Hơn bao giờ hết, “núi nợ” của Trung Quốc đã gia tăng đến mức kỷ lục, có khả năng đe dọa đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tương lai gần. Theo Tổ chức nghiên cứu toàn cầu McKinsey, tổng số nợ của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục tương đương 282% GDP của nước này. Dù so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Đức và Australia (đều có tỷ lệ nợ cao hơn 250% GDP quốc gia), mức nợ ấy không thể bị xem là nổi bật, nhưng tỷ lệ gia tăng nợ của Trung Quốc trong 15 năm trở lại đây đã khiến giới quan sát quốc tế phải lo ngại. Nếu như trong năm 2000 và 2007, tỷ lệ nợ so với GDP của nước này lần lượt chỉ ở mức 121% và 158% thì con số ấy đã tăng vọt lên 282% hồi quý II-2014 và chưa có dấu hiệu dừng lại trước khi kết quả của năm 2015 sẽ được thông báo vào đầu quý III tới. Đồng thời, so với cấu trúc nợ tại những nền kinh tế khác bao gồm Mỹ, Canada, Đức và Australia, số nợ vay từ chính quyền trung ương (55% GDP quốc gia) rất thấp so với tiêu chuẩn chung của thế giới do đó sẽ đánh mất khả năng kích cầu kinh tế của chính phủ khi nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống. Ngược lại, các tổ chức chính quyền địa phương lại có tỷ lệ vay nợ rất cao và đang rơi vào tình trạng khó khăn khi đối mặt với thời hạn trả nợ.
Mặc dù tỷ lệ vay nợ tại các tổ chức tín dụng và ngân hàng tại Trung Quốc (65% GDP) chưa phải là báo động đỏ, nhưng số lượng nợ xấu gia tăng cho thấy nhiều dấu hiệu tiêu cực đã bắt đầu xuất hiện. Đối với việc vay nợ của những tổ chức phi tài chính (125% GDP), bao gồm các nhà kinh doanh bất động sản, nỗi lo ngại càng lớn, đặc biệt khi chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng để kích cầu tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu vay nợ tại các công ty bất động sản vốn đã chìm ngập trong núi nợ. Hồi tháng 4-2015, Baoding Tianwei Group đã trở thành tập đoàn quốc doanh đầu tiên của Trung Quốc vỡ nợ khi không thể thanh toán lượng trái phiếu phát hành trước đó. Tuy nhiên, một tin tốt lành đến với Trung Quốc khi tỷ lệ vay nợ của giới tiêu dùng gia tăng mạnh từ 8% GDP hồi năm 2000 lên 38% GDP vào quý II năm ngoái. Giới tiêu dùng nước này đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng chi tiêu và vay nợ, từ đó khơi dậy hy vọng vào thị trường tiêu dùng sẽ góp phần tạo lại thế cân bằng từ một nền kinh tế quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài và xuất khẩu. Theo Standard Chartered, một trong những điều Bắc Kinh cần làm ngay là ổn định tỷ lệ nợ trên GDP, đảm bảo việc vay nợ là nhằm tăng trưởng kinh tế và tránh những hệ quả từ việc sử dụng đồng tiền ngân quỹ vào những hoạt động kém minh bạch, gây tổn thất cho quốc gia.
Kiên Lâm theo Bloomberg (DNSGCT)