Có câu chuyện về một cậu bé tám tuổi vốn hay sợ ma. Tất nhiên, cậu chẳng biết ma là gì. Và lỗi này có thể hoàn toàn từ người lớn vẽ đặt ra khiến cậu phải sợ. Một buổi tối, cậu khát nước phải xuống lầu uống nước. Không muốn đánh thức mẹ dậy vì ngày mai mẹ đi làm sớm, cậu bèn nghĩ kế khống chế nỗi sợ.
Thấy gấu bông trên bàn học, cậu lấy sợi dây nịt cột gấu bông sau lưng (cậu và gấu bông áp lưng vào nhau). Vậy là cậu an tâm vì đã có con mắt sau lưng “canh con ma” cho cậu đi uống nước. Một liệu pháp tinh thần rất hiệu quả!
Người lớn nghe chuyện mới nói, giá ai cũng có mắt sau lưng thì làm gì có chuyện hơn thua, tranh giành, thất bát. Làm đâu trúng đó, đời đẹp như mơ! Nhiều người làm ăn kinh nghiệm rút ra rằng cái gì cũng chỉ có một thời.
Thời nay khác thời trước là chuyện bình thường, tất yếu, quy luật của sự phát triển. Nhìn lại, có những nghề nghiệp tưởng mới đây thôi mà giờ đã cáo chung, đến nỗi thế hệ sau không thể biết hay hình dung đã có một thời, ngành nghề ấy phồn vinh đến vậy!
- Xem thêm: Thử hết đi mới nói chuyện!
Như gia đình kia có một thời làm ăn rất khấm khá với nghề làm vôi. Mua đất, xây nhà, sắm xe… đều từ đó hết. Vậy mà chỉ có cậu con lớn là biết được nghề làm vôi của cha mẹ, em kế cậu sinh sau đó bảy năm đã hoàn toàn không biết vôi để làm gì!
Một thời các cửa hàng cho thuê băng đĩa làm rất được. Vậy mà từ từ đi vào cáo chung lặng lẽ không để lại vết tích! Hay nghề sửa chữa điện tử chẳng hạn. Người ta từng cho đó là một nghề nhẹ nhàng và “dễ kiếm tiền”. Cũng như vậy là nghề may. Giờ đây tuy vẫn còn sống được nhưng nhớ về một thời hoàng kim thì ai cũng phải chạnh lòng.
Quần áo may sẵn, may công nghiệp bán đầy ra đó, vừa rẻ lại tiện dụng, ít ai bỏ thời gian đi mua vải, đo may rồi lại hồi hộp không biết “có hợp với dáng em” hay không. Không ít người thú nhận rằng, có những bộ trang phục may về chưa mặc lần nào vì không ưng ý là chuyện bình thường.
Nghe vậy nhiều người tặc lưỡi, đâu chi xa xôi, chục năm trước nghề nào phất nhanh cho bằng địa ốc. Đi đâu cũng nghe chuyện nhà đất. Hầu như ai có tiền đầu tư vào đó đều trúng đậm.
Vậy mà, giờ đây, nói đến nhà đầu tư địa ốc người ta lại nghĩ ngay đến cái chết lâm sàng. Còn kéo theo bao ngành nghề khác đi xuống như: kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… một thời phồn vinh, tiền vung tay không tiếc, bia rượu chảy tràn, hợp đồng ký tá lả.
Hệ quả của việc biến động ngành nghề đã khiến phụ huynh và học sinh như bị lạc vào mê hồn trận, chọn ngành gì đây để có đầu ra? Hai mươi năm trước, ngành kỹ thuật tuy không hàng đầu nhưng cũng oai. Dân học hành có “số má” cứ là “vỗ ngực xưng tên” phải vào bách khoa, thi kinh tế thấy “yêu yếu” thế nào.
Vậy mà, năm năm sau, lớp đồng niên đó vào đời, kỹ thuật phải nhường cho kinh tế làm mưa gió, mặc cảm nhìn anh kinh tế quay vòng đồng vốn đến chóng mặt. Thịnh vượng khoảng hơn 15 năm, giờ nghe đến học kinh tế ai cũng lắc đầu, hết ăn được rồi. Tương tự, ngành ngân hàng cũng thế. Nhiều cha mẹ giờ đây rầu rĩ nhìn đứa con tốt nghiệp ngân hàng loại giỏi lại nay chỗ này mai chỗ khác, không ổn định.
Từ đó, người ta mới đúc kết, có làm ăn kiểu gì, sức khỏe vẫn là trên hết, cho nên câu “nhất y, nhì dược” từ đời nào vẫn khẳng định đẳng cấp, chất lượng không thay đổi. Có mắt sau lưng là thế, biết nhìn (và nghiệm ra), không chạy theo số đông để nguồn nhân lực/lao động/sản xuất/kinh doanh… bị thừa!
- Xem thêm: Xuất phát điểm
Có con mắt sau lưng tương đồng với “đời ai học được chữ ngờ”. Cuộc đời là bài toán đầy ẩn số. Giải xong được đáp số coi như hết đời. Đôi khi hết đời còn chưa giải ra đáp số…
Thôi thì, chấp nhận, biết đủ là đủ, lạc quan nhìn cái ít xấu nhất để mà tồn tại. Việc gì cũng có lối thoát, dù bước đường cùng. Bởi cuộc sống vốn là như thế, các cụ dặn rồi, có than thở cũng không ai cho đồng nào, chẳng ai có con mắt sau lưng để đoán trước được điều gì, đôi khi đời đẹp và đáng sống còn bởi nó ẩn chứa nhiều thử thách!