Nếu là fan của chủ đề kinh dị, bạn sẽ thấy các biên kịch lắm khi còn kỳ công cho một cảnh thủ tiêu xác gấp mấy lần các chi tiết quan trọng khác.
Họ khiến chúng ta phải tin rằng cách thức của họ có thể phi tang xác chết thần kỳ đến nỗi “ma không biết quỷ không hay”.
Nhưng thực tế không phải là màn ảnh nhỏ nên những tội phạm cố bắt chước phim kinh dị thường bị gô cổ sớm hơn chúng tưởng nhiều.
1. Ngâm trong acid
Bạn đã từng xem phim Breaking Bad chưa? Gã Walter White bảo rằng: “Muốn thủ tiêu xác người ấy à, cứ ném vào thùng acid là xong tuốt”.
Tin lời Walter White, năm 2016, một phạm nhân người Anh tên Stefano Brizzi, sau khi giết chết nạn nhân tên Gordon Semple, đã thả cái xác vào bồn tắm chứa đầy acid.
Nhưng khác với “hứa hẹn” của Walter White, cái xác không biến mất mà bốc mùi khủng khiếp. Nó khiến cư dân xung quanh chịu hết nổi, phải báo cảnh sát. Thay vì giấu giếm tội giết người cho Brizzi, bồn acid lại gọi các nhà điều tra đến sớm hơn!
Sau vụ việc trên, nhiều nhà hóa học tò mò liền nhảy vào thử nghiệm xem có hóa chất nào có khả năng phân hủy xác thịt ngay tức khắc hay không.
Họ có tìm được một vài hóa chất hoạt động tốt hơn cả acid, nhưng dẫu là chất nào cũng cần thời gian, và không có chất nào là ngăn cản được mùi thối rữa.
Mùi thịt bị phân hủy sớm vì tác động của hóa chất lại luôn gớm ghiếc đến nỗi ngay cả mũi người cũng dễ dàng phát hiện chứ đừng nói đến mũi chó nghiệp vụ.
2. Giả trang cho xác chết
Trong phim nửa hài hước nửa kinh dị Weekend at Bernie’s, hai nhân viên quèn đã ráng giữ xác ông chủ sao cho giống hệt như người vẫn sống trong suốt một tuần.
Để không bị phát hiện, họ cố hóa trang cho cái xác, điều khiển nó vẫy tay, cử động chân y như thật. Chỉ đến khi sự thật về cái chết của ông chủ được phơi bày, họ mới giải thoát cho cái xác khốn khổ ấy.
Không chỉ Weekend at Bernie’s, nhiều phim hành động khác cũng sử dụng tình tiết này. Có điều, câu chuyện thực tế của Robert Young và Mark Rubinson thì không kết thúc viên mãn như phim.
Khi hai người này đến nhà bạn, rủ anh ta đi chơi, họ phát hiện anh bạn ấy đã nằm chết còng queo. Nhưng thay vì gọi báo cảnh sát, Young và Rubinson lại quyết định “tặng” anh bạn xấu số chuyến ăn chơi phè phỡn cuối cùng. Họ khiêng xác bạn ra xe, để vào ghế sau rồi lái đi đến các tụ điểm ăn chơi trác táng.
Dù đã quậy tưng những ba quầy bar, Young và Rubinson vẫn chưa thấy đã. Họ vào thêm một câu lạc bộ thoát y nữa, nướng nốt 400 đôla (khoảng 9,3 triệu đồng) của cậu bạn đã chết.
Tất nhiên, họ không hề mang cái xác cậu bạn vào bar để cùng uống rượu hay khiến cái xác phải khua chân múa tay nhảy nhót như người còn sống, bởi dẫu sao thì chuyện ấy cũng chỉ có ở trên phim mà thôi.
Chúng ta có thể hóa trang gương mặt, nhưng khiến cái xác cử động tự nhiên như thật là không thể nào. Quái gở ở chỗ là đằng nào cũng chỉ vứt cái xác tội nghiệp ấy ở ghế sau, vậy thì hai kẻ dở hơi này mang nó theo để làm gì!
Đời thực không phải là phim hài nên luật pháp cũng không hề phì cười cho qua hành động điên rồ của Young và Rubinson. Ngoài việc bị quẳng vào tù, hai kẻ quái gở này còn phải nộp phạt cả đống tiền vì tội… ngược đãi xác chết.
3. Nhét vào máy nghiền gỗ
Khoảnh khắc ấn tượng nhất trong loạt kinh dị Fargo chính là cảnh kẻ giết người tống xác nạn nhân vào một máy nghiền gỗ.
Tất nhiên, với sức nghiến mạnh mẽ của một cỗ máy được chế tạo để nghiền vụn gỗ thành bột, nó chắc chắn có thể nghiền nát thi thể ra như cám.
Và theo như phân tích của nhà biên kịch Fargo thì, sau khi xác người bị nghiền vụn như thế, nó sẽ biến mất hoàn toàn, chẳng ai còn có thể nhận dạng nạn nhân nổi nữa.
Thực tế lại khác xa trí tưởng tượng. Năm 1986, gã phi công đốn mạt tên Richard Crafts (Mỹ) đã dùng cách này để tiêu hủy xác vợ anh ta, Helle Crafts, một tiếp viên hàng không, sau khi giết cô.
Mỗi lúc hàng xóm có dò hỏi sao không thấy Helle, anh ta đều viện cớ này nọ, rằng cô bận đi thăm thân nhân hay bằng hữu ở xa chẳng hạn.
Bản thân Crafts vốn là một gã ưa bạo lực nên láng giềng cũng có phần e dè. Nhưng vì mãi không thấy Helle, họ vẫn báo để cảnh sát vào cuộc.
Và tuy cơ thể Helle đã bị nghiền nát trong máy nghiền gỗ, dấu vết giết người của Crafts thì vẫn còn đầy, từ trong nhà ra đến tận máy nghiền gỗ giấu ở xa. Họ cũng tìm ra các vụn thịt, máu khô, tóc của cô ấy lẫn lộn trong bột gỗ. Crafts bị kết án tù 50 năm.
Với công nghệ điều tra ngày nay thì việc nhận dạng nạn nhân càng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Cái cách mà biên kịch phim Fargo đã nghĩ ra thực chất đầy lỗ hổng. Đến một mẩu tóc còn đủ để biết bạn là ai, chẳng lẽ nguyên một đống xương thịt bầy nhầy lại ngoài khả năng ấy.
4. Chôn xác
Chuyện chôn xác thì gần như là phim kinh dị nào cũng có. Chỉ có điều, cách này thật ra vất vả vô cùng. Muốn chôn xác, việc đầu tiên kẻ phạm tội phải làm là đào hố.
Hắn ta cũng không thể đào qua loa, vì cái xác bị chôn không đủ sâu khi phân hủy sẽ bốc mùi. Mũi của chó nghiệp vụ rất thính. Nó sẽ tìm ra nơi mà kẻ giết người giấu xác tức khắc.
Một kẻ giết người cũng không thể vô tư gọi một máy múc đất đến đào hố giùm mình. Nếu thường xem phim kinh dị, bạn sẽ thấy gã tội đồ chỉ kéo loẹt quẹt mỗi một cái xẻng.
Mà một cái hố vừa đủ sâu lại vừa đủ dài để chôn một thi thể thì đâu phải chỉ cần lấy xẻng xúc vài ba nhát là xong.
Hắn ta sẽ phải mất chí ít là một ngày để đào huyệt. Nếu đất xốp mềm thì còn đỡ, chứ đất chai cứng là… “xong” luôn. E rằng cả kẻ thủ tiêu xác cũng “tiêu” luôn vì kiệt sức.
Theo tính toán thì, muốn bịt mũi chó nghiệp vụ đánh hơi ra mùi tử thi, cái xác cần phải được chôn sâu tối thiểu là 2m. Còn về bề rộng và độ dài thì tùy vào kích thước của nạn nhân.
5. Đúc bê tông vào chân, thả xuống biển
Nghe thì có vẻ hợp lý vì biển rộng mênh mông, sâu thăm thẳm, dễ gì mà tìm một cái xác bị chìm tận đáy đại dương. Phim mafia cũng rất chịu khó lạm dụng cảnh này. Cứ động một chút là lại đe dọa đổ bê tông, vứt xuống biển.
Hãy hỏi một thợ hồ bất kỳ và bạn sẽ nhận được câu trả lời y như nhau: “Bê tông mà đổ nguyên khối thì còn lâu mới chịu khô”.
Để một khối bê tông đủ dày và nặng đến nỗi kéo chìm cơ thể người xuống biển, chí ít cũng mất nửa ngày. Chỉ nội việc ngồi canh nạn nhân đến lúc khối bê tông ấy cứng lại cũng đủ mệt.
Nếu nạn nhân không phải là cái xác mà vẫn còn sống, dễ gì họ cam chịu ngồi yên chờ bê tông đóng khối vào chân mình. Đến con giun cái kiến còn “xéo lắm cũng quằn”.
Còn nếu nạn nhân đã thiệt mạng trước rồi mới bị đúc bê tông, thả xuống biển thì sao ư? Chuyện này đã từng xảy ra vào năm 2016.
Sau xích mích nội bộ, Peter Martinez, một thành viên của băng tội phạm có tên Crips ở Brooklyn, Mỹ, bị giết và đổ bê tông vào chân, sau đó thả xuống vịnh Sheepshead.
Không như phim, khối bê tông ấy đã không đủ nặng để kéo cái xác của Martinez xuống tận đáy vịnh. Vì thế, dòng hải lưu đã cuốn nó đi, cuối cùng để thủy triều đánh cái xác vào bờ biển Manhattan.
6. Gọi cho nhóm dọn dẹp
Nhiều ông bà lớn giàu có hay cậu ấm, cô chiêu ác ôn trong phim kinh dị, sau khi phạm tội ác chỉ việc gọi cho một nhóm dọn dẹp vệ sinh.
Nhóm này sẽ bao gồm một mớ người mặc đồ bảo hộ kín bưng, tức tốc dọn sạch hiện trường. Họ sẽ dọn sạch đến một cọng lông cũng không bỏ sót. Nhưng xin thưa là tuyệt đối không có chuyện như thế này trong thực tiễn.
Ngay cả tồn tại một nhóm chuyên “dọn” hiện trường như vậy thì họ cũng chẳng cách nào xóa toàn bộ dấu vết phạm tội.
Với một nạn nhân bị giết, máu, dịch, chất thải từ anh (cô) ta sẽ văng tứ tung. Nếu là ở trong phòng, chúng sẽ ngấm cả vào tường, thảm và các đồ vật khác.
Tất nhiên là nhóm dọn dẹp có thể đổi toàn bộ đồ vật trong phòng bao gồm cả thảm. Họ cũng có thể phun nước cọ sạch bóng tường, nền, nhưng cái “sạch bóng” đó chỉ là với mắt thường mà thôi.
Theo các chuyên gia, dù có cố gắng đến cỡ nào, người ta cũng không thể loại bỏ được mùi của tử thi nán lại trong không khí. Với thiết bị và hóa chất phục vụ điều tra hiện thời, cảnh sát có thể dễ dàng phát hiện mùi này.
7. Rã xác cho thú ăn
Phim Snatch bảo rằng cách thủ tiêu xác chết tốt nhất là cắt nó ra, sau đó quăng cho heo ăn. Các nhân vật trong phim, sau khi giết người, đã nhảy vào một trang trại lợn, đẩy ông chủ trang trại sang một bên và chặt khúc xác chết, vứt cho đám heo háu đói ngấu nghiến.
Trên mặt lý thuyết thì cách này khá khả thi. Heo là loài động vật ăn tạp. Nó sẽ ăn tuốt, bất kể thức ăn là thứ gì, đang đói bụng hay không đói bụng.
Sau khi bị tiêu hóa rồi thì ADN cũng biến thành phân. Có điều, lợn không thể ăn cả xương. Và phải máu lạnh cỡ nào thì mới có thể thản nhiên nhìn động vật ăn thịt người cho được?
Ít nhất thì gã sát nhân hàng loạt Robert Pickton (Canada), kẻ đã giết cả 50 cô gái mại dâm, nghiện ngập, cắt thịt của họ ra đem nuôi lợn, cũng cảm thấy muốn phát bệnh vì chính những con lợn của mình.
8. Đốt nhà và đốt xác
Nhiều phim kinh dị sẽ chọn cách đốt nhà, đốt xác để xóa sổ hiện trường gây án. Lửa sẽ thiêu rụi mọi thứ và cảnh sát chỉ còn biết bó tay. Tuy nhiên, xin bạn đừng vội tin chuyện ấy. Nhiệt độ của một đám cháy chỉ cao cỡ 800-900oC là cùng.
Muốn hỏa táng một xác người, bạn cần tới tận 1.100-1.500oC. Và ngay cả khi thi thể bị thiêu trong hỏa lò, đôi khi nó vẫn sót lại vài mảnh xương.
Nhà hỏa táng cũng luôn tính toán rất khắt khe, lắm lúc còn từ chối một số trường hợp, ví dụ như thi thể quá béo, vì không chắc có thể hỏa thiêu hoàn toàn.
Trong thực tế, nhiều tội phạm đã cố phi tang xác chết bằng cách đốt. Song khốn nỗi, dù chúng có đốt đi đốt lại bao nhiêu lần, xác nạn nhân vẫn cứ sót lại đôi ba khúc xương.
Dĩ nhiên là xương cốt đã bị lửa đốt sẽ ít nhiều gây khó khăn cho công tác điều tra, nhưng nó không quá nan giải như phim ảnh vẫn thổi phồng.
Thêm vào đó, để gây ra một đám cháy, kẻ chủ mưu cũng phải cần đến chất dễ cháy, ví dụ như xăng, dầu.
Còn các điều tra hiện trường thì lại sớm tìm ra chất liệu gây cháy, vị trí bốc cháy đầu tiên, từ đó truy ra nguyên nhân, phạm nhân… Xét cho cùng, chẳng có cách thức phạm tội nào là hoàn mỹ cả!