Ít khi một cuộc bầu cử ở Pháp được dư luận quốc tế chú ý và theo dõi như cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào cuối tháng 4 này. Đảng cực hữu FN (Front National – Mặt trận Quốc gia) đang dẫn đầu trong những cuộc thăm dò dư luận. Nếu phe này thắng cử, Liên hiệp châu Âu có thể đi tới tan rã, đồng euro lung lay, đưa tới khủng hoảng kinh tế châu lục này và từ đó đe dọa kinh tế thế giới, bởi vì châu Âu, cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc, là một trong ba trọng tâm kinh tế thế giới. Người ta nhìn về Paris với sự hồi hộp, lo ngại.
Đảng FN theo chủ nghĩa quốc gia quá khích, chống kinh tế thị trường, chống toàn cầu hóa, chủ trương bế quan tỏa cảng, đóng cửa biên giới, rời EU, ra khỏi khối tiền tệ euro. Sau Brexit, nếu nước Pháp lại rút thì việc châu Âu sẽ tan rã chỉ là sớm hay muộn, vì nước Pháp cùng với Đức là hai chân đứng của châu Âu. Nếu một cái chân bị què thì châu Âu sẽ khập khiễng trước khi té nhào. Nhất là hiện nay, luồng gió quốc gia chủ nghĩa đang thổi mạnh ở các nước châu Âu từ Anh tới Áo, Hungary, Hà Lan, sau khi đã gây bão tố ở Hoa Kỳ với hiện tượng Donald Trump.
Cuộc đua tam mã
Nhiệm kỳ của Tổng thống François Hollande thuộc đảng Xã hội sắp chấm dứt. Sau năm năm cầm quyền, Hollande đã gây bất mãn và thất vọng đến độ ông không dám tái cử, chuyện chưa hề xảy ra trong chính trường Pháp. Ngân quỹ quốc gia kiệt quệ khiến chính quyền không thể phóng tay phân phát vung vít như thông lệ. Ông ta cũng không nắm nổi đa số ngay trong đảng của mình để có thể thực hiện những cải tổ cần thiết. Đảng Xã hội coi như chính quyền sẽ vuột khỏi tay mình.
Cách đây không lâu, người ta dự đoán chính quyền sắp tới sẽ lọt vào tay đảng Cộng hòa, đảng phái hữu quan trọng nhất. Mới hai tháng trước, ứng cử viên François Fillon của đảng này, vốn là cựu thủ tướng, xem việc trở thành tổng thống là đương nhiên và chỉ cần ngồi chờ sung rụng.
Nước Pháp bầu cử hai vòng, vòng đầu để chọn hai người vào chung kết, vòng hai thì ứng cử viên nào có số phiếu cao nhất sẽ đắc cử. Đảng Xã hội coi như bị loại, François Fillon của đảng Cộng hòa sẽ vào vòng hai với lãnh tụ cực hữu FN là bà Marine Le Pen.
Có thể bà Le Pen sẽ dẫn trước ở vòng đầu, nhưng như những cuộc bầu cử trước đây, vào đến vòng hai bà sẽ bị loại, bởi vì tất cả các ứng cử viên khác (lần này có đến 11 ứng cử viên) sẽ kêu gọi bỏ phiếu chống FN để tránh cho nước Pháp một cuộc phiêu lưu mà hậu quả không lường được.
Đó là kịch bản đã diễn ra từ trước tới nay, thế nhưng lần này mọi chuyện xảy ra khác hẳn dự đoán. Sau khi Fillon được chọn đại diện cho đảng Cộng hòa, báo chí khám phá ra ông này đã dính líu tới rất nhiều chuyện lem nhem về tiền bạc, mặc dù trong kỳ bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên của phe hữu, Fillon đã thắng vẻ vang với danh nghĩa một chính khách trong sạch và liêm khiết.
Uy tín của Fillon lập tức sút giảm, đa số những người ủng hộ, ngay cả những phần tử thân cận nhất, đều bỏ rơi ông. Theo những kết quả thăm dò, từ vị trí số một ông ta tụt xuống hàng thứ ba. Hai người đứng đầu là bà Marine Le Pen – cực hữu và ông Emmanuel Macron – không đảng phái, mỗi người trên dưới 25% số phiếu; François Fillon – đảng Cộng hòa 18%; Jean Luc Melenchon – cực tả 15%, Benoît Hamon – đảng Xã hội 10%; những ứng cử viên còn lại không ai đạt tới 5% số phiếu (nếu đạt 5% số phiếu thì tất cả chi phí tranh cử sẽ được nhà nước hoàn lại cho ứng cử viên).
Bàn cờ chính trị đảo lộn
Hiện nay, hai người được dự đoán sẽ vào vòng hai là bà Le Pen và ông Macron. Người ta nghĩ Le Pen có thể dẫn đầu vòng 1 nhưng sẽ bị Macron đánh bại ở vòng hai. Trước đây trong những cuộc bầu cử cấp vùng, cấp tỉnh, đảng cực hữu luôn thắng lớn vòng đầu nhưng vào vòng hai đều thua nặng, vì dân Pháp vẫn không tin một nhóm quá khích có thể cầm quyền thành công.
Riêng Le Pen còn gặp thêm một chướng ngại nữa: bà chủ trương rút khỏi châu Âu, ra khỏi hệ thống tiền tệ euro. Dân Pháp, mặc dù chỉ trích châu Âu, nhưng đại đa số không muốn theo bà trong cuộc phiêu lưu này. Ý thức được điều đó, Le Pen hứa nếu đắc cử sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về chuyện rời bỏ hay ở lại châu Âu. Nhưng việc đề nghị trưng cầu dân ý chứng tỏ bà không đủ bản lĩnh, không dám quyết định.
Ngoài ra, tuy Le Pen lên như diều nhờ chính sách chống di dân, chống Hồi giáo, nhưng những biện pháp về kinh tế của bà không khác gì nhóm cực tả, đại khái sẽ giảm thuế, tăng lương cho mọi người, về hưu năm 60 tuổi, ưu tiên mọi chuyện cho người Pháp, giống như America first của Trump.
Cho tới hôm 5-4, người ta tiên đoán Le Pen và Macron cùng vào vòng hai và Macron có thể sẽ là tổng thống của Pháp từ đầu tháng 5. Dân Pháp bầu tổng thống vòng đầu ngày 23-4 và hai tuần sau là vòng chung kết vào ngày 7-5.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 30% cử tri Pháp nói sẽ không đi bầu, 40% chưa biết sẽ bầu cho ai, chứ không như trước hễ phe hữu thì bầu cho phe hữu, phe tả bầu phe tả. Kết quả lần này sẽ thay đổi nếu số người tham dự ít hay nhiều hơn dự đoán, những biến chuyển thời sự khiến cho đến ngày bỏ phiếu người ta có thể đổi ý, ngả về ông này hay bà kia.
Cũng chỉ là dự đoán
Không ít cử tri Pháp kỳ vọng rằng Macron sẽ đắc cử, trở thành vị tổng thống trẻ nhất (40 tuổi) và là tổng thống đầu tiên không thuộc đảng phái nào. Cách đây bốn năm không ai biết đến tên Macron, khi ấy còn là một nhân viên ngân hàng cao cấp, sản phẩm ưu tú của hệ thống giáo dục Pháp, tốt nghiệp Sciences Po và ENA là những đại học có uy tín, nơi xuất thân của những người thay nhau lãnh đạo nước Pháp.
Năm 2012, theo lời mời của Hollande, Macron bỏ ngân hàng để nhận chức Phó giám đốc Văn phòng Phủ Tổng thống, rồi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế sau đó. Macron từ chức hồi năm ngoái, vì thấy hệ thống chính trị, hành chính của Pháp cứng nhắc, không thể hoạt động hữu hiệu nếu không thay đổi toàn diện.
Ông khởi xướng phong trào En marche (Lên đường) quy tụ những người có thiện chí thuộc phe hữu hay phe tả hoặc chưa từng hoạt động chính trị, mong muốn cải thiện xã hội Pháp. Trong số 11 ứng cử viên, Macron là người ủng hộ Liên hiệp châu Âu tích cực nhất và vô điều kiện. Theo Macron, tương lai của Pháp nằm trong khối châu Âu vì nước Pháp quá nhỏ để có thể đứng một mình, đương đầu với Hoa Kỳ và cả châu Á. Ra khỏi châu Âu, một thị trường 500 triệu dân lớn nhất thế giới, là một cách tự sát đối với quốc gia 66 triệu người đang gặp khó khăn về mọi phương diện.
Một vấn đề nữa, quan trọng hơn cả mà ít người nêu ra: tổng thống mới sẽ có được đa số ở Quốc hội hay không? Sau bầu cử tổng thống sẽ tới bầu cử quốc hội một tháng sau. Cho đến nay không ai tưởng tượng nổi khuôn mặt mới của quốc hội Pháp sẽ ra sao. Các đảng lớn tan rã, đảng cực hữu của Le Pen hiện chỉ có hai dân biểu và hai thượng nghị sĩ, còn phong trào En marche của Macron mới lần đầu đưa người ra tranh cử. Quốc hội sẽ là những mảnh vụn.
Đối với những nước khác, chẳng hạn như Đức hay Hà Lan, thì đó là chuyện thường. Các nhóm sẽ thương lượng, thỏa thuận với nhau để tạo một khối đa số. Người Pháp chưa có thói quen đó. Ở Pháp, cho tới nay, phe nào thắng thì nắm hết, phe nào thua về đuổi gà cho vợ, chờ đến năm năm sau ra tay chiếm lại chính quyền.
Nước Pháp đi về đâu?
Dù tổng thống tên là Le Pen, Fillon hay Macron, tương lai nước Pháp trong những ngày tới không có gì rực rỡ.
Với Le Pen, một cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu bắt đầu. Hoa Kỳ là một cường quốc, có thị trường nội địa lớn, có khả năng tự túc về nhiên liệu, dầu khí, có đồng đôla mạnh, có thể bầu Donald Trump “giỡn chơi” bốn năm. Pháp không đủ phương tiện để chơi trò chơi đó.
Fillon là người có chính sách can đảm nhất để cải cách, nhưng với những vụ lem nhem bị khám phá mỗi ngày, liệu có đủ uy tín để đòi dân đổ mồ hôi và nước mắt?
Macron là một khuôn mặt mới, trẻ trung, tích cực, nhưng không ai biết vai ông ta có đủ mạnh để gánh vác những gánh nặng lớn lao?
Nước Pháp có dư khả năng, có tài nguyên, có chất xám để cải cách, lại đóng vai trò một cường quốc. Chỉ thiếu một, hai yếu tố – nhưng lại là yếu tố quan trọng hàng đầu: sự quyết tâm và trách nhiệm công dân. Người Pháp nào cũng nghĩ phải thay đổi, cần hy sinh để cải cách nước Pháp, nhưng người phải thay đổi là tất cả… những người khác, trừ tôi!
Người Pháp không có tinh thần trách nhiệm của người Đức, nước Pháp không có chính trị gia can đảm như Gerhard Schröder. Trò chơi phổ biến của dân Pháp là khi gặp khó khăn liền đổ ra đường biểu tình, đình công, bãi thị, làm tê liệt cả nước. Và chính quyền, tả hay hữu, mỗi lần có đám đông phản đối, không có thái độ gì khác hơn là ký ngân phiếu tặng nhóm này vài chục triệu, giúp nhóm kia vài chục triệu euro.
Người Pháp gọi đó là Acheter la paix sociale – lấy tiền nhà nước tung ra để mua sự bình yên, để được an thân. Chuyện cải cách xếp một xó, để tính sau. Con bệnh nằm chờ từ năm này qua năm khác, người ta chỉ vực dậy trong những ngày bầu cử.
Nhưng lần này, có nhiều dấu hiệu cho thấy là người Pháp đã nổi giận, muốn thay đổi thực sự.
Xem thêm: