Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, dân gian ta lại có truyền thống treo tranh để cho vui cửa vui nhà, đồng thời mang đến một năm mới tràn đầy tình yêu, hạnh phúc, tuổi thọ, tài lộc, phú quý… Do mỗi bức tranh Tết đều chứa đựng rất nhiều màu sắc rực rỡ, cùng những biểu tượng, khát khao của muôn người về một cuộc sống ấm no, tốt lành. Có cả thảy 12 dòng tranh dân dã, song phong phú nhất về đề tài lẫn ý nghĩa nhân văn là tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Làng Sình (Huế), tranh kiếng (Nam bộ) và một số tranh thờ tại từ đường, tựu chung cho 3 miền Bắc-Trung-Nam.
3 dòng tranh này đều lấy sự sặc sỡ, thường là ngũ sắc với 3 màu chủ đạo: đỏ, xanh, vàng để đặc tả cảnh trí, con người, nhất là những trò vui, đem tới tiếng cười sảng khoái trong ngày xuân. Về đại thể, tranh Đông Hồ được làm từ kỹ thuật in khắc gỗ, dùng ván khắc phết mực, in lên giấy dó. Mỗi mộc bản tương ứng với một màu, một mảng – họa tiết, và khi in phải thật khéo để các hình sau không đè lên hình trước, cũng như điền màu đúng chỗ.
Lúc đầu là đỏ, kế tiếp đến xanh, vàng, hồng hoặc trắng, cuối cùng lấy nét đen. Đặc biệt nữa, trên tờ giấy luôn phết nhiều lớp hồ dán pha bột điệp, là bột của một loại vỏ sò giã mịn khi ra nắng sáng lóng lánh. Màu sắc ở đây đều là các màu tự nhiên, được chiết xuất từ lá cây, rơm rạ, đất son, thổ hoàng, tro than… nên rất tươi, tự nhiên, bền vững lâu dài. Thế nhưng mỗi màu trên tranh đều khá đậm đặc, do các mảng hoa văn to lớn, rõ ràng.
Tranh làng Sình tương tự, song ít chi tiết hơn và thường được in lấy nét trước, tô màu sau. Với những tranh lớn, nghệ nhân không để ván lên giấy, mà đặt giấy lên ván, dùng xơ mướp di đều cho ăn mực, rồi phơi khô, tô thủ công.
Tranh kiếng Nam bộ lại là tranh vẽ sau mặt kính, dùng sơn dầu và mực dính, khô kết ngay nhằm tránh loang lổ. Đầu tiên, người ta sẽ đặt miếng kính lên trên một mẫu vẽ, vẽ theo, rồi tô tay từ đậm tới nhạt và khi tranh khô thì cẩn xà cừ, dán vàng quỳ, vẽ nhũ kim lộng lẫy, tráng lệ.
Tranh Đông Hồ, tranh kiếng vì cầu kỳ, tỉ mỉ cộng với nội dung rộng mở thường được trưng bày lâu niên, còn tranh làng Sình có tính phác họa, giản tiện cao, lại chủ yếu cúng xong thì đốt nên chỉ tồn tại trong những ngày Tết, từ Tết Ông Công Ông Táo, khi Táo Quân chầu trời báo cáo một năm cũ sắp qua cho tới ba ngày Tết Nguyên Đán chào mừng tân niên hoặc tới Tết Nguyên Tiêu, rằm tháng Giêng. Tranh Đông Hồ, tranh kiếng thường được treo, dán trong nhà, còn tranh làng Sình dán ngay ngoài cửa, gian thờ lộ thiên và chuồng trại gia súc.
Mỗi dòng tranh tựu chung đều có bố cục ước lệ, thiên về trích đoạn song chủ đề hết sức đa dạng, ly kỳ. Tranh thường có một mảng rất lớn về cảnh đẹp thiên nhiên, với các đề tài như hoa cỏ xanh tươi, chim chóc véo von, thập nhị chi, người đẹp trong các sinh hoạt sôi động – hội xuân. Tiêu biểu cho điều này, tranh Đông Hồ có bộ tranh tứ quý: Hoa cắm trong lộc bình với đào, sen, cúc, hồng và Cổ thụ chim đậu với mai – hạc, phù dung – trĩ, ngô đồng – phượng, tùng bách – công.
Mỗi loài cây và chim trên đều ứng với một mùa trong năm từ xuân đến hạ, thu, đông và khi trưng bày, sẽ mang cả đất trời bao la, trù phú vào nhà, giúp gia chủ luôn tươi trẻ, yêu đời, dư thừa, sung túc. Đồng thời cũng có bộ tranh Nhi đồng ôm sinh vật như gà, vịt, cóc, rùa, cá, tôm… với ngụ ý chúc tụng đặc biệt vì trẻ thơ như búp trên cành, khởi nguồn của mọi dòng dõi, còn con vật thì đông đúc thành đàn.
Thường thấy bé trai ôm gà trống ghi dòng chữ Vinh Hoa, ôm cóc – Nhân Nghĩa; bé gái ôm vịt bầu – Phú Quý, ôm rùa – Lễ Trí. Sở dĩ như vậy, vì gà và cóc thể hiện cho nam tính, yếu tố dương, bầu trời, nắng-mưa; gà còn có bộ mã rất đẹp như một vị quan, đi đứng oai vệ, gặp địch thì đánh anh dũng-mưu trí, còn tìm được mồi thì nhân nghĩa chia xẻ cho đàn, cũng luôn gáy vang đúng giờ để gọi mọi người dậy và lên chuồng đều đặn rất chí khí và đáng tin, trong khi cóc ngồi rất vững chãi, lại nhảy cao, chồng chất thành đống, chỗ nào cũng sống nổi, nhẫn nhịn, gọi được mưa, ăn được sâu hại…
Qua hình ảnh cậu bé ôm con vật này, người ta muốn nói đến ước mong trong năm mới sẽ sinh được một bé trai kháu khỉnh có các phẩm chất anh hùng, trung hậu – nhân nghĩa, khiến gia đình tự hào vì con đã làm được việc tốt, và nếu có thể thì thi cử đỗ đạt, thăng tiến. Vịt, rùa lại chỉ nữ tính, yếu tố âm, mặt đất, sông ngòi; vịt cũng rất duyên dáng, uyển chuyển, lúc nào cũng ngụp lặn kiếm ăn, kêu gọi đàn, còn rùa thì kín đáo, nhẹ nhàng, nhu mì, thông minh, có gì cất nấy… vì thế là tượng trưng của một phụ nữ nết na, tài đảm, khéo léo biết đối nhân xử thế, chăm sóc gia đình.
- Xem thêm: Làng nghề trước tết
Trong bốn con vật, gà còn là sinh vật của (thấy nhiều ở) mùa xuân, cóc – mùa hè, vịt – mùa thu, rùa – mùa đông. Và dân gian thường treo một lúc cả bốn tranh để cầu xin con cháu đầy nhà, ai cũng giỏi giang, thanh lịch. Cũng có lúc lại gặp một nam, một nữ ôm cá chép và tôm hùm, với ý nghĩa cá, tôm bơi lội vui nhộn, cá phi lên cao với vây cánh biểu thị cho quan, thăng thiên hóa rồng để được làm vua, đem mưa móc tưới tắm ruộng đồng xanh tươi – mát mẻ, cá còn có âm Hán Việt là dư, ý chỉ ăn mặc mãi không hết, còn tôm thì to sụ, chắc nịch với mũ mão cân đai, giáp trụ tướng quân, cũng giỏi lăn lộn, tung nảy phiêu du tứ hải để nói về sự năng nổ, hoạt bát, thành danh của con cháu.
Ngoài ra, tranh Đông Hồ còn có rất nhiều con vật nữa mừng xuân, thuộc 12 con giáp- thập nhi chi và tứ linh. Theo triết lý phương Đông, hàng năm sẽ có một con giáp theo thứ tự: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi cai quản trần thế nên ai nấy đều treo tranh con giáp ấy và cả các con khác để được bảo hộ may mắn. Con gà đã được nhắc ở trên cùng người, song cũng còn có tranh gà độc lập ghi chữ Đại Cát, Nghinh Xuân, Dạ Xướng, Nhật Mình, Kê Cúc, Kê Hồng, Thư Hùng, Chọi gà, Đàn gà mẹ con… Đại Cát là bức tranh gà trống với bộ lông xòe rộng, bay bổng trong khi đứng một chân đỡ bầu trời với những nhành hoa lá rực rỡ bên trên, chiếm nửa diện tích của tranh, ý nói về sự tự cường, tự tôn.
Trong văn hóa, gà chính là biểu tượng của ánh sáng mặt trời, đem tới vô vàn sự sống, và có âm Hán Việt là Kê, đọc chệch thành Cát, ngụ ý tốt lành, và khi kết hợp với thân hình to lớn thành Đại Cát. Nghinh xuân cũng thế, song đề cập tới việc đón xuân với mọi thứ khởi đầu tốt đẹp. Hai con vật thường được đi cùng nhau. Dạ xướng là gà gáy giữa đêm, năm canh xua tan bóng tối, tà ma. Còn Nhật minh là gáy buổi sáng hay trưa đem tới điềm lành – an lạc. Kê Cúc, Kê Hồng là gà đứng bên khóm cúc, nhành hồng – hai loài hoa thanh tao.
Thư Hùng là gà trống, gà mái cùng đàn con nô đùa, cho thấy một gia đình vui vẻ, thuận hòa; và quan điểm con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, trong khi Chọi gà là sự chiến đấu kiên cường vì những lý tưởng cao cả. Trong 12 con giáp, chỉ có gà, lợn và trâu hay được vẽ nhất vì là vật nuôi quen thuộc, thức ăn và đồ thờ cúng tam sinh trên ban thờ. Tranh Đông Hồ có hai loại chủ đề lợn là lợn độc (một mình) ăn lá ráy và lợn bầy đàn.
Song mỗi con lợn đều rất béo, mũm mĩn để khi trưng ngày Tết cho thật nhiều tài lộc do lợn là một nguồn kinh tế lớn nhất trong nhà, ngày xưa chỉ cần một con lợn cũng nuôi đủ một gia đình, và người ta mong rằng, việc trưng tranh lợn sẽ mang đến tiền tài, sự ăn nhanh chóng lớn, dễ thương ở cả trẻ nhỏ. Riêng trâu thì có rất nhiều tranh từ trâu cày, đến trâu chọi, chăn trâu thổi sáo – học bài, ngư tiều canh mục, chú tiểu tìm trâu trong Phật giáo… vì trâu liên quan tới sức kéo, lực điền và là trụ cột của nền nông nghiệp. Ngày Tết, ở quê nhà nào cũng treo tranh trâu để cầu xin mùa vụ bội thu, gia quyến khỏe mạnh, siêu năng.
Mọi người thích nhất là cảnh trâu bò nhàn hạ gặm cỏ vì mơ tới sự nhàn rỗi, nhưng cũng có người ưa chuộng trâu chọi nhằm ca ngợi tinh thần thượng võ, đề cao sự rèn luyện trí tuệ- thể lực để đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ việc con vật hay cọ sừng vào cây, giúp nó khỏe đầu, cứng cổ để kéo cày tốt hơn, và khi giao đấu, chạy nhảy cũng khiến đất đai tơi xốp, màu mỡ. Tranh làng Sình cũng có nhiều trâu, song gia chủ thường không treo trong nhà, mà dán ở cửa chuồng mong nó khỏe mãi cho người được nhờ.
Những con vật nhỏ bé như chuột cũng được thấy trong tranh Tết Đông Hồ, ví dụ như Chuột múa rồng, Đám cưới chuột, trong đó con chuột được nhân hóa để biến thành người vui chơi, yêu thương, có nhiều quyền lợi. Tuy nhỏ bé, như những người dân thuở trước bé nhỏ trước cường quyền, song chúng lúc nào cũng vui, cũng biết cách xoay sở để sống. Chuột còn là biểu tượng của sự đông đúc, khéo léo và chăm chỉ khi liên tục tha mồi, thóc gạo mang về.
Do nền nông nghiệp sản xuất gạo, coi gạo là tài sản lớn nhất, nhà nào càng có nhiều gạo càng giàu nên nhiều người thường treo hai tranh này. Ngoài ra, chúng còn thể hiện khát khao hòa bình, cầu mong mưa thuận gió hòa, người an vật thịnh, no ấm. Hay được vẽ cùng chuột, song mèo trong tranh Đông Hồ lại truyền tải ý nghĩa về sự hống hách, cửa quyền, ăn chặn, ăn hối lộ và hiện thân của kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, cần bị trừng trị. Nhắc đến đây là nhắc đến một loại tranh khác trong tranh Tết, ấy là tranh gây cười, trào phúng và phê phán.
Tranh Tết đa số đều có nội dung dí dỏm, hóm hỉnh song có một số loại chuyên gây cười, và với tranh Đông Hồ là Hứng dừa, Đánh ghen, Bịt mắt bắt dê… Tranh Hứng dừa miêu tả một đôi trai gái với nam trèo cây, nữ vén váy hứng dừa rơi xuống. Đánh ghen khắc họa một bà vợ cầm kéo tấn công chồng đang lang chạ. Còn Bịt mắt bắt dê phản ánh nam nữ cùng bịt mắt và bắt một chú dê. Tranh tếu hài ở chỗ, trong Hứng dừa là sự hớ hênh, khêu gợi của người nữ giới trước đám đông, là mối quan hệ luyến ái quá tự do trái luật (theo quan điểm ngày xưa), trong Đánh ghen là ông chồng có thói trăng hoa, còn bà vợ thì dữ như sư tử và ở bức cuối cùng, bịt mắt làm sao bắt dê được, có lẽ đây chỉ là ý đồ để trai gái vồ vập lẫn nhau cũng bởi xưa kia nam nữ thụ thụ bất tương thân.
Cũng vui song là tranh về các hoạt động tụ tập, thi đua, giải trí của người dân, trong tranh Tết, nhất là tranh Đông Hồ thường có các nội dung như đấu vật, kéo co, chèo thuyền, đánh đu, khiêng trống, múa lân, rước rồng, chọi chim, chọi cá… cho một không khí ngày hội cực kỳ tưng bừng, mà dù ta không đi trảy hội cũng như được chứng kiến trước mắt. Người trẻ thường thích trưng chủ đề này trong ngày Tết để có sức khỏe dẻo dai làm việc, vui chơi cùng võ nghệ bảo vệ đất nước.
Do mỗi trò chơi là kết tinh của sức mạnh dân tộc, tài hoa và khối đại đoàn kết toàn dân. Người già lại thích đề tài lịch sử, ca ngợi quá trình dựng nước – giữ nước, và những bức tranh như Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, Bà Triệu, Bà Trưng cưỡi voi, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hai lần thắng giặc Nguyên Mông, Bác Hồ với thiếu nhi, Bắt thằng giặc lái Pháp… là những lựa chọn đầu tiên để các phụ lão trưng cho ngày Tết.
Phụ nữ lại thích tranh thờ cúng mà tìm đến cả 3 dòng tranh trên vì 3 nơi đều sẵn đề tài thần linh, với tâm niệm có thờ có thiêng. Trong tranh Đông Hồ, hay gặp nhất là tranh thần môn giữ cửa Vũ Đinh – Thiên Ất, được trưng phía cổng trông nom nhà cửa. Do việc bảo vệ tài sản nói riêng và đất nước nói chung rất quan trọng, nên ngày Tết, dân gian đều trưng tranh hai vị. Kế tiếp là tranh Tổ Sư để tưởng nhớ, tri ân người thầy đã dạy dỗ, mở mang nghề nghiệp. Trên đó ngoài hình tượng tôn thần uy nghi, còn thấy dòng chữ Tiên sư giáng phúc đại đạo sinh tài, có ý cầu mong sự nghiệp mãi phát triển.
Cùng tranh Tổ Sư cũng thấy tranh Thổ Công- người cai quản đất đai và Táo Quân nắm giữ thọ phúc trong nhà. Để tăng thêm nguồn lực, tại phòng khách còn có thể có tranh Tiến tài tiến lộc, chỉ Thần Tài, Ông Lộc trong bộ Tam Đa: Phúc-Lộc-Thọ. Về phía Thần Tài có bảng ghi Tài hằng nguyên chí: Của cải nhiều như nước suối, và về phía Ông Lộc ghi Lộc vị cao thăng: Bổng lộc ngày càng cao dần. Tranh làng Sình cũng có tranh cúng gia thần như trên, song còn có tranh cúng thế mạng, gọi là tranh Con Ảnh, vẽ người như hình nhân để đốt đi, giải hạn.
- Xem thêm: Chơi tranh tết
Riêng phụ nữ có tranh Đức Bà bổn mạng, là người giám sát phụ nữ đã thành thân để gánh vác công việc nhà chồng, rồi tranh các nữ thần hộ sinh, an thai. Đặc biệt tranh nàycó một mảng lớn về Tam Tòa Tứ Phủ, Thánh Mẫu, các quan lớn hay Ông Hoàng, ngũ vị hoàng tử do theo đạo Mẫu. Vì thế, in khá nhiều tranh về bát âm, cung nỏ, tiền bạc, thuyền bè, nhà lầu và các con vật như voi, hổ, trâu, ngựa, nhất là ngựa bay làm vật cưỡi của thần. Thế nhưng, khi cúng xong, tất cả đều được đốt hoặc dán ngoài cửa hàng năm thay lại. Tranh kiếng cũng là tranh thờ song nhờ bằng kính giữ được rất lâu, cá biệt hàng chục năm. Ở đó, mọi người cũng gặp Tài Thần, Thổ Địa, Ông Táo, Tam Tinh, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Thiên Hậu, Thánh đế quân, Bát Tiên, Cửu huyền thất tổ…
Tóm lại, tranh Tết ở cả 3 miền là những bức tranh mang đậm hồn quê, dân tộc và ước mơ của tất thảy nhân dân về một đời sống tinh thần, vật chất thật là giàu có, dào dạt. Đó không chỉ là những mong muốn- khát khao về sự an lạc, thịnh vượng, mà còn là một nền văn hóa ngời ngời được thể hiện qua những màu sắc, thanh âm tươi sáng, rộn rã trong từng bức tranh đón Tết, mừng xuân.