Hoang xoay mình qua bên này nói chuyện, xoay mình qua bên kia nhìn lên tầng trên, nhắc con bé rửa chén. Nó từ trên gác đi xuống. Cái gác gần như dựng đứng, chưa đi đã nghe tiếng bước chân. Từng bước nhịp cầu thang, bước chân em gái xuống dần dần, từ từ làm Hoang thấy nhớ cảnh lũ bạn cùng nhau chạy ào trên bãi đất vắng, chạy qua sông qua suối, chạy trên những con đường mòn ven núi.
Đôi chân tung hoành đá đạp đủ thứ. Hoang khao khát cảnh nhà ở quê, khao khát khung cảnh đêm trăng. Cứ ngó đầu bên này nhìn là bụi tre, bờ cỏ, là cây mít, cây xoài, ngó đầu bên kia là hàng rào, là lá mơ, lá lốt, xa hơn nữa là rặng dừa nhà hàng xóm, rộng hơn là đồng ruộng, núi non. Những màu xanh mượt dắt díu nhau, nối bước nhau, phiêu lãng theo cánh cò, cứ thế, cứ thế cho đến khi mỏi mắt thì dừng lại. Những cảnh buổi chiều và sáng là đặc sắc nhất, nó chèo kéo con người ta vào trong một giấc mơ xa lạ, hấp dẫn, tràn đầy.
Hoang ngồi với những chấm xanh tím. Bệnh thủy đậu như cắn rứt thân thể Hoang. Nỗi đau đớn âm thầm rồi nhói lên, nhói lên. Đụng chỗ này cào nhẹ lại sợ chỗ khác. Những vết nhức, những cái mụn nước nhỏ cứ chen nhau chật chội trên mảnh da nhỏ của Hoang. Anh ngồi và cố hít thở thật sâu.
Cơn đau dịu đi. Gía như bây giờ có thể được chạy trên vùng đất quê, vẫy vùng cho đã. Còn bây giờ nếu vung tay lên, vết nhức sẽ trì kéo anh lại, ngày một đau hơn. Nếu mặc áo thì cứa trúng. Mọi thứ thật bất tiện. Hoang ở nhà cho lành. Làn da của Hoang, nhiều khi nghĩ, đó không phải là của mình. Hoang cựa bên phải nhìn, cựa qua bên trái ngóng, mong sao cho hết bệnh.
- Xem thêm: Con tàu không sân ga
Em Hoang đang rửa chén và một vị khách đang ngồi ở trước cửa chờ. Gọi là cửa vì nó có cái cửa, chứ không hẳn là cửa tách biệt với sân nhà và cổng lại là một chuyện khác. Cổng, cửa, là một khái niệm nhập nhằng, vì không đủ chỗ để có thể phân biệt được tên gọi của nó.
Cách hai bước chân là cái cổng nhà sẽ đụng vào cánh cửa nhà. Bên trong có một bộ đồ nghề của em gái Hoang, nó cắt tóc, gội đầu, trang điểm và bộ đồ nghề từ bà dì để lại cũng chẳng mới mẻ gì. Trong nữa là nhà vệ sinh và cũng là chỗ dọn rửa, nấu nướng. Về cơn bản, căn nhà có hai phòng dưới mặt đất. Bên trên cầu thang là một phòng ngủ rộng mà được chia làm hai phần bằng một chiếc rèm ý tứ.
Hoang nghĩ cũng có thể sống được, vì tấc đất tấc vàng. Hoang mang cái lưng trần leo lên cầu thang. Cầu thang này cũng chỉ một người đi. Em Hoang đã xuống và Hoang leo lên. Tất cả những giấu kín trong đời sống của anh em Hoang đều ở trên gác nhỏ. Như thường lệ, anh nhìn xuống lòng đường. Lòng đường bằng xi măng, có những vết lở lớn nhỏ, chỗ thì chắp vá, chỗ thì lành lặn, và nước đọng từ đêm mưa hôm trước.
***
Nằm ở vị trí cao, bên mép núi và đường đi lên vòng vèo thấy sợ, căn nhà này của một bà dì ngày xưa ở một mình, xây cất đơn giản, lúc ấy xung quanh chỉ có những khoảng đất trống, lác đác những cây trái mọc. Bà dì của Hoang đã ở nơi đó rồi sau này chuyển nơi sinh sống, căn nhà được cho thuê. Anh em Hoang là cháu họ hàng xa, ở vùng quê vào trọ, thỉnh thoảng có lên thăm.
Đường dốc núi, lắt léo, đường gần như một chiều, chỉ một xe lên và một xe xuống, nếu có hai xe đối nhau thì bên phanh gấp, bên bóp còi, cũng sẽ có một xe trượt chân mà té. Lúc đó, em gái Hoang mới tập mang giày cao gót, cứ bấu vào vai áo Hoang vì con đường vốn dã dốc, lại có vẻ như dễ khiến người ta trợt xuống, hai bên mép đường rêu phủ nhẹ, nước ở các nhà cứ ngấm ngấm đâu đó rồi chảy xuống. Hoang và em gái để xe dưới dốc rồi đi bộ lên.
– Nhát!
Bà dì đứng nhìn hai đứa bước lên.
– Nếu có nhà ở đây, hai đứa tính sao, cứ teo héo vậy à? Dắt nhau lên vậy à? Sức trẻ gì yếu vậy!
Hoang không quan tâm đến lời bà dì, chỉ mãi nhìn lên bầu trời và cái thành phố nhỏ gọn ở phía dưới chân mình kia. Càng lên cao, mọi thứ càng khác. Càng lên cao, cao nữa, Hoang vừa có cảm giác hụt hơi, vừa có cảm giác thoải mái như hít thở chốn quê nhà nhiều ruộng đồng. Khi dì đi Sài Gòn, Hoang thay dì lên quản lý. Phòng trọ nhỏ thế, cheo leo thế mà vẫn có người thuê, leo tận lên đây, là con gái.
Hoang thấy ngạc nhiên là bởi ở quê mình đất vườn thênh thang, chẳng ai tranh giành ai, mặt đất, đồng bằng hẳn hoi, xe máy chạy vào tận nhà, muốn dựng xe ở đâu thì dựng. Vậy mà ở đây người ta lại chen chúc sống, chen chúc xây cất có khi lên đến tận rìa núi. Vài năm sau, em Hoang vào hẳn để học nghề, thế là hai anh em ở chung, nhà này không cho thuê nữa.
Hoang và em gái ở đấy và thấu mọi cảnh, mọi lẽ của việc sống trong một căn nhà chật. Chiếc xe luôn ở bên ngoài cửa, đến đêm nó mới xuất hiện. Đây giống như đánh cược với số phận hoặc cũng có khi anh em Hoang đã quen với những việc như thế.
Xe ở góc đường, nép dưới một vỉa hè nào đó, xe ở cách nhà khoảng vài căn nhà khác và xe cũng chẳng sợ mất cắp! Trường hợp xe của Hoang đã cũ, biển số nứt, đầu xe hư, chân chống xe gỉ theo năm tháng. Nếu là xe mới à, sẽ khác ngay, Hoang đã từng thấy một người muốn giấu xe mới của mình trong nhà mà gọi là xe mượn, để cẩn thận ở một góc nhà, gạt chân chống cao lên, dù căn nhà ấy cũng chỉ có mười lăm mét vuông.
Cũng vì chuyện để xe nhờ ngoài hẻm mà Hoang cũng mất nhiều lần cãi cọ với nhà hàng xóm. Đôi khi xe bị lấy mất mũ bảo hiểm hoặc ai đó đã bỏ gì bẩn ở lại xe. Hoang thấy phiền lòng nhưng nhà cửa không đủ chỗ, khách của con em lại cần chỗ để ngồi. Đành vậy. Hoang tránh mặt, lên gác, sẵn tiện ra lan can ngó xuống cái xe máy, nghĩ nó không có một thân phận gì, như người vô gia cư, đến đêm mới có chỗ để vào. Lúc ấy, đồ đạc của em gái Hoang phải được cất gọn một bên, xếp chồng lên nhau.
***
Hoang cứ nghĩ mãi về những chiếc xe. Những chiếc xe để nép ngoài phố như thân phận sống nhờ vào khoảng dư vỉa hè. Chiếc xe bị ướt, bị nhòm ngó, bị leo lên dù không phải là của mình. Vậy mà đôi khi Hoang vẫn leo lên một chiếc xe lạ của ai đó để nép trước cửa nhà mình để nhìn cô gái bán cơm nhà hàng xóm.
Hoang thích Vy, cô gái thường dọn hàng từ rất sớm. Hoang hay ra dắt xe dùm cho quán cơm hẻm nhỏ bên rìa núi của Vy. Thỉnh thoảng, anh vẫn qua chạy bàn giúp, tiện ăn luôn bữa trưa để ngắm Vy trong không gian hẹp của bốn tủ đồ ăn mới nấu, thơm rực làm sôi dạ dày của Hoang.
Cảnh Vy xoay bên này lấy cơm, bên kia hỏi khách và mau lẹ đứng tính tiền làm Hoang xót ruột. Biết chừng nào mới có khoảng rảnh để hai người mới có thể gặp nhau. Ánh nhìn Hoang len qua người đàn bà trùm kín đầu chồm ngay tủ kính chỉ món ăn; ngang qua người đàn ông đứng đội mũ bảo hiểm, ngang qua tất cả, bịch đồ ăn. Hết tốp này đến tốp khác.
Và nếu không có khách, Vy cũng sẽ đâu đó lúi húi dưới bếp, chứ đâu có sẵn đứng đó để cười với Hoang như lần đầu tiên Hoang đang ngồi trên xe. Cái góc nhìn xeo xéo ấy làm Hoang rất ghét. Bây giờ, góc nhìn ấy lại làm Hoang thích thú. Nhiều khi trí óc bay xa, anh mường tượng, Vy và mình có một căn nhà, nhỏ thôi cũng được, chồng giữ xe, vợ buôn bán.
…
Anh ngồi thu lu. Căn bếp nhỏ nhưng bằng một ngôi nhà ở phố. Hoang không biết có nên nói cho Vy biết tình cảm của mình không, mà trong cái hẻm ấy cuộc sống của anh và Vy sẽ ra sao, rồi hai người sẽ lại sống trong hẻm, sẽ lại chèo kéo từng mét vuông đất để đứng, để rửa chén và để tồn tại, liệu mọi thứ có còn được thơ mộng “một túp lều tranh…”.
Hay là về quê, đất đai thênh thang, liệu Vy có chấp nhận để theo Hoang không. Lòng anh chùng xuống. Em gái Hoang sau khi học nghề trang điểm xong thì về quê, nó thích sống gần mẹ. Đợt này, hai anh em cùng về sớm, vừa sửa sang lại nhà cửa, vừa bàn tính chuyện mở tiệm.
- Xem thêm: Nắng phù sa
Hoang đi loanh quanh lần hồi quanh xóm, đi từ khi chiều đến sập tối, một chặp thì lại quen chân đến đường mòn vào núi. Hoang lại nhìn lên trời và nhớ về căn nhà nhỏ bên rìa núi, chẳng phải anh em Hoang vừa trải qua một cơn bão đấy sao, hai con người trong một căn nhà nhỏ, nghe tiếng mưa gầm rú ngoài trời, nghe tiếng gió luồn qua mái tôn, lúc ấy, nhớ mẹ ở quê xa một mình, ai cần đâu nhà rộng lớn thế nào, sang trọng ra sao.
Anh đã quyết định một việc trọng đại, anh sẽ thổ lộ với Vy, rồi sau này hai người sống cùng nhau ở đâu cũng được. Cuộc sống là như thế, là hạnh phúc và ấm cúng cùng nhau, bên nhau, dẫu ở nơi chật hẹp đến thế nào!