Hãy thử xem có mình trong số người này không nhé: Một cuộc điều tra mới đây nhất đưa ra con số 96% người Việt Nam tự cho mình là tầng lớp trung lưu.
Ôi, vậy thì Việt Nam phải là quốc gia phát triển cao rồi chứ nhỉ, sao cứ than là dân nghèo, mùa đông trẻ con cởi truồng không có quần áo mặc, bao nhiêu tỉnh phải nhận… gạo cứu đói trong dịp tết?
Số thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp cả hàng chục ngàn người… Rồi bao nhiêu phóng sự về đời sống công nhân khu công nghiệp thuê nhà trọ nhét nhồi người nằm như… cá mòi trong hộp. Có khi cái xe đạp không có chỗ để, phải… treo lủng lẳng trên trần nhà…
- Xem thêm: Đố biết ai giàu ai nghèo…
Ôi thôi, kể ra cái nghèo vẫn không sao tả xiết, người chạy xe ôm, cô vợ miền Trung bỏ chồng ở nhà làm ruộng nuôi con cho cô vào đô thị lớn đi bán tàu hũ, vé số, bánh đa trứng cút. Nào là các chương trình “Vượt lên chính mình”, “Ngôi nhà mơ ước”… quay cảnh người nghèo thê thảm.
Vậy thì nước ta nghèo? Nghèo sao xài ôtô xịn nhất thế giới, sao có máy bay riêng, sao có biệt thự nguy nga? Sao dân ta nằm trong Top các quốc gia có cách tiêu xài “lạc quan” nhất?
Ở đâu ra những 96% dân số tự thấy tự xếp mình là trung lưu?
Té ra sự thật mới chỉ có khoảng 8 triệu người đạt chuẩn. Một nghiên cứu cũng đưa ra là ở Hà Nội và đô thị lớn, thu nhập trung bình cũng chỉ 3.000-4.000 USD một năm, những con số gây nghi ngờ, hoặc đó chỉ là tính lương bình quân. Chứ người Việt rất nhiều nhà “không sống bằng lương”. Vậy thì hết bàn luận.
Bà xã ngồi nhẩm tính các con số và nói, không tin tưởng được các con số, là vì nếu chỉ lương trung bình của người dân là 8-10 triệu đồng một tháng thì làm sao mua Rolls Royce nhiều thế, làm sao đặt mua đồng hồ nạm kim cương cả tỉ đồng.
Trong khi đó một chuyên gia khẳng định, ở Việt Nam, không người nào có năng lực lao động để mua được Rolls Royce hết. Vậy mà cứ thấy nó chạy ngoài đường mới tài.
Thôi, cũng dễ hiểu, trong xã hội thiếu minh bạch, hoạt động kinh tế ngầm, con người kiếm tiền ngẫu nhiên phi lao động, đố ai làm thống kê được đấy.
Rồi chính bà xã “phát minh ra kết luận” suy ra từ những điều ngay ở nhà mình hoặc là bà thấy ở xung quanh: Vì sao dân Việt ta tiêu hoang nổi tiếng? Vậy chẳng mâu thuẫn sao: Không có tiền thì lấy đâu ra mà tiêu? Nhưng mà rõ ràng có chuyện này: Chẳng ai thích để người khác nhìn thấy mình cực khổ nghèo hèn. Hàng hóa ê hề, không lẽ để mình thèm thuồng? Thế là xả láng.
Giở báo ra là thấy con số “khủng” kiểu: Doanh nghiệp A lỗ 600 tỉ đồng vì khoáng sản. Doanh nghiệp B chi 800 tỉ đồng trả cổ tức… Người này nói kiếm tiền tỉ, người kia bán nhà mấy chục tỉ.
Xã hội tiêu tiền tỉ là bình thường, mình bỏ ra vài triệu đồng xài có gì đâu, chỉ là… muỗi! Người lao động bình dân thì kiếm vừa đủ ăn một ngày, nghĩ mình sao giàu được, để dành làm chi, biết đến bao giờ cho có, thôi thì cực nhọc quá, ăn nhậu cho nó… khỏe, cho nó vui đi.
- Xem thêm: Tính hoang phí là do nghèo hay giàu?
Thế nên các hãng nghiên cứu thị trường đã “nắm bắt” được tâm lý này, họ đánh giá được sức mua.
Nhìn lên không thể bằng ai, nhìn xuống còn người thê thảm hơn. Vậy nên tâm lý “tự sướng” thấy mình ổn cả, và khi trả lời điều tra, cứ tự đánh giá mình trung lưu cho oai, bất chấp thu nhập.
Mỗi năm, Việt Nam ta có thêm hai triệu người thêm vào tầng lớp trung lưu, được cho là tăng nhanh vào loại nhất châu Á. Thế thì dại gì ta không nhận mình trung lưu? Chưa giàu, nhưng chưa “mạt rệp” ta đứng giữa, thế không là hạng trung thì là gì?
Vậy nên có con số gần “cả nước trung lưu” đó, không tự sướng thì là gì?