Tuần vừa qua, tình cờ mà hai buổi ra mắt sách mới của Phương Nam Book và Nhà xuất bản Trẻ đều giới thiệu những cuốn sách về vùng đất và con người Nam bộ là bộ 10 tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và bộ chuyên khảo về các tỉnh miền Tây Nam bộ. Dù là các thể loại khác nhau: một về văn chương và một về chuyên khảo nhưng những cuốn sách này giúp người đọc nhớ lại hay hình dung về con người, văn hóa, điều kiện tự nhiên, kinh tế… của vùng đất phương Nam hiền hòa ngày xưa.
Cuối năm 2016, Phương Nam Book đã tái bản bốn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ gồm: tập truyện ngắn Lao vào lửa, ba truyện dài Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang và trong tháng Ba này đã tiếp tục phát hành tái bản thêm sáu tác phẩm của nữ văn sĩ này là: tập truyện ngắn Mèo đêm, Chiều mênh mông, truyện dài Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên. Từ sau 1975, mười tác phẩm được Phương Nam Book phát hành lần này có thể xem như đã giới thiệu được tương đối đầy đủ sự nghiệp văn chương của bà Nguyễn Thị Thụy Vũ. Bà là một trong năm nữ nhà văn nổi tiếng của văn chương miền Nam trước 1975, bốn người khác là Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng… Sau gần 50 năm vắng bóng trên văn đàn, ngạc nhiên là đồng nghiệp và độc giả vẫn háo hức chờ đợi để gặp lại và trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ trong buổi giao lưu ra mắt sách. Không chỉ là độc giả lớn tuổi mà có rất nhiều người trẻ tuổi tham dự buổi nói chuyện của nữ nhà văn. Thế mới thấy, giá trị văn chương không đo bằng sự đón nhận ào ạt ban đầu mà nhạt dần về sau, sức sống của những tác phẩm sẽ được chứng minh bởi sức bền theo thời gian. Những người tham dự buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ say sưa lắng nghe và đặt câu hỏi cho bà, dù câu chuyện thường bị đứt đoạn bởi chứng lãng tai của nhà văn thì những gì bà kể ra đều là những câu chuyện đầy thú vị và xúc động. Độc giả biết thêm rằng nhà văn đã từng vất vả thế nào để nuôi dạy bốn người con. Bà làm tất cả các nghề từ dạy học, viết văn cho tới soát vé xe buýt… để kiếm tiền nuôi con. Tất tả mưu sinh rồi có ngày bà về “thấy con cái đứa thì nằm ngủ trên vũng nước tiểu, đứa thì đi chơi lêu lỏng không cho em ăn… nhìn cảnh đó, thiệt tui muốn chết cho rồi”. Những ngày sống dưới quê Vĩnh Long và những ngày ở thành phố đi dạy tiếng Anh cho các cô gái làm ở các quán bar hay cặp kè với lính Mỹ đã cho bà vô số chất liệu để bà kể lại trên các trang văn của mình. Bối cảnh trong các tác phẩm của bà, dù là vùng quê miền Tây Nam bộ như Khung rêu, Cho trận gió kinh thiên hay đô thành Sài Gòn như Lao vào lửa, Mèo đêm thì nhân vật trung tâm của bà đều là phụ nữ, mà đa phần mang thân phận u buồn. Bà chỉ kể chuyện, chứ không bình phẩm, những câu chuyện đầy sẻ chia với số phận những người đàn bà. Nhà văn Thụy Vũ đầy nữ tính trong cách viết và cách nói, bà nói: “Tôi thấy đàn ông viết văn sâu sắc hơn phụ nữ” hay “Lúc nào tôi cũng nhượng bộ đàn ông chút xíu” và kể thêm rằng các nhà văn nữ thời đó không thường gặp nhau nói chuyện văn chương gì đâu, họ chỉ thường gặp nhau những lúc thăm nhau đẻ.
Tiếc là sau 1975 nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ dường như không giới thiệu thêm tác phẩm nào nữa. Nhưng với 10 tác phẩm kể trên của bà cũng đủ để độc giả thấy được một phần nào bức tranh của cuộc sống con người trong xã hội Việt Nam những năm 1960-1975.
Trong tháng Ba này, Nhà xuất bản Trẻ cũng cho ra mắt bộ sách chuyên khảo về các tỉnh Nam kỳ với tên gọi đầy đủ là Địa lý học: Tự nhiên, Kinh tế và Lịch sử Nam kỳ do Hội Nghiên cứu Đông Dương chủ trương và thực hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và được biên dịch bởi hai dịch giả Nguyễn Nghị và Nguyễn Thanh Long. Bộ sách này được in thành những tập nhỏ, mỗi tập là chuyên khảo về một tỉnh được thực hiện với một đề cương chi tiết gồm bốn chương: Địa lý tự nhiên, Địa lý học về kinh tế, Địa lý học lịch sử và chánh trị, Thống kê và hành chánh. Dịch giả Nguyễn Nghị cho biết, Hội Nghiên cứu Đông Dương đã huy động rất nhiều người trong hội cũng như những người làm bưu điện đi nhiều, thấy và ghi chép lại. Lần này, NXB Trẻ phát hành sáu tập gồm chuyên khảo về các tỉnh: Châu Đốc, Bến Tre, Vĩnh Long, Long Xuyên, Gia Định, Vĩnh Long. Đây là lần đầu tiên, bộ sách chuyên khảo này được dịch đầy đủ ra tiếng Việt.
Bộ sách này có ích cho những độc giả muốn có cái nhìn khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế và đời sống của các tỉnh Nam kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Điều thú vị ở bộ sách này là vừa khái quát lại vừa cụ thể. Độc giả không thể dùng bộ sách như một tài liệu tham khảo để nghiên cứu sâu nhưng có thể có các gợi ý để đi tìm những tài liệu chuyên sâu. Ngược lại, độc giả lại có thể tìm được những con số rất cụ thể ở trong bộ sách này như các công trình cải tạo đất, các loại cây lương thực, cây công nghiệp với đầy đủ phân loại, cách trồng và mỗi loại có bao nhiêu cây hay hệ thống trường học, cảnh sát v.v… cũng vậy, tất cả đều được thể hiện qua những con số cụ thể. Qua bộ sách, người đọc có thể hình dung tổng thể về mảnh đất Nam kỳ nói chung, và mỗi tập sách riêng lẻ như một tấm ảnh chụp một giai đoạn của vùng đất đó. Nếu xem các cuốn sách như những bức ảnh thì có thể xem chúng vừa là một kỷ niệm của lịch sử vừa là dữ liệu để so sánh các mặt của những tỉnh này của thời điểm đó so với hiện tại, cái gì được mở rộng ra cái gì bị thu hẹp lại, cái gì phát triển và cái gì bị mai một.
- Lâm Hạnh, Ảnh Lam Điền
Xem thêm: