Theo trang web Artprice, tới cuối năm 2011 thì Trung Quốc đã chiếm đến 41,4% thị trường đấu giá tác phẩm mỹ thuật toàn thế giới, vượt qua hai thị trường này ở Mỹ và châu Âu.
Cho dù các số liệu về thị phần tác phẩm mỹ thuật mà Trung Quốc hiện đang sở hữu còn chưa được thống nhất, thế nhưng nếu con số đó chỉ là 30% – căn cứ vào báo cáo mới nhất của nhà kinh tế học nghệ thuật Clare McAndrew thì Trung Quốc vẫn được xếp trên Mỹ và châu Âu. Thậm chí nếu nhiều người còn hoài nghi giá trị đích thực của thị trường tác phẩm mỹ thuật tại Trung Quốc, thì vẫn không thể phủ nhận sự có mặt quan trọng của đất nước này trong thị trường nghệ thuật toàn cầu.
Tiến sĩ Clare McAndrew, tác giả của báo cáo đã mô tả “có một sự đổi thay nền tảng và quan trọng” về thị trường mỹ thuật thế giới và “Ưu thế trội bật của thị trường này tại Trung Quốc là hệ quả của sự tăng trưởng giàu có, nguồn cung tác phẩm nội địa dồi dào và xu hướng đầu tư của những người mua tác phẩm mỹ thuật Trung Quốc”. Cũng theo báo cáo trên, Mỹ chiếm 29% thị trường mỹ thuật toàn cầu, Anh là 22% trong khi Pháp chỉ chiếm 6%. Trong khi đó, nhà phê bình nghệ thuật Rachel Campbell-Johnston của báo Times (London) cho rằng: “Người ta đã nói về thị trường tác phẩm mỹ thuật tại Trung Quốc từ lâu rồi và thị trường này đặc biệt mạnh trong lĩnh vực tác phẩm hiện đại và đương đại”.
Tuy nhiên, giới sưu tập bản địa tại Trung Quốc vẫn chỉ quanh quẩn với những thương hiệu của mỹ thuật đương đại như Nhạc Mẫn Quân, Tăng Phàn Chí, Trương Hiểu Cương… và các họa sĩ trẻ bản xứ vẽ theo phong cách phương Tây cũng như những món đồ mỹ thuật cổ của người Hoa như bình gốm, ngọc thạch, tranh thủy mặc của các danh họa trong quá khứ. Điều đó hoàn toàn khác với những gì mà các nhà sưu tập tại Đài Loan, Indonesia, Singaporechọn tại thị trường mỹ thuật thế giới. Theo bà Kate Bryan của Hội Mỹ thuật London, người từng làm việc cho gallery Cat Street ở Hongkong thì chẳng có nhà sưu tập Trung Quốc nào dám bỏ ra 1,75 triệu bảng Anh để mua tác phẩm Sự thật bên trong của Damien Hirst dù nó từng được triển lãm tại Trung Hoa đại lục và sau đó được một nhà sưu tập người Đài Loan mua tại Hội chợ nghệ thuật Hongkong 2010; thế nhưng họ sẵn sàng bỏ nhiều triệu USD để có được một bức tranh của Trương Hiểu Cương, Nhạc Mẫn Quân.
Bên cạnh đó, giới sưu tập giàu có tại Trung Quốc không ngớt nâng giá các loại cổ vật truyền thống bản xứ. Những nhà giàu mới tại Bắc Kinh, Thượng Hải đã bước vào thị trường nghệ thuật khoảng hơn một thập niên đổ lại đây, họ sẵn sàng chi nhiều triệu USD để làm chủ những chiếc bình gốm cổ, đặc biệt là gốm đời nhà Thanh (1644-1911), nhất là vào đời vua Càn Long (1735-1796). Những ai theo dõi thị trường đồ gốm cổ Trung Quốc đều “choáng” bởi sự tăng giá của những bình gốm đời Càn Long.
Sự phát đạt của thị trường tác phẩm mỹ thuật tại Trung Quốc còn dẫn tới sự ra đời của các nhà đấu giá bản địa. Ra đời năm 1993, nhà đấu giá China Guardian hiện đứng thứ tư trong số các nhà đấu giá lớn nhất thế giới, còn Beijing Poly, nhà đấu giá lớn nhất Trung Quốc hiện chỉ đứng sau Sotheby’s và Christie’s về doanh số hằng năm.
- Lê Bản