Chị định giải thích với con, rồi lại thôi. Con còn trẻ quá, không hiểu ở tuổi bên kia bờ dốc người ta hay ám ảnh sự biến mất…
Nấn níu phế tích
Nước Pháp có nhiều chuyện rất dở, nhưng có một thông lệ văn hóa hay chị vô cùng ngưỡng vọng, đó là biến cải công năng di tích, không hất hủi cái cũ mà dự án In Situ – cuộc chơi nghệ thuật ngắn ngủi – khiến bàn dân xôn xao suốt xuân-hè năm nay là ví dụ.
Được xây lên vào giữa thế kỷ XIX để bảo vệ thủ đô ở hướng Bắc, Fort de Aubervilliers là đồn lũy lớn ở ngoại ô Paris. Sau chiến tranh thứ nhất, đồn đón nhận trung tâm thí nghiệm chất phóng xạ của con gái Marie Curie, Irène Curie và chồng Frédéric Joliot (đồng giải thưởng Nobel hóa học). Về sau, đồn nhận thêm trại hiến binh cơ động bên trong, ngoại vi được sử dụng chất xác ôtô hỏng và giam giữ các ôtô vi phạm luật. Ngoài ra còn có không gian văn hóa cho xưởng điêu khắc, gánh xiếc, lễ hội punk rock, break dance, hip-hop… Nói chung, một quy hoạch tình thế khá hỗn độn để sử dụng mặt bằng.
Năm 2012, sau trưng cầu ý dân, chính quyền thị xã Aubervilliers đưa ra dự án cải tạo toàn bộ đồn lũy thành đô thị sinh thái sử dụng năng lượng tái tạo. Theo kế hoạch, đô thị mới sẽ bảo tồn phần lớn các công sự, diện tích cây xanh, giữ diện tích cho hoạt động văn hóa, sáng tạo. Trong thời gian chờ đợi khởi công mùa thu 2014, thị xã chấp thuận một sáng kiến văn hóa địa phương táo bạo và năng động: Trao không gian hoang phế cho các họa sĩ đường phố làm nên những tác phẩm nghệ thuật, cho dù sống thoáng chốc từ mùa xuân đến hết mùa hè. Đó là lý do chị có mặt nơi này…
In Situ Art FestivalởFort Aubervilliers là sự kiện nghệ thuật đường phố (Street Art) nổi bật nhất châu Âu năm 2014. Là tên gọi của một mạng lưới châu Âu về sáng tác nghệ thuật trong không gian công cộng, In Situ ưa chuộng những không gian đang cải tạo hay chờ cải dụng như những khu đất hoang, những khu nhà bỏ trống hay đang phá vỡ, những công trường xây cất…
Tại Fort Aubervilliers, với diện tích 2 hécta, 50 nghệ sĩ đường phố đã sáng tạo tại chỗ 60 tác phẩm trên tất cả những mặt nền có thể: tường công sự, vách kho, rào gỗ, cột đèn, xác xe và cả… mặt đất. Trong các nghệ sĩ có những tên tuổi quốc tế như Jef Aerosol, David Walker, Jana&JS, Sixo Santos – tác giả những bức tranh khổng lồ hàng chục mét vuông trên các tường công sự. Độc đáo nhất phải kể bức tranh 1.200m2 của Jorge Rodriguez Gerada trên nền xi măng một bãi đậu xe, mà nếu không nhờảnh chụp của ban tổ chức, ta chỉ có thể nhận ra từ độ cao 150m! Như trước nay, Gerada luôn chọn vẽ chân dung những “anh hùng vô danh”, mà lần này là một phụ nữ sống trong khu phố từ những năm 1970, hoạt động xã hội thiện nguyện. Không chỉ nghệ sĩ, In Situ Art Festival cũng dành hàng trăm thước đất cho công chúng yêu thích sáng tạo.
Những chiếc xe đời
Hai giờ lang thang 2 hécta, không hiểu sao chị cứ thấy ngậm ngùi man mác. Có thể vì không gian quá lớn nên con người bỗng trở nên nhỏ bé? Hay bởi tính phù du tận cùng của nghệ thuật, của những tác phẩm mà chỉ nay mai thôi sẽ tiêu tán không để lại dấu vết? Làm sao không ngậm ngùi khi trước bạn là “ngôi nhà” bốn phòng, được giới định bởi những viên đá trắng xếp lơ hơ và đôi ba vật thể sinh hoạt tượng trưng của con người; trong đó “chiếc giường” xếp theo kích thước thật có thể khiến ta liên tưởng đến… ngôi mộ! Chị nhìn mãi đôi gối tím trên “chiếc giường” đá trắng, se thắt một mái ấm tan hoang.
Chị đến giờ muộn nên còn ít khách. Hai gia đình trẻ đông con ríu rít khá lâu ở bãi xác xe rực rỡ, rồi ra về; chỉ còn lại ba kẻ nhà chị trong nắng chiều rơi rớt. Vắng lặng ghê gớm nhưng sao chị cứ lơ mơ tiếng người? Chị đứng lại, tĩnh tâm. Đúng rồi, tiếng râm ran tâm tư của những chiếc xe cũ nát. Rằng sau dặm trường thiên lý đã băng qua, chúng đang hiến mình cho cuộc tươi đẹp sau cuối trước khi vĩnh viễn chia tay thế giới này…
Con gái hỏi sao mẹ chụp xe hơi hoài vậy, trong lúc con – vị nghệ thuật – hồn nhiên, chỉ thích chụp những bức tranh nghệ thuật công phu. Chị toan giải thích với con cảm xúc đang có, nhưng lại thôi. Con quá trẻ, không hiểu ở tuổi bên kia dốc người ta hay nghĩ tới sự biến mất, và loay hoay không biết nên biến mất kiểu gì. Thì đây, cái khuôn viên hoang phế bao la cùng cận cảnh những chiếc xe rệu nát đang vét sức đem lại niềm vui cho nhân thế, phải chăng cũng là một kiểu? Câu trả lời chưa hẳn, nhưng hình ảnh những chiếc xe-hơi-tận-hiến sẽ còn theo chị rất lâu, có khi theo mãi, như một xao xuyến tự thoại.
Paris (10-2014)
- Bài và ảnh Việt Linh