Sáng Chủ nhật trong khu vực ăn uống sang trọng tại một trung tâm thương mại, một đứa trẻ lên bốn đang dở trò “làm nư” với cha mẹ. Không biết lý do gì mà đứa trẻ cứ khóc to, dai dẳng, vừa khóc vừa nói không tròn câu.
Lạ là người mẹ trẻ cứ mặc kệ, cô chăm chú vào điện thoại di động rồi cười, rồi bấm, quẹt. Ông bố thì sốt ruột vì đứa con nhưng xem ra mọi cách dỗ dành đều không có kết quả, thằng bé càng lúc càng nư thêm.
Người ta đoán nó đòi mẹ đáp ứng yêu cầu gì đó nhưng người mẹ dứt khoát không chịu, còn ông bố thì chiều con. Ban đầu mọi người chú ý, tỏ vẻ thông cảm, nhưng sau đó họ khó chịu vì càng lúc thằng bé càng khóc to hơn, ảnh hưởng đến chung quanh. Có người nói nhỏ với nhau tỏ ý trách người mẹ sao lại tỉnh bơ, kiểu cho nó khóc chán thì tự động sẽ thôi. Có thể cách xử lý này đúng nếu ở nhà, nhưng nơi công cộng thì không được!
Bất cứ ai có con nhỏ đều ngán ngẩm trò “quậy” vô thức của trẻ như: nổi chứng ngang chướng, nói gì cũng không nghe, dỗ cách mấy cũng không chịu, khóc la rân trời, nằm lăn ra đất dãy đành đạch… với một ý muốn duy nhất là được chìu! Đa số các bà mẹ có con từ 3-7 tuổi đều trải qua giai đoạn dở khóc dở cười này với đứa con vô thức cũng không hẳn mà ý thức cũng không có!
Quả thật là nỗi khổ cho các bà mẹ khi con cái trở chứng đòi hỏi vô thức. Thậm chí nhiều bà mẹ phải dọa “kêu công an” hay phải nhờ người khác “hù” giúp… Nhưng thường thì càng dọa, la, đứa trẻ càng nổi đóa dữ. Nói chung, khi có một đứa con có tính ngang bướng, hay nổi khùng vô thức đúng là rất mệt mỏi. Dạy thì chúng không nghe (vì có hiểu gì đâu mà nghe lời), càng nói ngọt nó càng làm tới, đe nẹt, đòn roi nó càng đổ lì…
Tính ngang bướng vô thức của trẻ con là một dạng hoạt động có tính nhất thời, không thường xuyên và thường rơi vào một tình huống trẻ có cớ ngang bướng (đòi lấy được chẳng hạn). Các bà mẹ trẻ thường rất lúng túng mỗi khi con cái bất chợt ngang chướng dễ làm “quê độ”. Các chuyên gia tâm lý cho rằng có những cách sau đây có thể giúp bà mẹ ứng phó được tình cảnh dở khóc, dở cười do con gây ra.
Trước hết hãy tìm hiểu nhu cầu của trẻ. Trẻ muốn gì, cần gì. Lúc này đây, bà mẹ trẻ không nên quá chú trọng đến người xung quanh đang chăm chú nhìn mình mà chỉ nên nghĩ đến đứa con đang sắp sửa muốn “quậy” (canh chừng). Nếu ở một môi trường đông người, trước tiên hãy nhắc nhở trẻ phải biết nghe lời người lớn, nên đặt cho chúng vào vị trí như một người… lớn để trẻ có “trách nhiệm” hơn!
Khi một đứa trẻ bắt đầu trở chứng, sẽ là sai lầm nếu cha mẹ liền dỗ ngọt. Chính đây là cách nạp thêm năng lượng cho trẻ quậy tiếp. Cách tốt nhất là hãy cách ly trẻ ra khỏi môi trường đó, việc thay đổi môi trường này sẽ làm dịu được cơn ngang chướng của trẻ.
Không cần phải rối rít xin lỗi người xung quanh khi con cái khuấy động không gian chung của mọi người. Bà mẹ trẻ hãy xin lỗi một cách chừng mực (càng rối rít xin lỗi, đứa con càng ngang chướng). Đây còn là cách mà bà mẹ thể hiện được sự bình tĩnh của mình trước đứa con dở chứng. Từ từ đưa con ra khỏi nơi đó và tìm cách làm cho trẻ hạ hỏa!
Phải cương quyết. Cần thỏa thuận trước với trẻ là nếu con mà làm như vậy nữa thì sẽ nhận hình phạt này, hình phạt kia… Nếu bà mẹ trẻ không cương quyết, đứa trẻ sẽ “được thể” và lần sau còn nặng nề hơn lần trước!
Không nên bỏ mặc con cái kêu gào ở chốn đông người gây mất thiện cảm với người xung quanh và tất nhiên người ta sẽ oán trách bà mẹ chứ không ác cảm với trẻ con.
Trong rạp chiếu phim chẳng hạn, nếu đứa trẻ lên cơn đòi quậy thì dứt khoát cha mẹ phải đứng lên và bước ra ngoài ngay. Đây là thái độ biết điều đối với người xung quanh!
Khi dỗ con, tuyệt đối không để con làm nư đòi hỏi cái này cái kia, rồi vứt bừa bãi lung tung. Không có gì bất lịch sự cho bằng người mẹ chiều chuộng con cái mà làm ảnh hưởng đến môi trường đang sạch đẹp xung quanh.