Amazon, lá phổi của trái đất, khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề từ đầu tháng 7-2019 đến nay. Luôn phải đối mặt với nạn phá rừng, khu bảo tồn đa dạng sinh học này chứa tới 1/4 loài động và thực vật trên thế giới và 15% trữ lượng nước ngọt của hành tinh.
Amazon là khu rừng lớn nhất thế giới. Kho báu đa dạng sinh học bị đe dọa bởi nạn phá rừng chủ yếu là do nông nghiệp, chăn nuôi và các hoạt động khai thác mỏ. Từ đầu tháng 7-2019, nó bị đe dọa bởi các vụ cháy rừng dữ dội. Những con số dưới đây cho thấy tầm quan trọng của rừng Amzon.
1/3 rừng nguyên sinh của hành tinh
Nằm ở khu vực tự nhiên của Nam Mỹ, phần lớn sông Amazon được bao phủ bởi rừng Amazon với diện tích 5,5 triệu km2. Lưu vực sông Amazon, 7,4 triệu km2, tức khu vực sông Amazon và các nhánh của nó chảy qua, chiếm gần 40% diện tích Nam Mỹ và trải rộng trên 9 quốc gia: Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp. Khoảng 60% diện tích rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil.
Rừng Amazon chiếm 1/3 diện tích các khu rừng nguyên sinh của thế giới và, nhờ sông Amazon và các nhánh của nó, rừng Amazon chứa 15% trữ lượng nước ngọt trên trái đất. Ngoài ra, sông Amazon là con sông dài nhất thế giới, 6.900km, và có lưu lượng nước lớn nhất.
Rừng Amazon cũng là lãnh thổ có nhiều tài nguyên quý như vàng, đồng, tantali, quặng sắt…
Chiếm từ 50 đế 70% đa dạng sinh học thế giới
2,1 triệu km2 rừng Amazon là khu vực được bảo vệ và là nơi trú ẩn của hệ sinh học đa dạng độc đáo nhất thế giới. Cụ thể là rừng Amazon chứa từ 50 đến 70% hệ sinh học đa dạng của thế giới. Theo Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (Organisation du Traité de Coopération Amazonienne – OTCA), 1/4 các loài sinh tồn trong rừng Amazon, tức khoảng 30.000 loài thực vật, 2.500 loài cá, 1.500 loài chim, 500 động vật có vú, 550 loài bò sát, 2,5 triệu loài côn trùng.
Nhiều loài rất đặc biệt tồn tại ở Amazon như cá heo hồng, piracau, một trong những loài cá lớn nhất ở Amazon có thể nặng đến 400 kg, hay loài kỳ nhông Amazon. Đó cũng là nơi ẩn náu duy nhất và cuối cùng của loài báo đốm.
Được xem là “lá phổi của hành tinh”, Amazon đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự nóng lên toàn cầu. Trong thực tế, Amazon tích trữ từ 90 đến 140 tỷ tấn CO2, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature – WWF). Nhưng khả năng hấp thụ CO2 của Amazon đang giảm sút do nạn phá rừng và hỏa hoạn.
34 triệu cư dân
Thường được gọi là “sa mạc xanh”, loài người đã sinh sống ở Amazon từ ít nhất 11.000 năm qua. Khu vực Amazon hiện có 34 triệu cư dân, trong đó 2/3 là người thành thị. 1/3 còn lại bao gồm dân bản địa, trong đó có 3 triệu người sống rải rác ở 420 bộ lạc, theo Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon. Trong đó có 60 bộ lạc sống hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. 86 ngôn ngữ và 650 phương ngữ được các bộ lạc sử dụng trong giao tiếp.
Bộ lạc lớn nhất của Amazon là Tikuna, với 40.000 thành viên. Theo Tổ chức Sinh tồn thế giới phi chính phủ (ONG Survival International), họ sống rải rác ở cả 3 nước Brazil, Peru và Colombia. Raoni Metuktire, người đứng đầu thổ dân Brazil thuộc bộ lạc kayapo, là nhân vật nổi tiếng trong cuộc chiến chống phá rừng ở Amazon. Từ năm 1989, Raoni đi khắp thế giới để cổ xúy cho việc bảo tồn rừng và người dân bản địa.
20% rừng đã biến mất
Tuy nhiên, hệ sinh học đa dạng lớn và rất quan trọng này đối với hành tinh chúng ta đang bị đe dọa, đặc biệt là nạn phá rừng hàng loạt. Thật vậy, gần 20% rừng Amazon đã biến mất trong vòng 50 năm qua, theo WWF.
Nạn phá rừng chủ yếu là chuyển đổi diện tích cây rừng thành đất canh tác nông nghiệp. Trồng đậu nành, chăn nuôi, xây dựng đập thủy điện và cơ sở hạ tầng đường bộ, công nghiệp khai thác quặng, cháy rừng, mua bán gỗ lậu… là những yếu tố chính góp phần làm cho rừng teo lại. Hơn 1 phần 5 rừng Amazon đã bị phá hủy và phần còn lại đang bị đe dọa.
Từ tháng 7.2019, hiện tượng này đang tăng tốc. Diện tích rừng bị phá hoại cao gần gấp 4 lần so với tháng 7.2018, theo đánh giá của tổ chức DETER (Détection en temps réel de la deforestation: phát hiện thời gian thực của nạn phá rừng) được Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (National Institute for Space Research – NISR) sử dụng. Chỉ trong tháng 7 vừa qua, 2.254km2 rừng đã bị phá hủy, so với 596km2 vào tháng 7.2018, tăng 278%! Phá rừng với khai hoang lần lượt dẫn đến các vụ cháy rừng đã tăng hơn 80% từ đầu năm nay so với cùng kỳ của năm 2018.
73 triệu cây cần được trồng lại
Để đối phó với nạn phá rừng ồ ạt, có nhiều sáng kiến giúp bảo vệ rừng. Ví dụ, năm 2007, Pháp đã tạo ra công viên Guyana theo kiểu rừng Amazon, hình thành khu rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới được bảo vệ.
Một dự án trồng lại rừng cũng được triển khai vào vào đầu tháng 9.2017. Theo sáng kiến của công ty Rock ở Rio de Janeiro (Brazil), 73 triêu cây phải được trồng lại từ nay đến năm 2023 để phục hồi 30.000ha rừng nhiệt đới Amazon. Đây là dự án trồng lại rừng lớn nhất thế giới.