Nhiều chương trình giải cứu nông sản được triển khai thành công những năm gần đây dựa vào lòng trắc ẩn của cộng đồng. Nên hay không?
Mở đầu năm 2017 là chương trình giải cứu chuối Đồng Nai (huyện Trảng Bom). Cam sành Hà Giang, cà chua Bắc Giang chờ đợi sự chung tay của xã hội. Còn hiện tại, những tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương đang tích cực giải cứu dưa hấu Quảng Ngãi. Nhà báo Minh Phong, báo Sài Gòn Giải phóng, một người gắn bó và am hiểu về miền Trung, tổng kết: “Đã bốn mùa dưa hấu nông dân Quảng Ngãi trông chờ vào lòng thương người để bán dưa qua các phong trào chung tay mua dưa cứu giúp nông dân…”. Sự lặp lại có tính liên tục dấy lên hoài nghi về tâm lý ỷ lại (moral hazard). Đầu ra của những cánh đồng dưa được “bảo kê” bằng lòng trắc ẩn của cộng đồng.
Về lý, lòng trắc ẩn là một cấu phần của vốn xã hội, có thể định lượng tương đối. Nhìn sang ngành chăn nuôi. Càng gần Tết Nguyên đán 2017, giá heo hơi càng giảm nhanh và sâu. Nhiều hộ chăn nuôi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Đồng Nai – mệnh danh là thủ phủ heo Đông Nam bộ – điêu đứng. Tuy nhiên, không có một chương trình giải cứu thịt heo được khởi xướng. Có phải những hộ chăn nuôi không đáng được giải cứu so với những nông dân trồng trọt? E rằng không. Cá nhân có thể mua một vài buồng chuối, vài ba chục ký dưa nhưng khó thể mua nguyên con heo thịt.
Tiếp tục với câu chuyện giải cứu nông sản với tình huống chuối Trảng Bom. Anh N.T.K – thành viên nòng cốt trong chiến dịch giải cứu – cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến chuối Trảng Bom gặp khó. Nông dân trồng tràn lan, kênh phân phối, thương lái ngưng mua do thị trường Trung Quốc giảm cầu, Philippines (nghe đâu) mở rộng vùng nguyên liệu. Hỏi tiếp đâu là trục trặc cốt lõi, anh không có câu trả lời thỏa đáng dù thừa nhận đầu ra xuất khẩu là thị trường Trung Quốc. Khi những cánh đồng chuối vùng Trảng Bom chín rộ vắng bóng thương lái thì một doanh nghiệp xuất khẩu chuối có vùng nguyên liệu từ Long An, Tây Ninh, Cần Thơ… không đủ hàng cung cấp cho thị trường Nhật Bản, EU… Tại sao doanh nghiệp này không gom chuối của Đồng Nai? “Khó kiểm soát chất lượng” là cách diễn đạt tránh tổn thương. Đừng quên rằng, người sáng lập doanh nghiệp này cũng đi lên từ hai bàn tay trắng cách nay hai thập niên, nhiều lần xất bất xang bang, thử nghiệm và thất bại với rất nhiều loại trái cây trước khi chọn chuối làm mặt hàng chủ lực.
Năm 2016, ngành rau củ quả mang về cho Việt Nam trên 2,3 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng gần 35%. Dự báo năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả đạt 3 tỉ USD. Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất, chiếm 70,4% tổng kim ngạch theo Tổng cục Hải quan. Phụ thuộc vào thị trường có tiêu chuẩn chất lượng rất thấp như Trung Quốc là vòng xoáy trôn ốc đi xuống. Chất lượng dễ dãi khiến nông sản đi Trung Quốc trở thành lệnh cấm nhập khẩu vào những thị trường chú trọng vào chất lượng, kéo theo giá trị gia tăng cao. Ở chiều nhập khẩu, người Việt bỏ ra khoảng 1 tỉ USD để mua rau củ quả từ nước ngoài, chưa tính phần tràn vào qua đường tiểu ngạch, chủ yếu qua các cửa khẩu tiếp giáp láng giềng phương Bắc. Nghĩa là dù muốn hay không, rau củ quả không xuất khẩu được chịu thêm sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà. Dù muốn hay không, nông dân cũng buộc phải thay đổi theo hướng chú trọng vào chất lượng nhằm đa dạng hóa thị trường.
Hãy xem xét tình huống trái thanh long Bình Thuận, từng lệ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian rất dài. Khi cửa ngõ vào thị trường đó bó hẹp dần do nước này phát triển vùng nguyên liệu, nhiều nông dân Bình Thuận buộc phải ngồi lại cùng nhau tìm đường sang những thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ… Việc đầu tiên là khai tử tiêu chuẩn Trung Quốc. Việc kế tiếp là hùn tiền, hình thành tổ hợp sản xuất, mời chuyên gia về hướng dẫn phương thức canh tác, nghiên cứu thị trường, triển khai “truy xuất nguồn gốc”…, theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Giám đốc dự án Truy xuất nguồn gốc điện tử (Traceverified), cũng là một trong những thành viên tư vấn cho tổ hợp tác nói trên.
Nhìn ra thế giới, bà Minh dẫn câu chuyện con cá hồi Na Uy bơi vào thị trường Nhật Bản. Hẳn nhiên, quốc gia này có tiêu chuẩn chất lượng rất cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Hiệp hội cá hồi Na Uy còn đi xa hơn nữa là thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống của người Nhật. Na Uy phát triển vùng nuôi cá hồi trong khi người Nhật ưa chuộng cá hồi tự nhiên. Ngoài việc hùn tiền làm thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cá hồi Na Uy bắt buộc phải tham gia hiệp hội, tuân thủ những quy định nghiêm nhặt, từ khâu nguyên liệu, chế biến, giá bán… cho đến các nguyên tắc về môi trường, trách nhiệm xã hội. “Vai trò hiệp hội quyết định thành công của cá hồi Na Uy”, bà Minh khẳng định. Đòi hỏi mô hình hiệp hội phi hành chính hóa, toàn quyền tự chủ, tự quyết rõ ràng không khả thi ở nước ta khi Quốc hội vẫn đang thiếu nợ nhân dân đạo luật về hội. Chỗ dựa tạm thời cho nông dân là mô hình hợp tác xã.
Để nông dân không đơn độc, Nhà nước cũng có thể trợ cấp gián tiếp thông qua nhiều hình thức mà không vi phạm những cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế. Hình thức thứ nhất là thông tin thị trường như nhận định của ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Vinamit. Năm 2016, Trung Quốc ngừng nhập chuối Philippines do phát hiện dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, đẩy giá chuối nguyên liệu lên mức 23.000 đồng/ký. Nông dân đổ xô trồng chuối, thậm chí một số địa phương còn khuyến khích. Qua năm 2017, Trung Quốc mở lại cửa khẩu đối với mặt hàng chuối của Philippines, nông dân lãnh đủ. Hình thức thứ hai là nghiên cứu và phát triển (R&D). Một doanh nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long tỏ ra khá hào hứng khi kể lại chuyến thăm Mexico. Chính phủ nước này sử dụng ngân sách khảo sát, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng từng vùng thích hợp canh tác cây – con gì để đạt năng suất cao nhất. Sau khi khoanh vùng, họ quy định diện tích tối thiểu mỗi đơn vị sản xuất là 10ha. Những nhà sản xuất nông cụ phục vụ cơ giới hóa cũng tiết giảm chi phí nhờ sản xuất đúng chủng loại, kích cỡ theo nhu cầu thị trường.
Về tình, lòng trắc ẩn là giá trị quý báu. Càng quý, càng phải trân trọng, dè sẻn. Chẳng phải nhiều đấng sinh thành vẫn khuyến khích con cái tự lực, tránh lạm dụng lòng tốt của nhân quần. Âu cũng là đạo lý. Người Việt hay dùng chữ “ngặt nghèo”. Bởi nghèo nên có khi (thắt) ngặt. Giúp khi thắt ngặt mà người vẫn nghèo thì là lỗi của người. Tập cho người thói quen ỷ lại là hình thức khuyến khích ngược, không thúc đẩy điều chỉnh hành vi tích cực. Trách nhiệm đó có một phần của cộng đồng. Thương nhau như thế bằng mười hại nhau!
- Điền Lang
Xem thêm:
- Ấn Độ và VN thỏa thuận bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản
- Tiếp sức cho nông sản sạch
- Khôi phục niềm tin cho nông sản Việt Nam