Đó là tên của cuộc triển lãm các vật dụng, văn bản dưới triều Nguyễn nhằm kỷ niệm 100 năm kết thúc nền giáo dục Nho học tại Việt Nam (1919-2019).
Chiều 23-12, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm “Một thời bút nghiên” tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục và đào tạo nhân tài phục vụ quốc gia, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã ban chiếu tổ chức kỳ thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn vào năm 1807.
Những năm đầu thế kỷ 20, nền giáo dục Nho học Việt Nam dần dần được nền giáo dục phương Tây thay thế. Từ năm 1906, người Pháp bắt đầu cải cách nền giáo dục, khoa cử trên toàn Đông Dương.
Ở kinh đô Huế, khoa thi Hương cuối được tổ chức vào năm 1918. Một năm sau đó, khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức. Sau đó, vua Khải Định ban Dụ tuyên bố về việc áp dụng Luật giáo dục mới vào ngày 14-7-1919, chính thức khép lại nền giáo dục Nho học tại Việt Nam.
Trong 117 năm tồn tại của nền giáo dục Nho học dưới triều Nguyễn (1802-1919), đã có 88 khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình, trong đó 44 khoa thi Hương lấy đỗ 5.236 cử nhân và khoảng 12.252 tú tài.
- Xem thêm: Nho học, công lao và hệ lụy
Triển lãm “Một thời bút nghiên” là sự tái hiện một phần bức tranh của nền giáo dục và khoa cử Nho học thời Nguyễn từ chủ trương của Nhà nước về giáo dục, qua các tài liệu châu bản đến các vật dụng phục vụ việc học hành, thi cử.
Có hơn 100 hiện vật là tài liệu, bút nghiên, tranh vẽ… được trưng bày tại triển lãm lần này.
Triển lãm sẽ mở cửa đón du khách tham quan từ nay đến hết ngày 23-3-2020 tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP Huế).
Dưới đây là một số hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi lại tại triển lãm: