Có nhiều hiện tượng xã hội cứ năm nào cũng lặp lại y nguyên, mà muốn giải quyết phải cần nhiều biện pháp kỹ thuật và có khi cần rất nhiều tiền của, đòi nỗ lực của cả quốc gia.
Vì thế sẽ không bàn đến những chuyện mệt mỏi như năm nào cũng ngập lụt, phố thành sông; cũng không bàn đến sự biến đổi khí hậu hay điệp khúc tăng giá điện – xăng – các dịch vụ y tế… đang gây tranh cãi, thóa mạ trên mạng xã hội.
Bà xã quay sang chồng, nói như bình luận viên:
Các “điệp khúc” có vẻ vô phương: năm nào, lễ nào em cũng nghe “cửa ngõ Sài Gòn, Hà Nội kẹt cứng vì người đi nghỉ lễ”, “nhiều hành khách lỡ chuyến bay do kẹt xe đường vào sân bay Tân Sơn Nhất”, “lái xe say xỉn, dùng ma túy”, “chỉ hai ngày lễ 66 người chết do tai nạn giao thông”…
Tức là lễ nào cũng kẹt xe kẹt cộ, cũng chết người, thành chuyện bình thường chẳng có cách gì tránh được. Các cuộc “đại hành hương” lễ cứ rùng rùng chuyển động, hết lễ nhiều người không còn sống sót mà trở lại. Nghe ghê quá…
- Xem thêm: Trả lời trong… khủng hoảng truyền thông
Rồi có cả “điệp khúc” về các thảm án kiểu giết sạch cả nhà như ở Bình Phước, Bình Dương, Nghệ An… Dù công an phá án rất nhanh, có vụ chỉ hôm sau là bắt được thủ phạm nhưng giá như có thể làm gì góp phần cứu nguy cho nạn nhân trước khi xảy ra thảm án… Bao nhiêu đau xót mà chỉ biết ao ước “giá mà”.
Tiếng khóc gào của bé gái tám tuổi trong vụ thảm án gần đây nhất ở Bình Dương, sau này hàng xóm mới nói có nghe thấy, nhưng không ai có thể làm gì để ứng cứu bé dù “có nghe thấy”.
Có người đặt vấn đề về sự thờ ơ vô cảm trước hoạn nạn của người khác. Nhưng cũng có người bảo rằng, trước những kẻ sát nhân tàn ác, mất tính người, những ai ứng cứu có thể bị chúng sát thương, giết hại.
Có người thì cho rằng cần trang bị cho dân chúng một số kỹ thuật tự bảo vệ… Nếu chỉ dừng lại ở việc lên án “sự vô cảm” mới chỉ là một phần của vấn đề.
Rồi cô ấy nói như một vị “lãnh đạo” tìm giải pháp:
Hãy thử tìm mọi sáng kiến, các giải pháp, tổ chức trong khu dân cư để chống cái ác. Mà bây giờ không biết còn bao nhiêu khu dân cư vẫn duy trì chế độ tuần tra ban đêm như đã từng làm rất tốt trước đây? Công an vẫn khẳng định “ngày càng lớn mạnh” nhưng có chế độ tuần đêm nữa không?
Ngày xưa thời thực dân đế quốc, hễ ra đường làm bậy, thậm chí chỉ cần đái bậy thôi là “ông cẩm ông cò” đi tuần bắt phạt ngay. Bây giờ chỉ thấy cảnh sát giao thông phạt xe cộ, rất hiếm gặp các đội cảnh sát tuần tra an ninh; an ninh trong các khu dân cư càng hiếm hoi.
Chưa kể ngày nay các loại thiết bị chống trộm cướp xâm nhập, camera, chuông báo động các loại đâu còn hiếm. Có thể nối chuông báo động các nhà trong một xóm nhỏ, một nhà có biến là chuông reo dậy xóm được không? Rồi làm sao để nhà dân nối liên lạc với trụ sở công an phường nhanh nhất?
- Xem thêm: Ở đâu cho thoát đám đông
Cô ấy nhớ lại ngày xưa khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội, cái khoảng trống lúc chờ bộ đội vào tiếp quản thủ đô là cơ hội để trộm cướp nổi lên. Lúc đó dân khu phố bàn nhau nếu nhà nào có cướp, tất cả các nhà đều gõ thùng, nồi xoong chậu dậy cả phố, tất cả đổ ra đường, mang theo gậy gộc, kẻ cướp thấy động ắt phải bỏ chạy.
Giá như khi bé gái tám tuổi gào khóc bỏ chạy trong khi tên sát nhân rượt theo, các nhà trong xóm bật sáng đèn, hò hét, gõ thau chậu… biết đâu thằng giết người thấy động bỏ chạy và em bé thoát nạn.
Chao ôi, chỉ là mơ. Tất cả đều im lìm, ngày mai mới khai báo là đêm qua có nghe tiếng bé gái gào khóc.