫu” của đàn trâu, chăm sóc và bảo vệ trâu co; thậm chí, 2 bên còn có thế dùng tiến kêu để giao lưu với nhau.
Châu Phi còn có những góc khuất đầy hoang dã, từng giờ từng phút chúng ta có thể bắt gặp những cuộc chiến ngoạn mục. Công viên quốc gia Kruger là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Nam Phi, trong Công viên tưng diễn ra cuộc chiến giữa sư tử và trâu rừng, khiến nhiều xe hơi phải dừng lại thưởng lãm cuộc chiến.
Khác với hổ là “độc hành đại đạo”, sư tử thường săn mồi tập thể, hay tấn công những con trâu non và trâu già bị lạc đàn. Lần nay có 2 con sư tử có lẽ đói quýnh, nên đã mạo hiểm tấn công con trâu mộng, được ăn cả, ngã về không. Chúng nhân lúc trâu đang cúi đầu uống nước, 1 con vồ lấy đầu trâu, con khác cắn lấy mông trâu. Trâu cuồn nộ, lập tức húc con thứ nhất, văng ra xa và chết tươi; còn con thứ 2 mặc cho trâu luống cuống quay vòng tại chỗ, nhưng không sao quăng ra được. Con này mặc cho trâu kéo lê, có lẽ chờ cho trâu kiệt sức mới thôi.
Đang lúc giằng co, điều bất ngờ đã xẩy ra. Trâu đã phát hiện gần đó có những người dừng xe xem cảnh náo nhiêt, nên đã tìm ra cách đối phó hữu hiệu. Trâu đã nín đau lôi sình sịch con sư tử đến chỗ đậu xe, va mạnh mông mình vào bánh xe hơi. Không những du khách bị bất ngờ, sư tử cũng sợ té đái, đành phải bỏ con mồi.
Trâu thịt, trâu sữa và… ngưu hoàng
Nhân dân ta từ sưa đã có thói quen ăn thị trâu như thịt bò. Về góc độ dinh dưỡng, cả thịt bò hay thịt trâu đều có giá trị dinh dưỡng như nhau. Tuy nhiên, về mặt sức khoẻ thịt trâu lại tốt hơn thịt bò vì thịt trâu còn có ưu điểm ít mỡ hơn. Trong thịt trâu chỉ có 1,6- 5,6% mỡ so với thịt bò là 10-22%. Lượng sắt có trong thịt trâu lại hơn hẳn thịt bò. Về hàm lượng protein thì thịt trâu và thịt bò hàm lượng như nhau, nhưng thịt trâu cholestrerol thấp hơn.
Người ta thường nói, “dai như thịt trâu”, chứng tỏ quan niệm xưa nay cho rằng thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Thực ra trước đây chúng ta toàn ăn phải trâu phế can. Tôi từng mua thịt trâu Singh Án Độ ở cửa Vissan, ăn ngon chẳng kém gì thịt bò; miền Bắc thời bao cấp, ở các cửa hàng mậu dịch từng treo biển bán “phở trâu”, cũng đông người xếp hàng. Ngày nay, ở Hà Nội vẫn con thấy bán phở trâu.
Hai mươi năm trước, nền nông nghiệp lúa nước với sức kéo cày trên đồng ruộng chủ yếu là trâu, bò. Nay nông nghiệp phát triển, nông dân có tiền mua sắm máy cày kéo thay trâu, rồi đồng cỏ chăn thả mênh mông ở nông thôn nay được trồng luá, trồng bắp thì lấy đâu có chỗ cho trâu bò gặm cỏ. Với nhiều người dân ở nông thôn, bây giờ nuôi trâu, lấy sức kéo là phụ, mà nuôi bán thịt là chính, ngược lại hoàn toàn với trước kia. Nuôi thịt thì nuôi bò thích hợp hơn, vì bò có thể nuội nhốt, nuôi công nghiệp, còn nuôi trâu phải chăn thả.
Tôi đi du lịch miền Tây, thường tìm đến món “trâu nấu mẻ”. Mới đây, tôi đi ăn với người bạn ở Đồng Tháp thì được nhắc nhở: “Lấy đâu ra trâu, toàn thịt bò không à”! Bạn kể rằng tỉnh Đồng Tháp trước đây có cả chục ngàn con trâu, bây giờ chỉ còn khoảng 50 con. Tôi e rằng rồi một ngày nào đó, trẻ em, học sinh Việt Nam chỉ còn biết con trâu trên hình vẽ sách giáo khoa!
Truyện Thủy Hử kể rằng khi Võ Tòng qua đồi Cảnh Dương, đã vô tư kêu rượu và vài cân thịt trâu, gây cho ta ấn tượng thịt trâu là món ăn phổ thông. Sự thật là TQ vào thời điểm đó, thịt trâu không những mắc, mà còn rất khan hiếm, có tiền cũng chưa chắc mua được.
Vào thời nhà Tống TQ, trâu dược coi là sức kéo chính được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Người giết trâu cầy, sẽ bị đánh 20 trượng, phạt khổ sai 1 năm. Khi trâu già hoặc bị thương, không kéo nổi cầy, cũng phải chờ chúng chết tự nhiên. Qui định nào cũng có kẽ hở, người ta sẽ tìm cách vụng trộm ăn cho biết mùi, nhưng tuyệt nhiên không thể “gọi là có ngay” như trong truyện Thủy Hử.
Triều đinh Huế khi cúng trời đất (xã tắc) phải dùng lễ “tam sinh”, còn gọi là “thái lao”, gồm trâu, lợn, dê, là long trọng nhất; nếu bớt đi món trâu, gọi là “thiếu Lao”, dùng trong cúng gia tiên. Ngày nay, khi người mới chết làm lễ mở cửa mả cũng phải cúng “tam sinh”, nhưng đã đơn giản hóa chỉ còn quả trứng, con tôm và miếng thịt luộc.
Sữa bò, sữa dê có lẽ đã quá bình thường, nhưng trong thế giới sữa có một loại được gọi là “sữa quý tộc” – sữa trâu.
Người Ấn Độ theo đạo Hindu, không ăn thịt bò, uống sữa bò, nên họ buộc ăn thịt trâu và uống sữa trâu. Trâu sữa Murrah Ấn Độ nổi tiếng nhất nhất thế giới. Trâu Murrah có sừng xoắn khác với trâu thường có sừng vòng cung. Mỗi năm một con có thể cho đến 3.000 lít sữa. Mỗi năm Ấn độ sản xuất 30 triệu tấn sữa trâu, phần còn lại của thế giới chỉ bằng một nửa số lượng ấy.
Điều đặc biệt là giá trị dinh dưỡng của loại sữa này cao gấp đôi sữa thông thường, vitamin, canxi, sắt, kẽm cũng nhiều hơn hẳn. Hiện nay, ở Trung Quốc có 5 tỉnh nuôi loài trâu này, trong đó nổi tiếng nhất là trâu ở Quảng Tây. Sữa trâu được bày bán trong những hộp giấy ghi rõ sữa trâu nguyên chất 100%, không có chất phụ gia, rất tốt cho sức khỏe.
Ở châu Âu, trâu được nuôi nhiều ở Ý, Romania và Bulgaria, dùng để lấy thịt và sữa. Ở Ý, sữa trâu được làm pho-mai mozzarella trâu nổi tiếng.
Sau ngày thống nhất đất nước, Chính phủ Ấn Độ đã tặng cho Việt Nam một món quà quý giá, đó là 502 con trâu Murrah. Nước bạn nghĩ đơn giản là Việt Nam với khí hậu ấm áp, cũng có thể phát triển đàn trâu sữa giống như họ, nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn. Ngày đó, nền kinh tế nước ta vô cùng bi đát, đến bo bo cũng chưa có để ăn thì mơ gì tới chuyện uống sữa. Đàn trâu Murrah nuôi ở nông trường Sông Bé (Bình Dương), được nhà nước trọ cấp, qua gần 10 năm phát triển đã tăng số lượng lên cả ngàn con. Nhưng khi “bầu sữa” trợ cấp không còn. sữa sản xuất ra chẳng có ai mua. Nhà máy sữa ở Thủ Đức không có công nghệ chế biến, bảo quản sữa trâu tươi mà chủ yếu pha chế sữa nước hoàn nguyên (dùng sữa bột pha ngược trở lại thành sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ). Nuôi càng nhiều càng lỗ, thế nên đàn trâu sữa tiêu tan dần. Bây giờ, đàn trâu Murrah của nông trường Sông Bé vang bóng một thời chỉ còn vỏn vẹn 40 con trâu cái, bị thoái hóa do giao phối cận huyết.
Ai cũng biết, da trâu có thể thuộc lên làm giầy da, túi xách… Từ đó tục ngữ có câu “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Thế nhưng trâu chết cũng để “tiếng”, nhưng đó là tiếng trống. Da trâu làm trống phải thuộc rất công phu, nhưng chỉ có da trâu cái chưa sanh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu vang.
Da trâu nấu thành cao gọi là a giao, dùng để hòa với vôi quét tường tạo chất kết dính. Đông y còn dùng a giao như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Sừng trâu có thể dung làm tù và.
- Xem thêm: Điển lễ cày ruộng Tịch điền
Ngưu hoàng là vị thuốc hiếm thỉnh thoảng mới có thấy trong mật trâu bò. Ngưu hoàng là sạn (sỏi) trong túi mật của con trâu bò. Kích thước có khi to bằng quả trứng gà, bé thì bằng hạt sạn, sắc vàng, đắng, thơm, xốp nhẹ, không nứt vỡ, không đen sẫm là tốt. Chú ý lúc mổ trâu, bò, nếu phát hiện có ngưu hoàng. Phải lấy ra liên, rửa sạch mật, hong nơi mát và không được có gió thổi, không phơi nắng hay sấy lửa vì có thể làm cho ngưu hoàng nứt vỡ đổi màu, dẫn đén kém phẩm chất. Cần gói kín ngưu hòng trong lọ màu dưới đáy có gạo rang hoặc vôi cục để chống ẩm.
Ngưu hoàng có tác dụng đối kháng với thuốc hưng phấn trung khu thần kinh do có chứa taurine, một loại acid amin không thay thế. Thuốc có thể phòng cơn co giật gây bởi camphor hay cafein nhưng không có tác dụng phòng co giật gây nên do strychnine. Thuốc làm tăng tác dụng của chloral hydrate và barbiturate. Trong 4.500 loại thành dược đông y có 650 loài chứa ngưu hoàng. Từ ngưu hoàng có thể bào chế thành An cung ngưu hoàng hoàn. Tôi từng bị đột quỵ, mất tiếng nói, Tây y có thể cứu mạng sống, nhưng không khôi phục được tiếng nói do bị liệt giây thanh. Tôi đã uống An cung ngưu hoàng hoàn, do đó, tiếng nói đã được khôi phục độ 90%.
Tỷ lệ trâu bò cho ngưu hoàng cục thấp, ở Nhật chỉ có 0,21%, ở TQ 0,68%, nên sản lượng cực thấp và rất mắc. Người tá đã nghĩ ra cách sản xuất ngưu hoàng nhân tạo bán ở thị trường quốc tế. Từ những năm 50TK trước, người ta đã dùng mật bò hay mật heo gia công tổng hợp theo thành phần của nưu hoàng, nhưng hiệu quả không thể bằng ngưu hoàng thiên nhiên
Những năm gần đây, người ta dùng phương pháp nuôi cấy ngưu hoàng thiên nhiên ở những con trâu sống bằng cách cho cấy nhân vàng (ngưu hoàng thiên nhiên tán nhỏ) vào túi mật rồi bơm trực khuẩn đại tràng (E.Coli) không gây bệnh vào làm cho thành phần của mật bám vào nhân vàng hình thành sạn mật nên gọi là ngưu hoàng thiên nhiên nhân tạo, tác dụng không kém gì ngưu hoàng thiên nhiên.
Trâu ăn thức ăn thô cứng, đòi hỏi với người thật là ít ỏi, nhưng kéo xe, kéo cầy, cho thịt, cho sữa… Những nơi nào có con trâu, nơi đó có màu xanh, nơi đó có lương thực; những nơi cằn cỗi sẽ trở thành mau mõ. Hãy đối xử tốt với người bạn hiền hậu và trung thành của chúng ta!