Nguyễn Vĩnh Nguyên có một sự gắn bó đặc biệt với Đà Lạt. Khoảng thời gian năm năm ngắn ngủi sống ở Đà Lạt cho anh nhiều kỷ niệm đẹp khó quên, đến nỗi trong 15 năm chuyển về sống ở Sài Gòn, anh vẫn thường xuyên một mình vác balô lên Đà Lạt, nhất là khi cảm thấy mệt mỏi, chao đảo. Anh đi với tâm thế vừa là một lữ khách tìm khuây, vừa là kẻ trở về với ngôi nhà an lành trong ký ức.
Cũng như nhiều người yêu Đà Lạt khác, anh thấy thành phố đổi thay từng ngày, đôi khi cảm thấy “xa lạ” với cảnh quan, khí hậu, không gian văn hóa và tâm tính thị dân. Thế là anh quyết tâm tìm lại Đà Lạt mộng mơ, quyến rũ trước đây. Trước đây, tác giả đã có một cuộc khảo sát cá nhân khá ngẫu hứng để cho ra đời cuốn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách, dưới dạng nhật ký, tản mạn. Nhưng dường như cuốn sách nhỏ vẫn chưa đủ thỏa mãn người lữ khách “tương tư” Đà Lạt, anh lại tiếp tục kiến tạo một cuộc du hành văn hóa tìm về quá khứ. Và Đà Lạt, một thời hương xa đã làm một cuộc khảo cứu, ghi chép, kết nối tư liệu để cố gắng dựng lại thời hoàng kim của một đô thị trong tư cách là đặc khu đại học, một sinh quyển trí thức lý tưởng hôm qua.
Cứ cuối tuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên lại vác balô đón xe đêm về Đà Lạt. “Chỉ cần một căn phòng giá “bèo”, một chiếc xe chạy ổn, vậy là đủ cho tôi. Có những chuyến tôi chìm đắm trong các tàng thư, các kho hình ảnh, miên man với các cuộc tiếp cận đến độ chẳng rảnh để đi phòng trà nghe nhạc hay để ý tới khung cảnh bên ngoài…”, tác giả cho biết.
Anh chọn nghiên cứu Đà Lạt giai đoạn 1954-1975 vì trong khoảng thời gian này, thông tin của hầu hết các đô thị trung tâm văn hóa của miền Nam đến nay vẫn khá sơ sài vì nhiều lý do, trong đó vấn đề lớn nhất là nguồn dữ liệu nền mà đầu ra cho các công trình nghiên cứu cũng không dễ dàng. Qua các nhân vật gắn bó với Đà Lạt như Nhất Linh, Hoàng Nguyên, Nguyễn Bạt Tụy, Phạm Duy, Phạm Công Thiện, Lê Uyên Phương, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn…, tác giả đã tái hiện, phân tích về các vấn đề: tự trị đại học, sáng tác âm nhạc, sinh hoạt văn nghệ, cà phê một thời, đường sá tiêu biểu, nếp sống gia đình đặc thù Đà Lạt… Theo tác giả, việc tiếp cận tài liệu là rất khó khăn. Vì đa số báo chí, văn học, công trình trước tác tư tưởng giai đoạn này ở miền Nam đang nằm trong các thư viện nhưng thủ tục mượn xem để tra cứu thông tin cũng rất khó khăn. Một số tài liệu có giá trị khác thì nằm rải rác trong giới sưu tập, buôn bán sách báo cũ nhưng giá rất cao và không thể mượn xem nếu không có mối quan hệ tốt.
Một cuốn sách dày gần 400 trang, trong đó có trên 220 hình ảnh tư liệu nhưng tác giả vẫn cảm thấy chưa đầy đủ cho hành trình của mình. Vì “đi vào tâm hồn, căn tín của một đô thị là một hành trình không thể giải quyết ngắn ngày và đơn giản gói trong một, hai cuốn sách mà phải là một cuộc tri hành lâu dài. Nhất là với một đô thị bị vây phủ bởi quá nhiều lớp “sương mù” huyền thoại và định kiến”, anh chia sẻ. Anh hy vọng cuốn sách sẽ giúp người đọc có một cách kiến giải sâu hơn về cái gọi là “sự mất mát” của Đà Lạt, từ đó người đọc sẽ tiếp tục suy tư về cách để hạn chế “sự mất mát” đó hay liệu có thể phục hưng, sáng tạo lại giá trị sang cả đã từng cho Đà Lạt.
Nguyễn Vĩnh Nguyên nói rằng mỗi chuyến hành trình “đi tìm thời gian đã mất” là một tâm cảnh khác nhau, lúc tỉnh táo, lúc ngất ngây, thôi thúc bằng món nợ tình cảm và tinh thần của riêng tác giả với thành phố Đà Lạt mộng mơ. Có lẽ vì vậy mà cuốn sách không phải là một nghiên cứu mang tính nhất quán, bao quát đầy đủ và cụ thể về lịch sử hình thành, những sản phẩm văn hóa bản địa, sự gắn bó của các danh gia với nơi này, những dấu ấn phong cách hình thành trong cộng đồng thị dân qua thời cuộc… Nhưng những bước chân độc hành của anh hiện lên trong cuốn sách cho thấy được một tình cảm sâu sắc mà tác giả dành cho thành phố ngàn thông. Và Đà lạt, một thời hương xa (NXB Trẻ, tháng 9-2016) hẳn sẽ là “một món quà dành cho những người yêu và thực lòng muốn hiểu giá trị Đà Lạt” đúng như lời đề tựa trên bìa cuốn sách.
- Đức Hoàng