Phải chăng trầm cảm là căn bệnh mới xuất hiện ở thời hiện đại, thường xảy ra ở những người tự ti, yếu đuối, bi quan và có thể phòng ngừa bằng cách sống lạc quan, hòa đồng như chúng ta vẫn nghĩ?
Buổi trò chuyện với BS Lê Đình Phương, Chuyên khoa Nội tổng quát, Trưởng phòng khám FV, sẽ cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về căn bệnh được xem là nguyên nhân tử vong của khoảng 850.000 người trên thế giới đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống của rất nhiều người khác.
Hiện nay, theo ước tính, có khoảng 3% đến 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt và người có nguy cơ mắc bệnh cả cuộc đời là 15 – 25%. Dự tính đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh phổ biến thứ hai toàn cầu với khoảng 121 triệu người mắc bệnh. Bác sĩ Lê Đình Phương cho biết:
Do một phần từ cách giáo dục truyền thống nên chúng ta thường ít biểu lộ cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài. Vì tỏ ra bi quan hay chán nản thường được cho là biểu hiện của sự thiếu ý chí phấn đấu, thiếu đoàn kết, thiếu hòa đồng.
Trên thực tế, trầm cảm không phải là biểu hiện của sự yếu đuối về nhân cách mà đó là một căn bệnh với các triệu chứng cần điều trị như tất cả những căn bệnh khác.
Người bị trầm cảm thường không còn thích thú hay hăm hở với điều gì, mất sự năng động, buồn chán kéo dài, kém ăn hay ăn nhiều hơn dẫn đến những thay đổi về cân nặng, ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường, cảm giác mệt mỏi liên tục, khó tập trung, khó ra quyết định, dễ nóng nảy, hay giận dữ.
Người bệnh hay cảm thấy chán nản vì cho rằng mình bất tài, vô giá trị hay mặc cảm tội lỗi không lý do. Họ dường như mất hết hứng thú với cuộc sống, không còn vui với những niềm đam mê trước đó. Các triệu chứng trên liên tục kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng, cuối cùng có thể dẫn đến ý muốn tự sát.
Vì vậy, có ý định và kế hoạch tự sát được xem là một tình huống cấp cứu trong điều trị bệnh trầm cảm.
Như vậy, người bị trầm cảm thường chỉ có biểu hiện về tinh thần, tâm lý đơn thuần?
Bên cạnh những biểu hiện về tâm lý, người bị trầm cảm thường có những triệu chứng cơ thể đi kèm nhức đầu, đau bụng, đau cơ, đau lưng, hồi hộp, đánh trống ngực, mỏi mệt, chóng mặt.
Những biểu hiện này dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh thông thường khác, nên bệnh trầm cảm hay bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán. Cứ trung bình một ca trầm cảm được phát hiện ra thì có đến hai ca bị bỏ sót.
Đó là chưa kể đến những quan niệm sai lầm thường thấy, người bị trầm cảm ít khi chủ động đến khám và điều trị ở các bác sĩ tâm thần.
Bệnh trầm cảm ở giai đoạn sớm thường được phát hiện bởi bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu hơn là bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh vì những triệu chứng ban đầu lại thường là những triệu chứng rối loạn chức năng cơ thể như đã nói. Ngày càng nhiều các bác sĩ chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở và bác sĩ gia đình tự thấy mình cần phải có kiến thức về trầm cảm để nhận biết bệnh ngay ở giai đoạn đầu khởi phát.
Ở giai đoạn này, người bị trầm cảm ít khi có biểu hiện buồn bã, lo lắng, u uất chán nản, tuyệt vọng mà biểu hiện thường thấy hơn là đau đầu, chóng mặt, đau ngực, hồi hộp, khó ngủ…, làm nhiều xét nghiệm cũng không ra bệnh.
Báo chí hay gọi trầm cảm là một trong những căn bệnh thời hiện đại, phải chăng vì bệnh bắt nguồn từ cuộc sống nhịp độ cao và nhiều áp lực như hiện nay?
Cách nói trầm cảm là bệnh của thời hiện đại, theo tôi cũng chưa hoàn toàn đúng. Thời Hypocrates đã ghi nhận căn bệnh này và cũng đã có những trường hợp tự tử do trầm cảm. Dưới quan điểm y khoa, trầm cảm là căn bệnh của não bộ, chưa chắc thời nay đã có nhiều người mắc hơn ngày xưa, có thể do chúng ta nhận thức ngày càng cao về bệnh mà thôi.
Bác sĩ chuyên khoa và người thân có nên giấu tình trạng bệnh để tránh bệnh nhân u uất thêm hay không?
Nguyên tắc là bác sĩ cần phải giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh cho bệnh nhân hiểu rõ. Bệnh nhân còn cần được giải thích rõ về nguyên nhân, triệu chứng, tỷ lệ tái phát của bệnh trầm cảm. Ngoài ra, bệnh nhân còn cần được lưu ý trong hai tuần đầu uống thuốc trầm cảm có thể sẽ gây những triệu chứng khó chịu, u uất, tránh để bệnh nhân bỏ thuốc trong giai đoạn đầu điều trị.
Liệu bệnh trầm cảm có thể điều trị khỏi hoàn toàn không, thưa bác sĩ?
Có thể trị khỏi nhưng phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên môn về chăm sóc s
ức khỏe tinh thần. Nếu được trị tốt bằng thuốc và tâm lý trị liệu thì tỷ lệ điều trị đạt đến 80%. Mọi thuốc trầm cảm có hiệu quả ngang nhau, nhưng lại có tác dụng khác nhau trên từng bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ cần kiểm tra kỹ để chọn loại thuốc phù hợp.
Cảm giác vô dụng và tuyệt vọng cùng sự cô lập có thể làm bệnh nặng thêm. Khi được chữa khỏi, khuôn mặt bệnh nhân trở nên sáng sủa trở lại, đôi khi là thay đổi hẳn một con người. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát khá cao, người bị trầm cảm lần thứ nhất tỷ lệ tái phát là 50%, lần thứ hai là 70% và lần thứ ba là 100%.
Bác sĩ có những lưu ý gì thêm cho bệnh nhân trong quá trình điều trị trầm cảm không?
Khi bị trầm cảm, uống rượu hay sử dụng những thuốc không kê toa dường như có thể tạm thời làm chúng ta khá hơn, nhưng lại có thể cản trở mục tiêu điều trị. Tình trạng suy sụp sau khi uống rượu hay thuốc giúp tinh thần hưng phấn có thể làm tăng cảm giác tội lỗi lẫn mệt mỏi…
Việc điều trị trầm cảm có thể cần sử dụng thuốc chống trầm cảm và bằng tâm lý trị liệu. Điều quan trọng là phải có bạn bè, người thân… để có thể chia sẻ thoải mái, để tìm được những giải pháp cho vấn đề cuộc sống hay học một cách nhận định khác.
Vai trò của người thân và bạn bè trong điều trị bệnh trầm cảm như thế nào, thưa bác sĩ?
Người bị trầm cảm rất cần sự hỗ trợ về tinh thần của những người sống chung quanh. Có thể nói rằng khả năng chữa lành bệnh phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm, chăm sóc của người thân và bạn bè. Vì vậy, trong điều trị bệnh trầm cảm, bác sĩ cần tư vấn cho cả bệnh nhân và người nhà.
Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh mà có thể lấy đi niềm vui của người thân, bạn bè, thay vào đó là cảm giác thất vọng, chán nản. Việc đồng hành với người bị trầm cảm có thể rất khó khăn, cần sự chịu đựng và kiên nhẫn lớn nhưng lại đặc biệt cần thiết để giúp người bệnh thoát ra khỏi cơn trầm cảm.
Chúng ta nên học hỏi những kiến thức, thông tin cần thiết về bệnh trầm cảm, điều này không chỉ giúp hiểu bệnh nhân, có thể mong đợi gì ở họ, hiểu người bệnh mong gì ở bạn. Nó cũng giúp bạn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của chính chúng ta khi sống cùng người bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là một căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người, liệu chúng ta có cách nào phòng ngừa bệnh không?
Thực tế trầm cảm có căn nguyên nội sinh lẫn ngoại sinh, nguyên nhân trầm cảm chưa biết rõ nên cách phòng cũng rất hữu hạn. Các yếu tố di truyền, môi trường, mất cân bằng về hóa học thần kinh có thể là những yếu tố liên quan đến trầm cảm. Cố gắng làm nhiều hơn những điều mình thích và hạn chế làm những việc mình không thích trong một giới hạn nào đó cũng là một cách để phòng bệnh trầm cảm.
Một số người cho rằng tin vào tôn giáo cũng là cách phòng bệnh trầm cảm. Bác sĩ có đồng ý với ý kiến này?
Tôi cũng đồng ý với điều này. Tuy rằng ngay trong giới tu sĩ cũng có người bị bệnh trầm cảm nhưng tỷ lệ rất thấp. Hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo (trừ mê tín dị đoan) đều hướng chúng ta đến điều tốt đẹp, đến chân – thiện – mỹ. Vì vậy, tin vào tôn giáo là một cách tu tâm dưỡng tính đồng thời có xu hướng chọn những điều tốt đẹp cho chính mình và cho mọi người, hạn chế tối đa mặc cảm tội lỗi và ước muốn tự tử.
Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích trên.
Một số địa chỉ điều trị bệnh trầm cảm:
• Bệnh viện Tâm thần TP.HCM
179 Hàm Tử, Q.5
ĐT: (08) 39234675
• Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
215 Hồng Bàng, Q.5
ĐT: (08) 38554269
• Bệnh viện Chợ Rẫy
201B Nguyễn Chí Thanh, Q.5
ĐT: (08) 38554137
• Phòng khám FV Sài Gòn
Tòa nhà Bitexco, 2 Hải Triều, Q.1
ĐT: (08) 62906167