Nếu như vào Ngày của Mẹ (tháng 5) không khí rất rộn ràng, thì Ngày của Cha một tháng sau đó lại khá im ắng!
Bao nhiêu quà tặng được nhà sản xuất kinh doanh tung ra để phục vụ Ngày của Mẹ, khẳng định việc tất cả mọi người đều có thể mua gì đó tặng cho người mẹ của mình. Quà cho mẹ đa dạng bao nhiêu thì quà dành cho cha đơn điệu bấy nhiêu. Loanh quanh cũng chỉ áo sơmi, dao cạo râu, giày, vớ… Tuy nhiên, việc quà tặng không đa dạng chẳng làm các ông phàn nàn hay chú ý.
Đàn ông vốn đơn giản là thế. Dù vậy, khi nói đến Ngày của Cha thì người ta lại đặt nặng vấn đề trách nhiệm. Có phải bao nhiêu năm người cha mải chạy theo chí lớn, quên đi gia đình nhỏ mà đến ngày này, thay cho món quà tặng, người ta lại nhắc nhở các ông bố về nhiệm vụ của mình trong việc nuôi dạy con cái?
Cũng thấy rằng, hầu như vai trò giáo dục con cái từ người cha luôn hiệu quả hơn mẹ. Mẹ vốn thương con nhưng lại hay mềm lòng. Trong khi đó, cha chỉ cần ho một tiếng là đứa con vào nề nếp ngay. Trường hợp không may mắn, nhà có con cái có biểu hiện hư hỏng, nếu không có sự can thiệp kịp thời của người cha, con sẽ có nguy cơ trượt dài, không cứu vãn nổi. Câu chuyện của một ông bố có thể là ví dụ điển hình cho trường hợp này.
Ông bố (không còn trẻ nữa) ấy biết được con mình (đang học lớp 9) có biểu hiện hư hỏng, thường xuyên bỏ học, tham gia một băng quậy phá có tiếng của thành phố. Sau khi được nhà trường thông báo, ông quyết định xin nghỉ phép. Cộng tất cả những ngày nghỉ phép được hơn một tháng, ngày nào ông cũng chở con đến trường (bằng xe đạp, thời bao cấp) cách nhà ba cây số, không cho con tự đi nữa.
Con vào học, ông ngồi trước cổng trường chờ đến khi tan học chở con về nhà, vì sợ con trốn học. Buổi tối, ông ngồi học cùng với con, củng cố lại bài vở con đã bỏ bê. Hầu như ông phải làm lại từ đầu cho con: sách vở thay toàn bộ, mượn vở chép bài cũ để con theo kịp bài mới, giảng giải những kiến thức bị hổng từ các môn toán, văn cho đến các môn lịch sử, địa lý… Vấn đề nào không hiểu, ông hỏi thầy, cô hay con của các đồng nghiệp học giỏi. Về phía bạn bè con, ông theo dõi rất sát, tìm hiểu tất cả gia đình bạn bè con, đến gặp từng phụ huynh trong băng nhóm và nhờ sự hiệp lực giúp đỡ.
Ban đầu cậu con khó chịu, mất tự do lắm, cảm thấy rất chán nản, phần vì bài vở theo không kịp, phần bị gò bó bởi sự kèm cặp quá sát của ông bố. Hết một tháng nghỉ phép, ông quyết định xin nghỉ thêm một tháng không lương, rồi hai tháng, rồi ba tháng. Với quyết tâm giành lại đứa con trước những cám dỗ của cuộc sống, ông đã thành công, tuy phải trải qua rất nhiều gian khó, tốn kém tiền bạc vì ông không đi làm. Thời gian khi ấy cũng hạn hẹp vì con đến kỳ thi mà kiến thức lại quá hổng. Cậu con năm đó vào được lớp 10 trường công với số điểm sát nút.
Rút kinh nghiệm năm lớp 9, con vào lớp 10, ngày nào ông cũng đưa đón và theo dõi cho đến năm lớp 12. Tất cả công sức của ông bố bỏ ra đã không uổng, cậu con thi đậu Đại học Sư phạm. Bốn năm dùi mài kinh sử, anh tốt nghiệp ra trường loại giỏi, có nhiệm sở ổn định, trở thành giáo viên dạy giỏi có tiếng của thành phố. Tất cả những điều có được bây giờ, anh biết rằng đó là công sức của bố anh với một tấm lòng thương con vô bờ bến, đã giúp anh vượt qua được giai đoạn thử thách nhất của đời người…
Mỗi nhà mỗi cảnh, bây giờ cũng có nhiều ông bố quyết định hy sinh, lui vào hậu trường chỉ để đưa đón, kèm cặp con học khi điều kiện việc làm của mình có khó khăn và công việc của vợ thì phát triển. Người ta cũng thấy rằng, con cái có bố đưa đi học, kèm cặp bài vở hằng ngày đa phần là học sinh giỏi, có chí. Một ông bố tâm sự, ngày xưa ông không phải là học sinh giỏi toán, kiến thức cũng rơi rụng khá nhiều.
Tuy nhiên, một ngày ông quyết định con mình phải vào được lớp chuyên toán vì nhìn thấy năng khiếu toán của cháu. Chính ông phải nỗ lực trước để làm gương cho con. Nghe ông kể đánh vật với các bài toán hóc búa cùng con, ai cũng tròn mắt thán phục.
Đừng phó thác hết việc nhà cho vợ với quan niệm đàn ông chỉ lo việc lớn. Chính việc dạy con, kèm con học là việc lớn mà không phải ông bố nào cũng làm được!